Người Việt đọc trung bình 4 quyển sách/năm nhưng 2,8 quyển đã là sách giáo khoa

GD&TĐ -Thách thức lớn của Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng là văn hóa đọc, tỷ lệ người dân ham đọc sách vẫn còn nhỏ, chỉ 4 quyển sách/năm.

Thách thức lớn của Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng là văn hóa đọc, tỷ lệ người dân ham đọc sách vẫn còn nhỏ, chỉ 4 quyển sách/năm.
Thách thức lớn của Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng là văn hóa đọc, tỷ lệ người dân ham đọc sách vẫn còn nhỏ, chỉ 4 quyển sách/năm.

Sáng nay (3/10), ngành GD&ĐT TPHCM tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã về dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cho hay, dịp này thay Bộ GD&ĐT cũng trao quyết định bằng công nhận TPHCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 - đây là mức độ cao nhất theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời cũng trao bằng công nhận TPHCM đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

“Thay mặt Bộ GD&ĐT, xin chúc mừng những thành quả về GD&ĐT của TPHCM trong thời gian vừa qua” - Thứ trưởng nói.

48f63f81c93b6f65362a-3636.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. (Ảnh: Quốc Hải)

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, TPHCM đã có những nỗ lực rất lớn, cố gắng vượt bậc. Cố gắng vượt bậc là vì sao? Bởi vì TPHCM có những khó khăn thách thức vô cùng lớn. Trước hết là quy mô dân số lớn nhất toàn quốc, từ đó để đáp ứng các dịch vụ về y tế - giáo dục - văn hóa của người dân là rất khó, nhưng TPHCM lại cố gắng và đã hoàn thành tốt các tiêu chí đó. Tiếp đến, với dân số lớn và hiện tượng di dân tự do rất lớn, dẫn tới để đạt chuẩn phổ cập và xây dựng văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập để thúc đẩy học tập suốt đời lại càng thách thức hơn nữa.

Một thách thức khác phải kể đến là một số thiết chế văn hóa của TPHCM mặc dù đã được quan tâm nhưng trong bối cảnh chung của đất nước thì vẫn còn thấp. Theo thống kê đến năm 2021 thì TPHCM chỉ có 27 thư viện công, nhiều tủ sách, cà phê sách, khoảng 700 tủ sách khác… nhưng nếu so với quy mô TP thì đang còn rất nhỏ.

0d0fbca7bd1d1b43420c-7182.jpg
Bộ GD&ĐT cũng trao quyết định bằng công nhận TPHCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. (Ảnh: Quốc Hải)

“Thách thức thứ 4 cũng là thách thức của Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng là văn hóa đọc, tỷ lệ người dân ham đọc sách vẫn còn nhỏ, là một thách thức lớn. Nếu so với các nước trong khu vực và thế giới, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách là rất thấp. Thống kê, Việt Nam trung bình 1 người đọc mỗi năm chỉ 4 quyển sách nhưng trong đó có 2,8 quyển sách đã là sách giáo khoa - nghĩa là bắt buộc phải đọc hàng ngày hàng tuần khi đi học.
Trong khi đó xung quanh chúng ta như Malaysia trung bình người dân đọc 17 quyển sách/năm; Singapore, Nhật Bản đọc trung bình 10-20 quyển sách/năm… và Ấn Độ là quốc gia nghiện sách nhất khi tỷ lệ người dân tới 1,5 tỷ người, số người biết chữ chỉ 27% nhưng tỷ lệ người đọc sách rất lớn, với 25% người trẻ biết chữ đọc sách và đến 49% người dân đọc sách như một đam mê” - Thứ trưởng Thưởng dẫn chứng.

30e0658b04cebd90e4df-6657.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (ở giữa) và đại diện UBND TPHCM, ngành GD&ĐT TPHCM phất cờ phát động tại lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. (Ảnh: Quốc Hải)

Cũng theo Thứ trưởng Thưởng, thời gian qua TPHCM đã làm được và cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy, xây dựng Thành phố học tập toàn cầu. Chúng ta đạt được tỷ lệ phổ cập cao như thế thì bài học này cũng phải tiếp tục phát triển và chúng ta có niềm tin vượt qua được thách thức. Đó là nhờ sự chăm lo, quan tâm của lãnh đạo TP, của các sở ban ngành và vai trò của ngành GD&ĐT các cấp trong công tác tham mưu, tổ chức sự nghiệp. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, người dân…

“Trước tiên là phải học tập trong trường, sau đó là học ngoài trường, học lẫn nhau, học mọi nơi mọi lúc và học thường xuyên” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng cũng đánh giá TPHCM có lợi thế để vượt qua những khó khăn là sự năng động, chủ động, sáng tạo và đổi mới không ngừng của người dân TPHCM không chỉ trong phát triển kinh tế, mà trong cả văn hóa xã hội và các yếu tố này có mối quan hệ với nhau.

“Kinh tế phát triển được thì phải nhờ tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm và chủ động. Nhưng để chủ động được thì phải tự học, biết học, dám đổi mới. Phải học tập, phải học tập không ngừng, học tập thường xuyên” - Thứ trưởng khẳng định.

f945cc2e379491cac885-5532.jpg
Toàn cảnh khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. (Ảnh: Quốc Hải)

Ghi nhận những chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, ngành giáo dục đào tạo thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức học tập; phát triển tư duy; hướng tới xây dựng một xã hội học tập, góp phần triển khai thành công Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn Thành phố.

6bd3a6c2-775b-428c-822d-ae13e5c0b5fa-3700.jpg
f590a4ef-21e0-4cdc-a5c8-a32d8b7d35bc-2422.jpg
Đoàn xe diễu hành tại buổi lễ.

Cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ triển khai các hoạt động của Tuần lễ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm lan tỏa thông điệp và đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực; huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường hạn chế về điều kiện; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng sẽ tăng cường học liệu cho các thư viện số; khuyến khích các thư viện công cộng, thư viện nhà trường, thư viện của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ tin học đảm bảo thời gian quy định mở cửa, tăng cường các hoạt động phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm đọc nhằm nuôi dưỡng thói quen và nhu cầu đọc sách.

“Ngành GD&ĐT cũng sẽ tổ chức giới thiệu sách, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo…; phát động HSSV, học viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách góc lớp”, “thư viện lưu động”, “thư viện linh hoạt”, “thư viện điện tử”…” - ông Nam chia sẻ.

Dịp này, ngành GD&ĐT TPHCM cũng tổ chức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.