Người truyền lửa Then cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ -  Hơn 12 năm qua, cô giáo Bùi Thị Thu Hồng đã nỗ lực truyền dạy, giúp nhiều thế hệ học sinh gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Người truyền lửa Then cho học sinh dân tộc thiểu số.
Người truyền lửa Then cho học sinh dân tộc thiểu số.

Truyền lửa Then

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng (SN: 1974) sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, trong một gia đình gia giáo có bố làm cán bộ công ty thương nghiệp, mẹ làm nghề nội trợ. Tuổi thơ gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang nơi có những người dân tộc thiểu số sống tình cảm thật thà chân chất, với niềm đam mê ca múa nhạc từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp THPT cô Hồng đã thi đỗ vào trường sư phạm nhạc họa trung ương, nay là trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Sau khi ra trường với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cô Hồng đã được phân công giảng dạy tại trường PT Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang. Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng cho biết: "Ngày đầu đặt chân đến trường, cảm nhận đầu tiên của tôi đó là các em học sinh dân tộc thiểu số rất ngoan, dễ gần, hồn nhiên, trong trẻo và có phần hơi nhút nhát.

Khi được tiếp xúc với các em học sinh trong đội văn nghệ nhà trường, hình ảnh đầu tiên in sâu trong tâm trí của tôi đó là em thì cầm khèn, em thì cầm đàn tính nhưng chỉ là khèn và đàn tính tượng trưng, lúc đó trong tôi nghĩ rằng giá như những cây đàn tính kia là đàn tính thật và được nhìn thấy các em biểu diễn thì hay biết mấy.

Quá trình làm việc tôi có hỏi các em trong trường có em nào biết đàn tính không nhưng các em đều trả lời là không. Từ đó, trong tôi nung nấu làm thế nào để học sinh biết đánh đàn tính và tôi thấy rằng để lưu giữ làn điệu hát then không ai khác đó chính là mình phải làm và tôi đã học đàn then ở các nghệ nhân như Thàm Văn Kiến, Hà Thuấn (Tuyên Quang) đồng thời cũng đã mạnh dạn đề đạt với ban giám hiệu nhà trường đưa làn điệu hát then vào trường học".

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng đang hướng dẫn các em học sinh sử dụng đàn tính.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng đang hướng dẫn các em học sinh sử dụng đàn tính.

Được sự nhất trí và ủng hộ của ban giám hiệu nhà trường, cô Hồng và các em học sinh đã được trang bị khá đầy đủ các dụng cụ để các em có thể tập luyện. Câu lạc bộ hát Then - đàn tính của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang đã được thành lập và thu hút thường xuyên từ hơn 30 học sinh tham gia mỗi năm học, trong đó có rất nhiều học sinh thuộc các dân tộc khác nhau như: Tày, Dao, Mông...

Gìn giữ nét văn hoá đặc sắc của dân tộc

Hiện nay, Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trở thành hoạt động ý nghĩa để học sinh tham gia. Các thành viên Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, đã từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình, sự kiện cấp tỉnh và dành được nhiều lời ngợi khen.

Đặc biệt, trong các lần tham gia Festival các trường nội trú toàn quốc thì có 6 lần các tiết mục văn nghệ, trong đó có hát Then của nhà trường đạt Huy chương vàng, 1 lần đạt Huy chương Bạc tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng học sinh THPT” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cô Hồng chia sẻ, hát Then là loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc sắc nhưng nếu không được truyền dạy cho thế hệ trẻ kế cận sẽ dần bị mai một. Chính vì vậy, tôi mong muốn các em học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đang học tập tại mái trường nội trú không chỉ được dạy kiến thức, giáo dục kỹ năng sống mà còn có thêm những hiểu biết, giữ gìn văn hoá dân tộc để các em luôn tự hào về nguồn cội của mình.

Hiện nay, Câu lạc bộ hát Then - đàn tính của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang sinh hoạt đều đặn vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trở thành hoạt động ý nghĩa để học sinh tham gia.

Hiện nay, Câu lạc bộ hát Then - đàn tính của trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang sinh hoạt đều đặn vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trở thành hoạt động ý nghĩa để học sinh tham gia.

Chia sẻ dự định trong thời gian tới, cô Hồng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng câu lạc bộ hát then, thu hút nhiều học sinh vào câu lạc bộ hơn nữa, bên cạnh đó cô Hồng hiện đang tiếp tục tìm tòi bản sắc văn hóa của các dân tộc nhiều hơn nữa như điệu Páo dung của dân tộc Dao, điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan.

Với những nỗ lực cố gắng của mình, cô giáo Bùi Thị Thu Hồng đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực; Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vì đã có thành tích trong phong trào "Văn hóa, thể thao"; Tham gia dàn dựng các chương trình thi toàn quốc như giai điệu tuổi hồng fectivan các trường dân tộc nội trú toàn quốc đạt giải cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ