Bỏ hơn 700 triệu đồng tiền túi để mua một chiếc xe và đăng ký trở thành xe cứu thương. Đích thân ông lái xe để chở bệnh nhân nghèo miễn phí, dù bệnh nhân ở vùng miền nào trên đất nước hình chữ S. Bán đồng hồ, điện thoại và những gì được coi là sang trọng để mua ngôi nhà làm nơi tá túc cho người vô gia cư.
Những điều ấy, cá nhân mỗi người không dễ gì làm được, kể cả người giàu có. Chỉ khi sự khoáng đạt, thiện lương và đặc biệt là tình yêu thương đủ đầy thì trái tim mới có thể ủ ấm những hoàn cảnh khốn cùng.
Nhiều người cho rằng, hành động tử tế của ông Hải sau khi từ chức Phó Chủ tịch UBND Q.1 – TPHCM là “làm màu”, đánh bóng tên tuổi. Tôi không nghĩ vậy! Vì sao? Vì chẳng việc gì ông Hải phải làm những thứ vô nghĩa mà chỉ số ít trong giới nghệ sĩ nghĩ ra.
Ông Hải là người bản lĩnh, biết giữ lời. Bằng chứng là khi “ra tay” lập lại trật tự vỉa hè tại địa bàn, ông tuyên bố “nếu không làm được sẽ cởi áo về vườn”. Tuy hành động của ông gây tranh luận nhiều chiều trong mắt người dân, song ông Hải là hình mẫu của một cán bộ cương trực, tận tụy, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại va chạm và ở góc độ nào đó, ông đã giúp lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Một bộ phận không nhỏ người Việt có văn hóa thấp. Thời xưa, thành tín là nền tảng để tu dưỡng bản thân, quân tử vì một chữ “tín” mà không màng sống chết. Bởi vậy mà thành ngữ đúc kết: “Nhất nặc thiên kim” - một lời hứa đáng giá ngàn vàng. Người dám nói, dám làm, dám từ chức – như ông Đoàn Ngọc Hải, hỏi có mấy?.
Giữa một “rừng” những tiêu cực thời cuộc, một hành động tử tế không khỏi khiến người khác nghi ngờ. Nhưng, giữa một xã hội mà sự vô cảm lấn át tất cả thì hành động tử tế - dù rất nhỏ, cũng giống một ngọn lửa sưởi ấm trái tim băng giá.
Bạn tôi, một họa sĩ nổi tiếng sống tại TPHCM rất công kích hành động lập lại trật tự vỉa hè khi ông Hải đương chức. Nhưng, khi biết ông Hải với những việc tử tế, nghĩa hiệp đã công khai xin lỗi trên trang cá nhân, kèm một đúc kết đáng suy ngẫm: Nhiều quan chức khi hưu trí không dám ra khỏi cổng.
Ông Hải hoàn toàn khác. Bởi vì ông không mờ ám. Những việc tử tế ông làm đã lan tỏa thêm những việc tử tế khác. Sau khi ngỏ ý xin quần áo và đồ chơi cũ để tặng trẻ em vùng sâu, vùng xa. Chẳng mấy chốc ông đã tiếp nhận đủ số lượng 10 chuyến xe cứu thương.
Khi đã đủ, ông Hải “xin tạm ngưng” – đó cũng lại là một hành động rất có trách nhiệm. Đủ rồi thì xin ngưng, vì ông biết sức mình có hạn. Ông nói rõ vì phải dành thời gian lo thu xếp chở đi tặng, thời gian chở bệnh nhân khó khăn về quê, chở hài cốt liệt sĩ…
Nếu không có lương tâm, nếu “làm màu” ông Hải cứ nhận rồi cho người “thanh lý” số quần áo – đồ chơi – sách vở kia. Ai biết được.
Nhưng người có lương tâm không cho phép làm những việc thất đức. Đó không chỉ là giá trị con người mà còn là giá trị văn hóa!