Người Vân Kiều giỗ họ cuối năm

GD&TĐ - Người Vân Kiều kiêng cữ những việc làm liên quan đến người đã khuất, ngay cả nhắc đến tên tuổi theo họ cũng không nên. Tuy vậy, vào dịp cuối năm âm lịch, hễ có điều kiện (5 năm hay 10 năm) đồng bào sẽ tổ chức lễ Ra-pưp (giỗ họ) để tỏ lòng kính nhớ tổ tiên, những người đã khuất và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, nề nếp tộc người cho các thế hệ con cháu.

Người Vân Kiều giỗ họ cuối năm

Nghi lễ đậm đà tín ngưỡng đa thần

Các già làng Vân Kiều vẫn thường tự hào, lễ giỗ họ của tộc người mình xuất xứ từ thời xa xưa trước khi họ được sinh ra, với đầy đủ nghi lễ đậm đà tín ngưỡng đa thần cổ xưa được trao truyền từ đời này qua đời khác. Họ minh định rằng, ngay từ thời “khai thiên lập địa”, ngày mà có một đôi trai gái bước ra từ trong truyền thuyết về quả bầu khô để sản sinh ra sinh linh đầy khắp mặt đất này trong đó có tổ tiên người Vân Kiều trên miền non cao, là họ đã ý thức được trách nhiệm bảo vệ gia phong và bồi đắp truyền thống cho con cháu của họ rồi.

Sau khi nhất trí được thời gian (những ngày chẵn trong tháng Chạp) và địa điểm (bãi đất trống trước cửa rừng) để tổ chức lễ Ra-pưp, các trưởng họ ở mỗi bản sẽ triệu tập một cuộc họp toàn bộ dân bản để lấy ý kiến và đi đến nhất trí về việc đóng góp kinh phí, cắt cử con em phục vụ trang trí, ăn uống, nước nôi, mời mọc trong lễ hội. Trước cửa rừng, những người trang trí của từng họ được cử đến sẽ lần lượt dựng lên những chòi cúng tế. Họ cắm chắc chắn 4 cọc gỗ cao chừng 2 mét, gắn cột kèo lại với nhau mô phỏng theo hình ngôi nhà sàn rồi lợp lại bằng lá tro. Tùy theo các họ lớn bé của người Vân Kiều trong vùng để làm số lượng chòi cúng tế tương ứng.

Sáng ngày diễn ra lễ giỗ, đích thân các trưởng họ sẽ đến tận nhà thầy cúng đã liên hệ trước đó để rước thầy về chủ trì và dẫn dắt việc cúng bái trong suốt lễ giỗ. Bắt đầu lễ giỗ, thầy cúng yêu cầu từng họ cử người của mình nâng niu những hộp gỗ hình chữ nhật nhỏ nhắn đã đóng từ trước đến đặt lần lượt lên trên các chòi cúng tế của dòng họ mình. Mỗi chòi đặt một chiếc hộp tượng trưng. Lễ vật cúng tế bao gồm heo, gà, rượu, xôi, cau trầu, hoa rừng, công cụ làm rẫy, đi săn, lư hương và nhang trầm hương. Đặc biệt hơn, trong lễ giỗ họ Vân Kiều trước đây nhất nhất phải có 1 con trâu mộng để tiến hành nghi thức đâm trâu.

Sau màn đâm trâu, chủ tế sẽ đặt phần đầu, lườn và 4 chiếc đùi lên bàn đặt lễ vật. Con trâu trong quan niệm của người Vân Kiều là một linh vật khỏe mạnh, biểu trưng cho sự nảy nở, thuận hòa. Bên cạnh đó, sức trâu dùng để kéo cày, thịt trâu luôn hấp dẫn đồng bào mỗi dịp lễ tết. Không còn gì bằng nếu trong ngày giỗ họ được hiến sinh một con trâu mộng làm lễ vật dâng lên tổ tiên. Đó cũng là ý niệm của người Vân Kiều cầu xin với thần linh và tổ tiên ban con cháu trong dòng họ và các dân tộc anh em luôn được mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, săn bẫy tấn tới, gặp nạn hóa lành, mưa thuận gió hòa.

Hiện nay, tục lệ đâm trâu trong ngày giỗ họ đã được bãi bỏ vì đồng bào nhận thức được phần nào mức độ biến tướng và dã man trong tập tục này bên cạnh triển khai việc thực hiện nếp sống văn hóa, tiết kiệm trong lễ hội truyền thống. Thế nhưng, người Vân Kiều hôm nay vẫn tiếp thu quan niệm tốt đẹp về loài trâu của ông cha. Vì thế, thầy mo lúc cúng tế vẫn bắt buộc tái diễn lại hành động đâm trâu bằng cách tiến lại nơi cây cọc buộc trâu to tướng được chôn ngay trung tâm sân lễ, để vừa tăng thêm vẻ trịnh trọng cho buổi lễ cũng như thỉnh nguyện đến tổ tiên về tấm lòng trong trắng và thành khẩn của người Vân Kiều không khi nào thay đổi.

Sắc thái riêng biệt

Nghi lễ trịnh trọng nhất trong kỳ giỗ họ cuối năm của người Vân Kiều chính là phần tế lễ, mà cụ thể là lúc thầy cúng đọc bài văn tế bằng tiếng Bru-Vân Kiều. Văn tế giỗ họ được truyền trao cẩn mật bằng hình thức cha truyền con nối, ít được tỏ tường ra ngoài, nhưng tựu trung lại là khấn nguyện với tổ tiên độ trì cho con cháu được khỏe mạnh, đức độ, làm ăn khấm khá, anh em đồng tộc luôn sống đoàn kết, tương thân tương ái với nhau.

Sau khi dứt lời khấn, chủ lễ sẽ đốt nhang, phát lần lượt cho các trưởng họ và con cháu đến dự lễ để họ thắp lên bàn thờ cúng. Thắp hương xong, thầy cúng tiếp tục yêu cầu thanh niên đã cắt cử tháo dỡ các chòi cúng tế và tiến hành chôn các hộp gỗ nhỏ nhắn vào đám đất trống trước cửa rừng. Hành động đó nhằm thể hiện ý niệm gửi gắm tổ tiên, những người đã khuất cho thần linh, với Giàng sau khi họ đã ưu ái trở về chứng kiến và đón nhận lòng thành của con cháu trong ngày giỗ. Đến đây thầy cúng sẽ tuyên bố kết thúc phần tế lễ, và trao lại công đoạn ăn uống, hát hò, nhảy múa cho các trưởng họ.

Các thức vị ẩm thực truyền thống như rượu cần, bánh nếp Ayơh, cheo cá mát, láp, canh ếch; các nhạc cụ truyền thống như đàn Ta-lư, sáo Pi, chiêng, khèn bè, thanh la đều được đồng bào chế tác và sử dụng say mê trong dịp này. Khi ngà ngà rượu, đồng bào Vân Kiều bắt đầu hát Si-nớt, khúc trường ca kể về gốc gác và hành trình tìm đến những chân trời mới, đến với đời sống định canh, định cư yên bình, ấm êm của tộc người Vân Kiều hôm nay. Phút giây tiễn chân nhau cũng là lúc các trưởng họ sẽ phân phát “lộc tổ” cho con cháu và khách khứa đến dự lễ giỗ, là những lễ vật đã dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên trước đó. Riêng thầy cúng, “lộc” mang về ngoài một ít tiền ra còn có thêm con gà trống sống và một hũ rượu cần với ngụ ý thay lời cảm ơn vì đã giúp đồng bào Vân Kiều chu toàn các nghi lễ trong ngày giỗ họ.

Phong tục giỗ họ cuối năm là một nghi lễ văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái riêng biệt của người Vân Kiều. Mặc dù ít được tổ chức và có những nghi lễ bị lược bỏ, mai một theo thời gian nhưng qua lễ hội, con cháu Vân Kiều thực sự có cái nhìn đầy đủ về cội nguồn của bản thân, từ đó càng thấu đáo hơn công lao của tiền nhân và cội nguồn dân tộc xuất phát từ sự hiếu thuận và lòng biết ơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.