Đến 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu đồng loạt 3 cấp

GD&TĐ - Đây là nội dung được lãnh đạo Bộ GD&ĐT cung cấp tại buổi họp báo về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vừa được Chính phủ phê duyệt tổ chức chiều 22/4.

Đến 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu đồng loạt 3 cấp

Triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu 

Theo Quyết định phê duyệt, Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015-2023. Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ông Đoàn Văn Ninh - Trưởng ban thường trực Đề án đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa cho biết: Ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định số 404 phê duyệt đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện đổi mới này từ lâu.

Trên cơ sở phân tích, tổng kết, đánh giá chương trình và bộ sách giáo khoa hiện hành, Bộ Giáo dục xác định được thực trạng, thành tựu và hạn chế của công tác biên soạn, từ đó rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khoa học có tính khả thi cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.

Hình dung các bước đổi mới chương trình, sách giáo khoa 

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông lần này, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó là đến chương trình môn học. Tiếp đó mới xây dựng đến bộ đề cương sách giáo khoa và sách giáo khoa của từng môn. Lần này, sẽ có một tổng chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học. Quy trình này khoa học và bài bản hơn lần làm chương trình, sách giáo khoa trước.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bao gồm 2 giai đoạn giáo dục: Giai đoạn 1 gồm bậc tiểu học và THCS. Đây là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp hình thành năng lực tự học và trang bị những kiến thức cần thiết nhất để sau khi hoàn thành lớp 9, người học đủ khả năng học nghề hay làm việc kiếm sống. Các môn sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp và bậc tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, gồm 3 năm THPT. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc, còn lại là môn tự chọn, để chuẩn bị cho việc thi vào Đại học, Cao đẳng.

Tỉ lệ các trường thực hiện thành công chương trình, SGK mới chắc chắn sẽ đạt từ 85 - 90%. 

Vấn đề đặt ra là với một đề án như vậy, thì những điều kiện cần thiết để thực hiện như đội ngũ giáo viên có khả năng dạy tích hợp, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng được hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Theo định hướng hiện nay, khi có chương trình và sách giáo khoa mới thì các trường sẽ thực hiện được ngay, tỉ lệ các trường thực hiện thành công chắc chắn sẽ đạt từ 85-90%. Nhưng vẫn cần phải tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong một thời gian nhất định, có thể là vào dịp hè. 

Điều kiện cơ sở vật chất của các trường cũng đã cơ bản đáp ứng được việc dạy học theo phương pháp mới, chỉ còn khoảng 10-15% số trường có cơ sở vật chất còn thiếu thì kinh phí nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư để khắc phục.

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn xong chương trình, từ đó hoàn tất xong sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10; đảm bảo để đến năm 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu đồng loạt 3 cấp. Đến năm 2023, việc thay sách sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến lớp 12.

Về tiêu chí của chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ đang xây dựng tiêu chí của người xây dựng chương trình vì đây là nhân vật quan trọng. Cả nước chỉ có 1 chương trình và Bộ có tiêu chí đánh giá người để mình lựa chọn. Bây giờ Bộ đang xây dựng tiêu chí, cũng có kế hoạch công khai tiêu chí này.

Người viết chương trình, viết SGK phải là người "2 trong 1"

Tiêu chí của người xây dựng chương trình SGK gồm 3 tiêu chí cơ bản là: có phẩm chất tốt, có năng lực về khoa học và có năng lực về sư phạm. Người viết chương trình, viết SGK phải là người "2 trong 1", vừa phải giỏi về năng lực khoa học lẫn năng lực sư phạm.

Ngoài ra còn một số tiêu chí khác nữa như là người làm việc tập thể, có năng lực tiếp thu, biết nghe người khác, năng lực thực tiễn, am hiểu về giáo dục phổ thông.

Cho đến nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ Giáo dục tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành về các nội dung đổi mới, đồng thời, tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân có đầy đủ thông tin, tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như hành động về các chủ trương, định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

 Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phát hiện, bổ sung thêm lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa; hoàn thiện và công bố công khai, minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người tham gia ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa và hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa.

Bộ cũng sẽ làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bàn bạc, thống nhất, đảm bảo hoàn thành đúng lộ trình và có chất lượng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.