Người Việt Nam thấp vì dinh dưỡng

Người Việt Nam thấp vì dinh dưỡng

(GD&TĐ) - Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin người Việt Nam thấp nhất khu vực. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia để làm sáng tỏ thêm thông tin, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam.

->> Việt Nam vẫn là điểm nóng về suy dinh dưỡng

->> Đau đáu nhân lực dinh dưỡng

Việc phát triển chiều cao có liên quan gì đến phát triển về trí tuệ không, thưa PGS?

Chiều cao kém phản ánh cả quá trình nuôi dưỡng kéo dài từ trong bụng mẹ, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời. Dinh dưỡng thưở nhỏ quyết định đến chiều cao, tầm vóc khi trưởng thành. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những vấn đề như suy dinh dưỡng hay thiếu vi chất hồi nhỏ cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập sau này. 

Người Việt Nam thấp bé, đâu là nguyên nhân chính, thưa PGS?

Nguyên nhân chính là do bữa ăn chưa đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt ở các khu vực điều kiện kinh tế khó khăn. Ngay cả ở khu vực thành thị, các bà mẹ có sẵn thực phẩm nhưng không biết cách lựa chọn. Dẫn đến, các cháu có thể to béo, bữa ăn thừa năng lượng nhưng vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng. Ví dụ, như thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin D, thậm chí thiếu canxi nếu khẩu phần ăn không có sữa. Như vậy, nguyên nhân không chỉ do thiếu thực phẩm mà còn ở vấn đề kiến thức dinh dưỡng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ môi trường sống, các vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ví dụ, nhiễm khuẩn, nhiễm virus khiến trẻ mắc các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng góp phần làm thiếu thụt các vi chất dinh dưỡng.

Cần chú trọng nâng cao tầm vóc trẻ ngay từ những năm đầu đời
Cần chú trọng nâng cao tầm vóc trẻ ngay từ những năm đầu đời

Theo PGS, hiện các bà mẹ ở Việt Nam thường có những hiểu lầm gì trong cách chăm sóc dinh dưỡng cho con em?

Thực ra, phải nói là các bà mẹ chưa có kiến thức về dinh dưỡng đầy đủ nên chưa biết cách lựa chọn các thực phẩm đủ chất dinh dưỡng cho con. Ví dụ, bữa ăn còn đơn điệu, chưa đa dạng thực phẩm, chỉ có một món cơm, món canh món mặn; hoặc ăn chưa cân đối giữa thức ăn động vật và thực vật... Nếu dinh dưỡng hợp lý, cần ăn đa dạng thực phẩm. Đơn cử, trong một ngày, người ta khuyến nghị nên ăn ít nhất khoảng 20 loại thực phẩm khác nhau, mỗi thứ một chút sẽ đủ chất dinh dưỡng hơn... 

Nói riêng đến bữa ăn tại trường học hiện nay có liên quan như thế nào đến việc phát triển tầm vóc của trẻ?

Thực ra, bữa ăn ở trường học chỉ chiếm khoảng 30 – 40% năng lượng khẩu phần ăn của trẻ, còn một phần các cháu ăn tại gia đình. Hiện nay, chúng tôi cũng đang xúc tiến các giải pháp như giúp các trường học từ mẫu giáo đến tiểu học có tổ chức bán trú, tư vấn về chuyên môn, xây dựng bộ thực đơn đa dạng thực phẩm và cả cách chế biến thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cân đối. Hy vọng, dự án này sẽ góp phần cải thiện các bữa ăn trong trường học.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Theo PGS, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Việt Nam có đạt được mục tiêu của Đề án?

Chính phủ đã phê duyệt Đề án 641, một trong những mục tiêu là cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 167 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 156 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5 cm. 

Đề án có 4 chương trình. Chương trình 1: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; Chương trình 2: Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. Chương trình 3: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi; Chương trình 4: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Tuy nhiên, Chính phủ mới phê duyệt về mặt chuyên môn, định hướng. Tôi nghĩ rằng, nếu muốn chương trình thực hiện thành công, cần phải có kinh phí. Nếu không có kinh phí thì không thể nào đạt được mục tiêu.

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ, PGS có khuyến nghị gì đối với mỗi gia đình, mỗi ông bố, bà mẹ để cải thiện tầm vóc cho con em mình?

Các gia đình nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, chú trọng nâng cao kiến thức về dinh dưỡng và biết cách lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Đặc biệt lưu ý những đối tượng có nguy cơ cao như bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ cần cải thiện các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần phòng chống suy dinh dưỡng từ trong bào thai và những năm tháng đầu đời, đặc biệt là trong 3 năm đầu tiên sẽ rất hiệu quả trong việc cải thiện chiều cao sau này.

Xin cảm ơn PGS!

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, thực ra, cần nói một cách chính xác: Việt Nam là một trong những nước có chiều cao thấp trong khu vực. Bởi cũng có nước gần tương đương với Việt Nam, ví dụ Indonesia. Chiều cao của nam thanh niên Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2010 là 163,2 cm, với nữ là 153,2 cm.

Trong khi đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên Hàn Quốc (nghiên cứu năm 2006) là 1m73,9; của Singapore là 1m70,6; Trung Quốc là 1m70,2. Chiều cao của nam thanh niên Thái Lan (nghiên cứu từ năm 1995) là 1m67,5. Đối với nữ, tại Thái Lan là 1m57,3; Hàn Quốc là 1m61,1; Trung Quốc là 1m58,6. 

Như vậy, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam còn đang thấp hơn khoảng từ 6 đến 8 cm.

Nguyễn Nhung (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).