Niềm đam mê cháy bỏng
Đến Bản Nhùng, xã Năng Khả, huyện Na Hang vào dịp cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi những ngôi làng còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày xưa.
Được sự dẫn đường của cán bộ phụ nữ xã, chúng tôi đến gặp ông Hoàng Liên Sơn, nghệ nhân hát Then của địa phương. Năm nay mới 55 tuổi nhưng ông Sơn đã nhiều năm tham gia thực hành Then, đánh đàn Tính và truyền dạy cho hàng trăm học sinh đam mê làn điệu của dân tộc mình.
Trong căn nhà sàn cột gỗ, lợp lá cọ truyền thống của dân tộc Tày, bên bếp lửa hồng xua đi cái giá lạnh tê tái của miền sơn cước, ông Sơn chia sẻ về cơ duyên và cũng là duyên nghiệp của mình với làn điệu Then, với cây đàn Tính. “Ngay từ nhỏ tôi đã đi theo một thầy Then trong vùng để nghe Then, học Then.
Trong thời gian theo học, tôi được thầy đánh giá nhanh nhẹn, thông minh nên nhanh chóng truyền dạy cho cách hát những bài Then cổ, cách đánh đàn Tính và cả cách chế tác một chiếc đàn Tính sao cho hay, cho đẹp. Từng câu hát Then, âm thanh của đàn Tính khiến tôi say mê, giai điệu ấy như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn mình”.
Bản Nhùng trước kia có nhiều người biết hát Then và chơi đàn Tính nhưng sau này do ít sử dụng nên dần mai một theo thời gian. Rồi chỉ còn lại ông Sơn nặng lòng với những câu Then, cây đàn Tính truyền thống. Ông Sơn tự hào cho biết: Người Tày coi Then là điệu hát của thần tiên truyền lại.
Người Tày hát Then trong những dịp lễ (cầu an, cầu mùa, gọi hồn...), Tết. Người hát Then là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là đàn Tính. Thế nên, lâu nay ta thường quen gọi là hát Then, đàn Tính (Tính tẩu). Vừa nói, ông Sơn lại ôm đàn Tính hát vài câu Then với giọng mượt và ấm áp lạ kì.
Hát được vài câu ông Sơn dừng lại nói: “Hát được Then không khó, đàn Tính cũng có thể học nhưng để hát được Then hay, truyền cảm cũng như đánh đàn Tính được thuần thục thì phải có thời gian dài tập luyện, tất nhiên cũng phải kèm theo năng khiếu cảm thụ về âm nhạc nữa”.
Vừa buông tay khỏi dây đàn, mắt ông Sơn đượm buồn, nhìn xa xăm về những dãy núi trước nhà. Ông tâm sự, xã hội ngày càng phát triển, mọi người bây giờ tiếp xúc với nhiều thú vui giải trí, đam mê với âm nhạc hiện đại, văn hóa từ nhiều nơi khác nhau nên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như hát Then đang dần bị mai một.
Những người tâm huyết với làn điệu Then đều đã cao tuổi và lần lượt “khuất núi”. Là một người Tày, ông luôn xác định bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc là trách nhiệm của bản thân, do đó còn sức khỏe ông còn truyền dạy cho mọi người, cho con cháu, miễn sao gìn giữ được bản sắc và vốn quý của cha ông để lại.
Đầu năm 2014, Câu lạc bộ hát Then Bản Nhùng được thành lập và đến nay đã có 30 thành viên tham gia do ông Sơn làm Chủ nhiệm. Không chỉ người dân của thôn Bản Nhùng, mà các thôn lân cận như Bản Tùn, Nà Chao, Bản Nuầy cũng đăng ký tham gia. Ông Sơn thường dạy các học viên vào chiều, tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.
Ngoài thời gian rảnh ông còn đi dạy cho các câu lạc bộ Then khác trong huyện. Cũng nhờ đó mà đến nay hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Na Hang đã thành lập Câu lạc bộ hát Then với hàng trăm hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có nhiều người trẻ.
Ông Sơn còn biên soạn nội dung chương trình văn nghệ và dần trở thành cộng tác viên tích cực tham gia và đạt giải cao trong các chương trình văn nghệ, các hội thi, hội diễn về Then, về đàn Tính ở địa phương.
Ngoài biết hát Then và chơi đàn Tính, ông Sơn cũng nổi tiếng về chế tác đàn Tính. Trước cửa nhà ông Sơn vẫn có một khoảng đất trồng bầu để lấy những quả già, đẹp, tròn làm đàn Tính. Đến nay, ông Sơn không nhớ rõ mình đã làm ra bao nhiêu cây đàn. Hễ có người hỏi mua đàn là ông bán, giá cả không quan trọng, nếu gặp người cùng đam mê ông sẵn sàng tặng luôn.
Lớp học Then “không đồng”
Nhớ lại những ngày đầu đi kêu gọi các cháu đi học hát Then, ông Sơn vừa cười vừa nói: “Các gia đình ban đầu không muốn cho con học, vì họ nghĩ hát Then cho vui, tốn thời gian chứ làm gì có tương lai. Tôi kiên trì đến từng nhà vận động, thuyết phục. Ban đầu chỉ có mấy cháu theo học, sau thì ngày càng đông dần.
Tất nhiên mình muốn các cháu học để bảo tồn văn hóa dân tộc nên khi mở lớp có nhiều phụ huynh hỏi học phí, tôi nói luôn là mình dạy học hoàn toàn miễn phí”.
Cứ đều đặn vào dịp cuối tuần, khi nghỉ hè, học sinh từ khắp nơi trong huyện Na Hang lại cầm đàn đến căn nhà sàn nhỏ, đến với lớp học “không đồng” của thầy giáo Sơn để theo học hát và đàn. Học sinh của ông, cháu nhỏ nhất chưa đến 10 tuổi, lớn nhất thì 17 tuổi, tất cả các cháu đều có chung niềm đam mê với nghệ thuật hát Then, đàn Tính.
Ông Sơn cho biết, hát Then khác với các loại hình nghệ thuật khác. Học hát Then chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu trực tiếp, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Người dạy hát Then, dạy đàn Tính đòi hỏi phải có tâm huyết và sự kiên trì lớn hơn bình thường.
Từ lớp học của ông Sơn, giờ đây rất nhiều trẻ em ở đây biết hát Then, biết chơi đàn Tính. Em Ma Thị Minh Thùy, thôn Bản Tùn, xã Năng Khả, từng là học sinh của lớp học thầy Sơn chia sẻ: Em được thầy dạy hát Then từ năm em học lớp 5. Đến nay, em đã biết đánh đàn Tính thành thạo và biết hát nhiều bài hát Then. Em rất vui và tự hào vì sau này dù đi đâu, làm gì mình cũng giữ gìn được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để giới thiệu với bạn bè.
Nhiều em khác đã trở thành hạt nhân phát triển phong trào hát Then, đàn Tính tại thôn bản mình. Một số em đã được mời tham gia biểu diễn hát Then, đàn Tính phục vụ các đoàn du lịch trong và ngoài nước. Đây là niềm tự hào của ông Sơn, cũng là một cách gìn giữ, lưu truyền lại cho cháu con đời đời một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang nhận định, phát triển kinh tế phải gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là di sản hát Then. Những năm qua, các địa phương trong huyện Na Hang đã tổ chức thành lập được các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính và hoạt động có hiệu quả.
Các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính như của ông Sơn ngoài giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; còn thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể này.