Đến nay, theo phong tục cổ truyền, người Việt đón 10 cái Tết trong năm (theo Âm lịch), gồm:
1. Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán là tết quan trọng nhất của người Việt. Dịp tết này thường diễn ra trong 03 ngày đầu tiên của năm. Theo phong tục xưa thì “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Đây là đạo hiếu, nề nếp, tục lệ nhằm nhắc nhở mỗi người về đạo hiếu đối với những người có công sinh thành, dạy dỗ.
Tết Nguyên đán được người Việt mong chờ nhất trong năm và được chuẩn bị công phu nhất. Trước Tết thì các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các đồ dùng, vật phẩm để ăn tết, chơi tết.
Đa phần các nhà đều nấu bánh chưng, làm giò chả, chuẩn bị đồ ăn để mấy ngày tết thờ cúng tổ tiên, rồi đi chúc tết họ hàng, làng xóm... Đến Tết thì ai đi làm ăn xa cũng trở về nhà ăn tết.
Trong mấy ngày tết, mỗi ngày gia chủ đều biện cỗ để cúng tổ tiên, thổ công, táo quân... Mấy ngày tết, các gia đình đến chúc tết họ hàng, làng xóm, bạn bè.
Trong những ngày tết, đặc biệt là mùng Một, có rất nhiều điều kiêng kị nhự: không quét nhà, không đổ rác vì sợ quét lộc ra ngoài; không nói tục hoặc cáu kỉnh, hay khóc lóc để không bị “dông” cả năm; mừng tuổi trẻ con, người già để chúc may mắn...
Từ mùng 2 tết trở đi, người ta thường chọn ngày và hướng để xuất hành, nhằm cầu may mắn. Thường là sau ngày mùng 3, đến mùng 4 gia chủ hoá vàng thì mới là hết tết.
2. Tết Hàn thực
Ngày mùng 3 tháng Ba là Tết Hàn thực. Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh. Phong tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ điển tích của thời Xuân Thu. Giới Tử Thôi là hiền sĩ thời vua Văn Công nhà Tấn, hết lòng trung nghĩa với vua, sau vì vua quên công mà đưa mẹ về ở ẩn trong núi.
Lúc vua nhớ Giới Tử Thôi, cho gọi về cung nhưng ông không chịu ra, nên vua sai đốt rừng, mẹ con Giới Tử Thôi chết cháy. Vua thương xót nên lập miếu thờ. Người xứ đó thương ông nên hàng năm cứ đến ngày 3.3 là cấm lửa ba ngày, chỉ ăn đồ lạnh nấu sẵn.
Tuy nhiên, Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Người Việt làm bánh trôi, bánh chay thay cho đồ ăn lạnh và cũng không kiêng lửa. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả của quá trình lao động vất vả mới có được.
Tết Hàn thực không cần bày vẽ các thủ tục tốn kém, mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
3. Tết Thanh minh
Trong khoảng đầu tháng Ba, có 1 tiết gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là khí trời mát mẻ, quang đãng.
Trong tiết này trời đất trong sáng, khí dương lên cao, khí âm hạ xuống, thời tiết bắt đầu ấm áp, dễ chịu, rất thuận lợi cho công việc cấy cày, trồng trọt.
Đối với người Việt, Tết Thanh minh không lớn, nhưng có ý nghĩa giáo dục cao, gắn liền với đạo đức, với bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của ông bà, của những người đi trước, hướng về tổ tiên, cội nguồn. Hoạt động trong Tết Thanh minh là tảo mộ, quét dọn quanh mộ, đắp cao thêm mộ, làm lễ cúng bái tổ tiên…
4. Tết Đoan ngọ
Ngày mùng 5 tháng Năm là Tết Đoan ngọ, còn gọi là Tết Đoan dương, hay còn gọi bằng cái tên mộc mạc là Tết giết sâu bọ.
Ở Việt Nam, xét theo nông lịch, đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh nên vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Nên người Việt coi đây là cái Tết quan trọng, gắn liền với kinh nghiệm của nhân dân lao động về quy luật tự nhiên, thời tiết… có tác động đến sức khỏe, sinh hoạt của con người và hoạt động sản xuất mùa vụ trong năm.
Dân gian trước đây, đến Tết này người ta hay lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ con, trừ các ngón trỏ. Rồi sáng sớm ăn rượu nếp, trứng luộc, bánh đa, kê, đào, mận, muỗm. Người lớn thì uống ít rượu hòa với hồng hoàng hoặc tam thất, gọi là giết sâu bọ.
Giữa trưa thì cúng gia tiên, rồi đi hái lá mùng 5, gặp bất cứ lá gì cũng hái, đem về ủ rồi phơi khô, về sau đem nấu uống, cho như thế là lành. Đến nay, Tết này cũng đơn giản hơn, chủ yếu là ăn rượu nếp, mận, đào vào sáng sớm, sau đó sắm lễ cúng gia tiên. Ở một số làng quê Việt Nam thì vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày tết này.
5. Tết Trung nguyên
Rằm tháng Bảy gọi là tết Trung nguyên. Tết này cũng trùng với Lễ Vu lan, hay còn gọi là lễ báo hiếu. Việt Nam ta theo sách Phật, nên thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội 1 ngày hôm ấy.
Vì vậy ta mới mua vàng mã để cúng gia tiên, cúng những người mất. Còn có lễ cúng cô hồn (thường vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng.
Trong tháng 7 Âm lịch này, đa số người Việt Nam theo phong tục dân gian tin đây là “tháng cô hồn”, không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện.
6. Tết Trung thu
Rằm tháng Tám là Tết Trung thu. Theo ghi chép của cụ Phan Kế Bính thì còn gọi là Tết trẻ con. Ban ngày thì cúng gia tiên, tối đến bày cỗ ngắm trăng.
Cỗ trông trăng gồm nhiều bánh trái, hoa quả và đồ chơi cho trẻ con. Bánh trái, hoa quả được gọt, xếp thành nhiều hình thù đẹp đẽ. Đồ chơi trẻ con trước đây toàn là thứ làm bằng giấy, sơn vẽ nhiều màu như sư tử, kỳ lân, rồng hươu, bươm bướm, đèn cù, đèn kéo quân... Tối đến trẻ con dắt nhau rước đèn, đánh trống, thổi kèn đi khắp ngõ xóm.
Vào ngày này, theo phong tục người Việt, người lớn cũng chuẩn bị mâm cỗ (bánh, trái…) dâng lên cúng tổ tiên, rồi gia đình quây quần phá cỗ, ngắm trăng
7. Tết Trùng cửu
Mùng 9 tháng Chín gọi là Tết Trùng cửu, hay còn gọi là Tết Trùng dương. Tết này hiện nay không nhiều người Việt biết đến. Từ cuối thế kỷ XIII, đầu XIV
Tết Trùng Cửu người ta uống rượu hoa cúc, đeo cành thù du để tránh bị đau ốm do thời tiết thay đổi. Trước đây, phần lớn là những văn nhân, những người hay chữ thì mới uống rượu thưởng Tết này, cho nên tết trùng cửu cũng ít phổ biến trong dân gian.
8. Tết Trùng thập
Mùng 10 tháng Mười là Tết Trùng thập, hay còn gọi là Tết Song thập. Theo sách Dược lễ thì đến ngày 10 tháng Mười, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời, trở nên tốt nhất.
Tết này phần lớn là các nhà hành nghề y, buôn bán dược phẩm, các nhà đồng cốt mới ăn tết, còn lại đa phần các gia đình là chỉ cúng gia tiên.
Sau này có thêm quan niệm nữa, Tết Trùng thập còn gọi là Tết Hạ Nguyên, là tết mừng cơm mới, là dịp lễ có vị trí quan trọng đối với cư dân nông nghiệp. Tết này các gia đình nô nức dùng gạo mới để làm bánh dày, thổi cơm, luộc gà, nấu chè kho cúng và chia cho cho những người thân thuộc, với ý nghĩa mừng lúa mới, mừng mùa màng bội thu.
9. Tết Táo quân
Ngày 23 tháng Chạp (tháng 12) là Tết Táo quân. Dân gian quan niệm đó là ngày Táo quân (vua bếp) cưỡi cá chép bay về trời, thay mặt gia chủ bẩm báo mọi sự trong gia đình năm cũ đã qua, đồng thời thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành.
Các gia đình sắm lễ cúng, trên bàn thờ phải có ba chiếc mũ mới bằng giấy (2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà, tức hai ông, một bà), 03 con cá chép, cùng mâm cỗ gồm lễ mặn (nếu có) và hoa quả, trầu cau... để tiễn Táo quân lên trời.
Việc này xuất phát từ tích xưa của người Việt, có các dị bản khác nhau, nhưng nội dung về 1 bà có 2 chồng, nhưng 3 người đều sống có tình có nghĩa, vì hiểu nhầm mà đều cùng chết, nên Ngọc Hoàng cảm động mà phong cho là bà ông bà đầu rau, chuyên cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Với gia đình Việt thì chuyện bếp núc rất quan trọng, nên nghi thức cúng ông Táo ngoài ý nghĩa tâm linh còn nhắc nhở chúng ta chăm sóc căn nhà, để giữ hơi ấm gia đình.
10. Trừ tịch
Ngày 30 tháng Chạp là ngày Trừ tịch. Tịch là chiều hôm, trừ hết năm cũ mà sang năm mới, cũng có nghĩa nữa là trừ khử ma quỷ. Cụ Phan Kế Bính có ghi về lễ này như sau: Nguyên tục này bên Tàu, ngày xưa cứ về hôm ấy thì dùng 120 đứa trẻ con độ 9 - 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi, vừa đánh để trừ khử ma quỷ, cho nên gọi là trừ tịch
Dân gian xưa làm lễ riêng của Tết trừ tịch nhằm xua đuổi ma quỷ, tống tiễn những thứ xấu của năm cũ còn sót lại, để đón năm mới với mong muốn may mắn hơn. Sau này nhiều người không rõ đây là 1 tết riêng, mà thường đưa vào luôn ngày tết Nguyên đán.
Trên đây là 10 Tết của người Việt theo phong tục dân gian. Sau này, do sự thay đổi về kinh tế, xã hội, đời sống … nên có cái Tết thì gần như không ai nhắc lại, hoặc quan niệm có thay đổi như Tết Trùng cửu, Trùng thập, Trừ tịch; có cái Tết lại được thêm mới như Tết Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), tết Nguyên Tiêu (ngày Rằm tháng Giêng).