Người Việt thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì virus máy tính

GD&TĐ - Vài ngày qua, người dùng Internet tại Việt Nam được cảnh báo về biến thể mới của mã độc tống tiền GandCrab tấn công trên diện rộng. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, 3.900 máy tính đã bị virus xâm nhập. Dữ liệu khi bị mã hóa sẽ không thể mở được và các nạn nhân được yêu cầu trả từ 200 USD đến 1.200 USD để chuộc lại dữ liệu.

Số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng tăng đột biến.
Số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng tăng đột biến.

1,6 triệu máy tính bị xóa dữ liệu

Chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn Công nghệ Bkav thực hiện tháng 12/2018 cho biết: Trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng gây thiệt hại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Á thiệt hại từ 120 - 200 tỷ USD, tương đương 0,53 - 0,89% GDP khu vực. Mức thiệt hại 642 triệu USD (nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017) tương đương 0,26% GDP của Việt Nam tuy chưa phải cao so với khu vực và thế giới, nhưng cũng là kỷ lục đáng báo động.

Theo nghiên cứu của Bkav, năm 2018, hơn 60% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo. Trung bình cứ 10 cơ quan, doanh nghiệp thì có 6 nơi bị mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính đào tiền ảo, gây mất an ninh thông tin.

Phân tích tình trạng mã độc đào tiền ảo tràn lan, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do các cơ quan, doanh nghiệp chưa trang bị giải pháp diệt virus tổng thể, đồng bộ cho tất cả các máy tính trong mạng nội bộ. Khi một máy tính trong mạng bị nhiễm mã độc, toàn bộ các máy tính khác sẽ bị tấn công, lây nhiễm. Ngoài việc làm chậm máy, mã độc đào tiền ảo còn có khả năng cập nhật và tải thêm các mã độc khác nhằm xoá dữ liệu, ăn cắp thông tin cá nhân hay thậm chí thực hiện tấn công có chủ đích APT.

Đáng chú ý, đã có hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu trong năm 2018. Hơn 46% người sử dụng tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng cho biết, đã từng gặp rắc rối liên quan tới mất dữ liệu trong năm qua.

Hiện có 2 dòng mã độc phổ biến tại Việt Nam, khiến người dùng bị mất dữ liệu là ransomware (mã độc mã hóa tống tiền ) và virus xóa dữ liệu trên USB. Các ransomware lây chủ yếu qua email, tuy nhiên có tới 74% người dùng tại Việt Nam vẫn mở trực tiếp file đính kèm từ email mà không mở trong môi trường cách ly an toàn (Safe Run). Trong khi đó, do USB là phương tiện trao đổi dữ liệu phổ biến nhất tại Việt Nam nên số máy tính bị nhiễm mã độc lây qua USB luôn ở mức cao. Thống kê của Bkav cho thấy, có tới 77% USB tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ít nhất 1 lần trong năm.

Theo chuyên gia an ninh mạng, dường như người Việt còn dễ dãi trong an toàn thông tin, khiến Facebook, email, máy tính kết nối Internet vẫn bị virus và hacker đột nhập dễ dàng

Theo chuyên gia an ninh mạng, dường như người Việt còn dễ dãi trong an toàn thông tin, khiến Facebook, email, máy tính kết nối Internet vẫn bị virus và hacker đột nhập dễ dàng

“Comment dạo”, mất tài khoản Facebook

Năm 2018 chứng kiến nổi lên hiện tượng lấy cắp tài khoản Facebook thông qua các “comment dạo” (bình luận lạ, không phải bạn bè - friends - của chủ nhân Facebook). Nghiên cứu chỉ ra có hơn 83% người sử dụng mạng xã hội Facebook đã gặp các comment kiểu này.

Nạn “comment dạo” thực chất do kẻ xấu đã dùng các tài khoản Facebook với hình đại diện là các hotgirl xinh đẹp, sexy để comment vào các bài viết hoặc group đông người quan tâm. Các nội dung comment thường rất hấp dẫn, mời gọi như: “Chat với em không”, “Kết bạn với em nhé”, “Làm quen nha anh”… Nếu người dùng Facebook tò mò bấm vào xem trang cá nhân của tài khoản “bẫy” này, nạn nhân có thể bị lừa mất tài khoản Facebook.

Để phòng tránh chiêu hack nick kiểu này, chuyên gia an ninh mạng khuyên người dùng tuyệt đối không bấm vào đường link đến từ những người chưa tin tưởng. Ngay cả khi link được gửi từ bạn bè, người dùng cũng cần chủ động kiểm tra lại thông tin trước khi bấm xem.

Lỗ hổng an ninh mạng tăng đột biến

Trong hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng được công bố tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó. Đặc biệt, nhiều lỗ hổng nghiêm trọng xuất hiện trên các phần mềm phổ biến như Adobe Flash Player, Microsoft Windows… và cả trong nhiều dòng CPU của Intel, Apple, AMD...

Mặc dù bản vá an ninh đều nhanh chóng được các nhà sản xuất công bố, nhưng việc cập nhật bản vá lại chưa kịp thời, thậm chí nhiều năm sau đó vẫn chưa được cập nhật. Điển hình như lỗ hổng SMB, sau 2 năm vẫn có tới hơn 50% máy tính tại Việt Nam chưa được vá lỗ hổng này. Đây là lỗ hổng từng bị khai thác bởi mã độc mã hóa tống tiền WannaCry, lây nhiễm hơn 300.000 máy tính trên thế giới trong vài giờ. Việc cập nhật bản vá chưa kịp thời tạo điều kiện cho hacker lợi dụng lỗ hổng để tấn công hệ thống mạng, từ đó lây nhiễm virus, cài cắm phần mềm gián điệp, thực hiện tấn công có chủ đích APT.

Bkav khuyến cáo, bên cạnh giải pháp phòng chống mã độc tổng thể, các cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị giải pháp kiểm soát chính sách an ninh, đảm bảo các máy tính trong hệ thống cập nhật đầy đủ bản vá lỗ hổng phần mềm, để tránh nguy cơ bị khai thác. Người dùng nên bật chế độ tự động update và thực hiện kiểm tra, cài đặt các bản vá cho máy tính đang sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.