Đọc sách để hiểu quá khứ, vững bước tương lai

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học. 

Học sinh Trường THPT Buôn Đôn với Ngày hội Đọc sách năm 2023.
Học sinh Trường THPT Buôn Đôn với Ngày hội Đọc sách năm 2023.

Do đó, việc hình thành thói quen, trang bị kỹ năng đọc sách cho học sinh càng trở nên quan trọng.

Đóng góp vào quá trình đổi mới giáo dục

Theo TS Lê Văn Nhất, Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Đôn (Đắk Lắk), sách là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian và lịch sử. Qua sách, chúng ta có thể trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và tiếp bước đến tương lai.

“Đọc sách sẽ khuyến khích các em tìm tòi những kiến thức mới và tăng sự đồng cảm, góp phần rèn luyện trí não và tăng khả năng tập trung. Đặc biệt với học sinh sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và trí tưởng tượng”, TS Lê Văn Nhất chia sẻ.

Chung nhận định, TS Phan Bá Lê Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Lắk), đánh giá, sách điện tử hay sách in đều có giá trị riêng. Trong cuộc sống ngày nay tùy thuộc vào không gian và thời gian, chúng ta cần sử dụng chúng một cách thích hợp để nâng cao trình độ, kiến thức hay cảm nhận cuộc sống. Từ đó vun đắp tình yêu gia đình, quê hương đất nước qua từng trang sách mà mình yêu quý.

Chia sẻ tại Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Đắk Lắk, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn nhận, các hoạt động như Ngày Sách và Văn hóa đọc, tìm hiểu sách hay các cuộc thi về sách… đã tạo sự gắn kết giữa tác giả, nhà văn và người làm giáo dục trên cùng một con đường, cùng nhìn về một hướng.

Lý giải thêm về vai trò của sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, khi học sinh yêu sách, trong đó có rất nhiều thể loại như điện tử, khoa học kỹ thuật, về vũ trụ và thiên nhiên, nhất là sách văn chương về con người, vẻ đẹp quê hương… lúc đó sẽ mở ra nhiều điều quan trọng.

“Chủ trương của Bộ GD&ĐT về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc là điểm nhấn quan trọng. Đó là sự cụ thể hóa tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa năm 1943”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Trường THPT Buôn Đôn tổ chức Ngày hội Đọc sách nhằm giúp học sinh thấy được vai trò và tầm quan trọng của sách trong học tập và cuộc sống.

Trường THPT Buôn Đôn tổ chức Ngày hội Đọc sách nhằm giúp học sinh thấy được vai trò và tầm quan trọng của sách trong học tập và cuộc sống.

Phát huy vai trò của sách in và điện tử

Trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng, thông tin ngày càng đa dạng, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, việc hình thành thói quen, trang bị kỹ năng đọc sách cho học sinh càng trở nên quan trọng. Chia sẻ điều này, TS Lê Văn Nhất cho rằng, không chỉ sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học, sách trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội… đều có ý nghĩa với học sinh.

“Thực tiễn từ Trường THPT Buôn Đôn cho thấy, học sinh thường xuyên đọc sách có vốn hiểu biết xã hội rộng hơn, tự tin trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Cũng nhờ đó, các em thường đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của giáo viên trong giải quyết các tình huống khi học tập ở lớp và hoạt động giáo dục khác. Đồng thời, các em này cũng phát huy được phẩm chất, năng lực riêng biệt. Đó cũng là mục tiêu quan trọng của quá trình đổi mới giáo dục hiện nay”, TS Nhất nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Phan Bá Lê Hiền cho rằng cần phát huy vai trò của cả sách in và sách điện tử để học sinh nhanh chóng tiếp cận với nguồn học liệu vô tận này. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, các thiết bị điện tử phủ khắp các lĩnh vực, sách điện tử cũng theo guồng quay ấy.

Các em có thể đặt mua bất kỳ cuốn sách nào ở mọi nơi trên thế giới; có thể truy cập vào các thư viện lớn nhất để tìm tài liệu hay hoặc có thể sở hữu một bài báo chuyên môn giá trị vừa được xuất bản. Hơn nữa, với chiếc điện thoại thông minh hay thiết bị đọc sách giúp các em sở hữu hàng triệu cuốn sách và đọc chúng bất kỳ nơi đâu.

“Ở Trường THPT Lê Duẩn, tôi thường nói với học sinh, việc mong chờ để sở hữu một cuốn sách in là điều thú vị và cuốn hút. Các em sẽ cảm giác được tiếng sột soạt khi lật từng trang giấy, ngửi thấy mùi mực còn mới. Tận hưởng niềm đam mê sưu tầm sách và chữ ký của tác giả. Hay các em sẽ ghi chú lên những đoạn văn mà mình tâm đắc.

Đặc biệt, đây còn là món quà giá trị cho người thân trong các dịp lễ, kỷ niệm của gia đình. Đó chính là giá trị lâu bền của sách in. Bên cạnh đó, để việc đọc sách thuận lợi hơn, các nhà xuất bản nên thay đổi cách trình bày, làm cho chúng nhỏ gọn hơn để sử dụng mọi lúc, mọi nơi” – TS Phan Bá Lê Hiền cho biết.

“Nếu các em không học, không đọc sách, không yêu thương con người và không ghi nhớ công lao của tổ tiên sẽ làm Tây Nguyên biến mất. Và Tây Nguyên chỉ lớn mạnh, đẹp hơn nữa bởi chính nỗ lực của các em. Chúng tôi đợi chờ điều đó trong một niềm tin bất diệt rằng, những học sinh Tây Nguyên sẽ đưa mảnh đất này trở nên kỳ vĩ và mến khách”. - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.