Người trẻ đột quỵ: Chiếm hơn 10% tổng số ca

GD&TĐ -Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó, 10-15% tổng số ca là bệnh nhân trẻ.

Tỷ lệ người đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.
Tỷ lệ người đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ, lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị kịp thời bệnh đột quỵ – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam, hơn 1.000 người đã tham gia đi bộ đồng hành, ngày 30/11.

Theo Thiếu tướng.TS.TTND Trần Quốc Việt - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của nền y học và sự phát triển của công nghệ thì hoàn toàn có thể phát hiện sớm, phòng ngừa các biến chứng nếu kiểm soát được các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh.

Thống kê, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10-15% tổng số ca.

"Nếu bệnh nhân không tận dụng được “giờ vàng” trong điều trị, cơ hội hồi phục và trở về cuộc sống bình thường của bệnh nhân đột quỵ rất khó", Giám đốc Việt cho hay.

1000107616.jpg
Hơn 1.000 người đã tham gia đi bộ đồng hành nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ.

Liên quan đến dấu hiệu đột quỵ, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 - cho rằng, việc nhận biết dấu hiệu đột quỵ, cách xử lý kịp thời trong thời gian vàng là rất quan trọng.

Khoảng thời gian vàng từ 3 - 4,5 giờ đầu quyết định hiệu quả của quá trình điều trị đột quỵ của bệnh nhân.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ có thể như yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó; khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; đột ngột mất thị lực như mờ mắt, nhìn không rõ; giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ…

Nếu bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu trên, người nhà tuyệt đối không cho người bệnh ăn, uống bất cứ thứ gì, không cạo gió hay chích máu ngón tay mà cần nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa”, bác sĩ Nghĩa cho biết.

Bác sĩ Nghĩa khẳng định: “Đột quỵ không chỉ gây ra gánh nặng cho gia đình người bệnh mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội vậy nên, cần nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ qua việc tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về phương pháp FAST (Face – Arm – Speech – Time) để nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ và có biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng của căn bệnh này”.

Đột quỵ là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa. Theo đó, người dân nên có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, ăn uống khó học và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ