PGS. TS Trần Thanh Trúc đã cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm. Cô được đồng nghiệp, sinh viên trân trọng, yêu mến đánh giá cao về chuyên môn.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Với nền tảng chuyên môn sư phạm Hóa học, sau khi được giữ lại Trường ĐH Cần Thơ năm 1994 công tác, cô Trần Thanh Trúc đã tiếp tục học tập, nâng cao năng lực chuyên môn để hỗ trợ tốt cho hoạt động đào tạo. Năm 2000, cô nhận được văn bằng ĐH thứ hai ngành công nghệ thực phẩm tại Trường ĐH Cần Thơ.
Hai năm sau đó, cô lên đường sang Bỉ tiếp tục học tập nâng cao trình độ tại Đại học Gent và KU Leuven với chương trình thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm. Sau 2 năm cô đã hoàn thành chương trình để trở về Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục cống hiến trí tuệ, công sức cho công tác giảng dạy. Song song đó cô làm nghiên cứu sinh tại trường với ngành vi sinh vật học. Năm 2014 cô vinh dự nhận tấm bằng tiến sĩ.
PGS. TS Trần Thanh Trúc chia sẻ: Trong cuộc đời khoa học của mình, cô luôn may mắn được sự tiếp sức và hỗ trợ của thầy nổi tiếng ngành nông nghiệp. Đặc biệt là thầy Mai Viết Sanh (Khoa Khoa học tự nhiên) – người hướng dẫn luận văn đại học đầu tiên và PGS.TS Nguyễn Văn Mười – người hướng dẫn chính luận án tiến sĩ sau này.
Quá trình thực hiện luận văn tốt nghiệp ĐH, những buổi đến các vườn ổi để thử hoạt chất tổng hợp giúp ngăn cản ruồi đục trái… đã giúp cô Trúc hiểu rằng các kết quả trong phòng thí nghiệm chỉ thực sự có ý nghĩa khi được ứng dụng vào thực tiễn; NCKH và ứng dụng thực tiễn là “hành” cần thiết để bổ túc cho “học” đã được tích lũy.
PGS. TS Trần Thanh Trúc cũng là một minh chứng cho tinh thần phấn đấu không mệt mỏi khi lần lượt các sản phẩm, công trình NCKH được ra đời. Nó không những đóng góp nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Trường ĐH Cần Thơ mà còn ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chỉ tính riêng 3 năm từ 2016 - 2018, PGS. TS Trần Thanh Trúc đã làm chủ nhiệm 2 đề tài và tham gia 4 đề tài NCKH các cấp (1 cấp bộ, 4 cấp tỉnh, 1 cấp cơ sở) và 1 đề tài chuyển giao công nghệ. Đầu ra của các đề tài là sản phẩm, quy trình công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, hỗ trợ giải quyết đầu ra cho một số nguồn nông sản điển hình ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cá lóc nuôi và nguyên liệu sen.
Điểm đặc biệt các đề tài NCKH mà cô làm chủ nhiệm hoặc thư ký đều gắn liền với chuyển giao và ứng dụng kết quả cho các cơ sở sản xuất, nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng và phục vụ thiết thực cho xã hội.
Năm 2017, đề tài NCKH của nhóm SV do cô hướng dẫn về “Xây dựng quy trình bảo quản lạnh đông purée từ trái thanh trà được trồng ở tỉnh Vĩnh Long và ứng dụng trong chế biến fruit bar” đã được giải Nhì tại Hội thi SV NCKH toàn quốc.
Có thể nói, nghiên cứu là thế mạnh trong cuộc sống khoa học của PGS.TS Trần Thanh Trúc với “gia tài” gần 100 bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Chỉ trong 3 năm, từ 2016 - 2018, cô đã cùng các cộng sự công bố 21 bài báo khoa học gồm 11 bài báo tiếng Việt và 10 bài báo tiếng Anh được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo trong nước, khu vực, quốc tế.
PGS.TS Trần Thanh Trúc được tín nhiệm giao trọng trách biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy, là đồng tác giả của 2 giáo trình “Xử lý sau thu hoạch và chế biến sản phẩm động vật” và “Các quá trình nhiệt độ thấp trong chế biến thực phẩm” phục vụ giảng dạy bậc cao học ngành công nghệ thực phẩm, bậc ĐH các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch và chế biến thủy sản tại Trường ĐH Cần Thơ và các trường ĐH trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, PGS.TS Trần Thanh Trúc đang ấp ủ hoàn thiện giáo trình Kỹ thuật lên men thực phẩm để phục vụ giảng dạy bậc ĐH và cao học ngành công nghệ thực phẩm và các ngành có liên quan…
“Truyền lửa” từng tiết dạy
Xuất phát điểm được đào tạo từ ngành sư phạm nên PGS.TS Trần Thanh Trúc luôn thể hiện được sự mẫu mực, tấm lòng yêu thương và hết lòng vì học trò. Cô luôn tạo bầu không khí thoải mái trên lớp học hay trong phòng thí nghiệm… bởi theo cô đó là điều đầu tiên SV cảm nhận được. Từ đó, các tiết học sẽ thêm phần hiệu quả.
Cô mang vào bài giảng những câu chuyện, sự việc xảy ra trong đời sống bình thường nhưng được lồng ghép rất tự nhiên, kích thích sự tò mò và mong muốn tìm tòi bài học mới cho SV. Mỗi bài giảng cô đều chuẩn bị kỹ càng cùng với sự say sưa, tinh tế trong từng câu chữ làm SV thêm yêu môn học, ngành học mà mình lựa chọn.
Dù quỹ thời gian đã kín đặc với bộn bề công việc cô vẫn cố gắng để tham gia các lớp tập huấn về giảng dạy nhằm nâng cao kỹ năng bản thân, ứng dụng những đổi mới vào thực tiễn giảng dạy và NCKH. Các phương pháp giảng dạy của cô cũng không ngừng đổi mới khi truyền thụ cho SV. Kiến thức luôn được cập nhật mới nhất qua tài liệu từ các kết quả NCKH của bản thân.
Những tiết giảng luôn sinh động và lôi cuốn bởi cô sử dụng bài giảng điện tử kết hợp với các video clip để SV có thể xem lại ở những giờ tự học. Việc sử dụng các phim tư liệu có liên quan đến học phần, đặc biệt là các phim tài liệu được xây dựng dựa trên các NCKH thực tế từ các đề tài do cá nhân và nhóm nghiên cứu đã thực hiện, giúp SV thêm hiểu biết.
Phương pháp giảng dạy theo hướng giải quyết vấn đề cũng được cô ứng dụng. SV được tổ chức theo nhóm ngẫu nhiên, đề xuất chủ đề để nhóm tìm hiểu, thảo luận và gửi báo cáo qua hệ thống Google Drive liên kết với hộp thư điện tử. Báo cáo của nhóm được trình bày theo hình thức seminar, kết hợp với các thí nghiệm nhỏ tại phòng thí nghiệm. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ đóng góp của từng SV và quan trọng hơn là tạo sự năng động, hứng thú, giúp các em phát triển các kỹ năng bên cạnh sự tích lũy về kiến thức.
Cô cũng đề xuất SV hoàn thành học phần thực tập thực tế theo hướng xây dựng video clip nhằm cung cấp tư liệu sinh động cho quá trình giảng dạy và học tập.
Người “mẹ” thứ hai của sinh viên
Hằng ngày, dù bận rộn với bao công việc nhưng PGS.TS Trần Thanh Trúc luôn quan tâm đến SV của mình qua những lời hỏi thăm, động viên, hướng dẫn SV thực hiện luận văn tốt nghiệp, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc. Không những vậy, cô còn kêu gọi thành lập một khoản trợ cấp để giúp đỡ những SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các em hoàn thành việc học tập.
Cô cũng quan tâm đến từng bước học tập và tiến bộ của SV. Với chuyên môn sâu và vững vàng, nhiệt huyết với nghề, tận tụy với SV, nên mỗi lứa SV tốt nghiệp ra trường đều lưu luyến, dành cho cô niềm kính yêu đặc biệt. Những SV từng được cô giảng dạy đều biết ơn và cảm nhận về một nhà giáo có “tâm” lẫn “tầm”.
25 năm gắn bó với nghề là hành trình phấn đấu vượt qua biết bao trở ngại không chỉ trong công tác chuyên môn, mà còn trong đời sống gia đình. Đến nay, PGS.TS Trần Thanh Trúc đã có được những thành quả đáng tự hào ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Cô là tấm gương về nghị lực vượt khó, người truyền cảm hứng mạnh mẽ trong công tác giảng dạy và NCKH.