Người tình nguyện cho rắn độc cắn hơn 200 lần để tìm thuốc chữa

GD&TĐ - Nhằm hỗ trợ nghiên cứu về nọc rắn, ông Tim Friede, 53 tuổi, đã tình nguyện để rắn độc cắn hơn 200 lần. Các chuyên gia hy vọng kháng thể của Friede có thể “cách mạng hóa” hệ thống chống nọc độc trên thế giới.

Tim Friede đã bị rắn độc cắn 200 lần.
Tim Friede đã bị rắn độc cắn 200 lần.

Tự nguyện để rắn cắn

Tim Friede đã bị rắn độc cắn hơn 200 lần. Trong hầu hết tình huống, ông đều cố tình khiêu khích những con rắn tấn công mình.

Bất kể đó là rắn hổ mang, mamba, rắn lục, taipan, đuôi chuông hay cạp nia, Friede đều sẵn sàng chìa tay ra trước răng nanh của chúng và chịu nhát cắn chết người.

Là cựu thợ máy sống tại bang Wisconsin (Mỹ), Friede, 53 tuổi, hiện là giám đốc lĩnh vực Bò sát tại công ty nghiên cứu vắc-xin Centivax, bang California. Friede đang tham gia dự án sản xuất thuốc chống nọc độc của mọi loại rắn nguy hiểm nhất thế giới.

Trước khi bắt đầu công việc gian nan này, Friede chỉ là nhà sưu tập rắn nghiệp dư. Thời trung học, ông thường lang thang khắp vùng đồng quê Wisconsin để tìm rắn sọc, loài có nọc độc cực nhẹ. Sau đó, Friede tiến tới nuôi những loài rắn độc hơn ở nhà.

Vì thường xuyên tiếp xúc với những loài rắn chứa nọc độc, Friede nhận thấy cần phát triển một hệ miễn dịch. Theo lý thuyết, bằng cách kích thích cơ thể sinh ra kháng thể để phản ứng với độc tố, Friede có thể đối phó với nọc độc rắn trong tương lai.

Ông bắt đầu vắt nọc độc của những con rắn nuôi trong nhà rồi pha loãng và tự tiêm vào cơ thể mình.

Năm 2001, Friede hứng chịu nhát cắn chí mạng đầu tiên ngoài chủ ý. Khi đang vắt nọc độc của con rắn hổ mang Ai Cập tại nhà, con vật đã cắn vào ngón tay ông. Dù có khả năng miễn dịch nhất định, Friede vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng chỉ một giờ sau, ông tiếp tục bị một con rắn hổ mang lao ra và cắm phập những chiếc răng nanh vào bắp tay phải.

Friede nhớ lại: “Bị hai con rắn hổ mang cắn liên tiếp trong một giờ, về cơ bản, tôi đã nằm bẹp và suýt chết. Trải nghiệm này không vui chút nào. Tôi có đủ miễn dịch cho một nhát cắn nhưng không phải hai. Tôi hoàn toàn ngã quỵ”.

Được vợ và hàng xóm đưa đến bệnh viện, Friede hôn mê suốt 4 ngày. Sau khi tỉnh dậy, ông nhận thấy bản thân cần dừng tự tiêm nọc độc hoặc hoàn thiện hơn quy trình. Vốn là người thích sưu tầm rắn, ông quyết định nâng cao kháng thể của mình.

Trong 17 năm tiếp theo, Friede thường xuyên đưa nọc độc của hàng loạt loài rắn vào cơ thể. Ngoài 200 vết cắn trực tiếp, Friede tiêm vào cơ thể khoảng 500 lần bằng kim tiêm dưới da. Trong các loài, nọc độc mạnh nhất mà Friede từng gặp đến từ rắn hổ mang ven biển, rắn hổ mang nước, rắn hổ mang Ai Cập, rắn cạp nia, rắn đuôi chuông...

Điều chế kháng thể từ nọc độc rắn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 5,4 triệu người bị rắn cắn mỗi năm và khoảng 2,7 triệu người trong số này bị thương. Từ 81.000 – 138.000 người chết vì rắn cắn trong khi có tới 400.000 người phải cắt cụt tứ chi hoặc bị các khuyết tật vĩnh viễn khác. Các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Nọc độc Australia, việc xác định chính xác loài rắn độc nhất thế giới là rất khó khăn. Hiện nay, loài rắn được cho là có nọc độc nguy hiểm nhất thế giới là rắn taipan nội địa, thường sống ở miền Trung Đông Ausralia.

Các chuyên gia cảnh báo chỉ một vết cắn của sinh vật này có thể giết chết ít nhất 100 người trưởng thành. May mắn thay, con vật này sống ẩn dật ở những vùng đất khô cằn nên con người hiếm khi chạm mặt.

Theo Friede mô tả, khi một con rắn cắn, nọc độc lỏng được tiết ra dọc các rãnh ở răng nanh vào cơ thể nạn nhân và gây đau đớn. Hầu như mọi nhát cắn đều rất đau, giống như bị ong đốt 100 lần. Tuy nhiên, việc này giúp Friede khám phá hệ miễn dịch của bản thân và tìm cách đánh bại một số loài vật độc nhất trong tự nhiên.

Hiện nay, Friede hợp tác với kỹ sư miễn dịch người Mỹ, Jacob Glanville, người đứng đầu Centivax để sản xuất chất kháng nọc độc phổ dụng.

Loại thuốc chống nọc rắn đầu tiên trên thế giới dành cho người được điều chế bởi bác sĩ người Pháp, Albert Calmette, vào năm 1895. Kể từ đó, lĩnh vực y học này hầu như “giậm chân tại chỗ”. Tuy nhiên, thuốc chống nọc độc của Calmette đã lỗi thời và còn nhiều sai sót.

Friede và Glanville muốn “cách mạng hóa” hệ thống điều trị lỗi thời này. Bằng cách sử dụng kháng thể của Friede, nhóm hy vọng có thể nhắm vào niềm liên kết với protein mà những loài rắn nguy hiểm nhất đều có. Một trong những kháng thể nổi bật của Friede có tên là Centi-LNX-D9.

Trong các thí nghiệm với chuột, Centi-LNX-D9 có tác dụng vô hiệu hóa toàn bộ nọc độc của rắn hổ đất, rắn mamba đen, rắn cạp nia biển môi vàng, rắn hổ mang Ai Cập, rắn hổ mang Cape, rắn hổ mang Ấn Độ, rắn hổ mang chúa.

Glanville ước tính nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm trên người một loại thuốc chống nọc độc phổ dụng trong thời gian 2 năm. Chuyên gia lạc quan hy vọng sẽ đưa sản phẩm ra thị trường 3 năm sau đó. Thuốc có sẵn ở dạng ống tiêm, được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong các phòng y tế địa phương.

Ngoài mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, hợp chất kháng nọc độc phổ dụng mà Glanville đang phát triển sẽ giúp ích cho quân đội ở những khu vực rắn độc nguy hiểm phát triển mạnh.

Đây có thể là động lực để các công ty dược sản xuất sản phẩm ở quy mô lớn, giúp giảm chi phí và đưa sản phẩm đến với những người cần nó nhất ở giá thành rẻ.

Còn bản thân Friede kỳ vọng: “Tôi hy vọng việc tự nguyện hứng chịu những nhát cắn chí mạng có thể giúp điều chế vắc-xin kháng nọc độc, từ đó ngăn chặn hàng trăm nghìn người chết mỗi năm. Hiện, đa phần nạn nhân của nọc độc rắn đều là người nghèo châu Á, châu Phi”.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.