(GD&TĐ) - Lâu nay, chúng ta rất hay bàn đến chuyện nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng, trường nghề không đáp ứng được nguồn nhu cầu xã hội; nào là doanh nghiệp nọ, công ty kia than phiền về người được tuyển dụng. Mới đây, tôi tình cờ đọc trên một trang báo có lời phát biểu của chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt cho rằng “Xã hội đang chết vì những người tuyển dụng” bỗng giật mình bởi lý lẽ xác đáng của câu nói này, khi đối chiếu với thực tại đã và đang diễn ra.
Hãy bắt đầu bằng thực trạng về nạn thất nghiệp ở Việt Nam. Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố tại Hà Nội ngày 18/12 mới đây với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến thời điểm 1/10/2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động. Trong đó, có 52,1 triệu người có việc làm. Như vậy, có gần 1 triệu người thất nghiệp bởi nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp cũ. Đối tượng thanh niên độ tuổi 15-24 đang chiếm 47% tổng số người thất nghiệp.
(ảnh MH: internet) |
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam như vậy là không cao, nhưng điều đáng nói hiện tại, người lao động ở độ tuổi thanh niên 15-24 phần lớn đang phải chấp nhận những công việc trái sở trường nghề nghiệp, với mức thu nhập thấp và bất ổn định.
Sẽ thật sự là vội vã nếu ai đó cho rằng, những người lao động đã được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có năng lực, trình độ hơn hẳn những người đang còn trong diện không có việc làm. Thăm dò thực tế tuyển dụng lao động của một trung tâm xúc tiến việc làm tại TP Đà Nẵng, giám đốc Trung tâm này cho biết, có đến 60% hồ sơ xin được tuyển dụng lao động phổ thông thuộc đối tượng SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Trong số đó, có những em đã từng dự phỏng vấn tuyển dụng ở cơ quan nhà nước bị loại thải nhưng lại được doanh nghiệp tư nhân đánh giá cao và tìm mọi cách để “giữ chân”. Và vị giám đốc cũng rút ra kết luận: số phận nghề nghiệp của một con người nhiều khi do khả năng nhìn nhận, đánh giá của người sử dụng lao động quyết định.
Sự tồn đọng lớn nhất có thể coi là “lưu niên” trong các nhà tuyển dụng lao động ở các địa phương, đó là tâm lý dòng tộc, họ hàng thân thích, nói theo kiểu của dân gian thì “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Tồn đọng thứ hai nảy sinh những năm gần đây và cả hiện tại, đó là tuyển dụng từ lợi nhuận tiền bạc trước mắt; hình thành một đường dây chạy chọt, cứ có tiền nhiều là có việc. Sự tuyển dụng người lao động “con ông, cháu cha” hay chạy tiền bạc vào cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thường là rất dễ dãi, không phải qua một quy trình tuyển dụng nào. Còn kết quả của sự non yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc của những đối tượng lao động như vậy thì cả tập thể phải gánh chịu.
Một đối tượng tuyển dụng khác hoàn toàn có năng lực nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đó là do nhà tuyển dụng không có khả năng phán đoán, suy xét để bố trí đúng người đúng việc; việc trả lương không tương xứng với công việc được giao; thiếu bình đẳng trong đối xử. .. Nói cách khác, họ không được làm việc trong một môi trường thuận lợi, phù hợp, dần dà trở nên kém hứng thú với vị trí của mình.
Từ sự phân tích thực trạng trên đây, không thể đánh giá năng xuất lao động thấp là do chất lượng đào tạo con người. Năng suất lao động là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất. Rất nhiều người trên thế giới này học một nghề nhưng thành công ở một nghề hoàn toàn khác. Đó là do người sử dụng lao động biết phát hiện năng khiếu và nhận chân giá trị năng lực của họ, không nhầm lẫn năng lực ấy với những tiêu chuẩn đào tạo nghề thông thường.
Tôi thật sự tâm đắc với quan niệm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: “Sáng tạo con người cũng giống như sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, nó là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, doanh nghiệp hay các cơ sở tuyển dụng và xã hội nữa. Xã hội chúng ta chỉ hoan nghênh những kẻ có chứng chỉ, mà quên mất những sáng tạo phi chứng chỉ, xã hội chúng ta chưa phát triển đến mức những người thông thường có thể biết vỗ tay và đánh giá được giá trị của cái vỗ tay của xã hội đối với từng sản phẩm. Cho nên sự kết luận một cách khô khan, một cách vô cảm trước các sản phẩm đào tạo chính là một trong các biện pháp tốt nhất để tiêu diệt nền giáo dục đào tạo này”.
Hồng Thúy