“Mỗi lần thấy các cháu thiếu nhi, học sinh ngắm những chiếc đèn lồng với ánh mắt say mê, tôi lại có thêm động lực để giữ nghề mang hồn cốt văn hóa dân tộc”, ông Trần Viết Dũng (74 tuổi) - thợ làm đèn lồng Trung thu tại Hà Tĩnh bộc bạch.
Gần đến dịp Trung thu, con ngõ 25 đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) lại khiến người qua đường không khỏi thích thú bởi những chiếc đèn lồng bắt mắt được trang trí một bên lối vào. Đó là tác phẩm của người thợ già Trần Viết Dũng.
Bén duyên với nghề từ năm 1990 sau khi rời quân ngũ, gần 35 năm, những tờ giấy màu, khung tre đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống tinh thần của cựu chiến binh này.
Ông kể, năm 1990, khi về quê, đây cũng là thời điểm các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường Việt Nam. Ngoài mang tính bạo lực, những trò chơi này còn độc hại, không an toàn cho học sinh nhưng đang dần thay thế đồ chơi truyền thống.
“Điều đó thôi thúc tôi nghiên cứu, học hỏi và bắt tay vào sản xuất đèn để mong giữ nét truyền thống giúp các cháu sẽ được đón Tết Trung thu đúng nghĩa”, ông Dũng chia sẻ. Cũng từ đó, căn nhà 2 tầng đã trở thành “xưởng gia công” của ông suốt 35 năm qua. Mỗi dịp Trung thu, ông Dũng lại tất bật chuẩn bị các nguyên liệu thủ công để làm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Dụng cụ làm đèn lồng của ông gồm có giấy bóng đủ các màu sắc, hồ dán, nan giang, súng bắn keo, bìa các tông... Để làm một chiếc đèn ông sao, người thợ như ông phải đứng khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục. Còn đèn cá chép mất từ 2 - 3 ngày mới hoàn thành. Để chuẩn bị đèn cho Trung thu, từ tháng 10 âm lịch năm ngoái ông đã bắt tay “sản xuất”.
Với tiêu chí bền, chắc... mỗi chiếc đèn đều được ông chăm chút, tỉ mẩn từng công đoạn. Mỗi một chi tiết trong đèn, ông đều kiểm tra lại nhiều lần trước khi giao cho khách. Chỉ cần một chi tiết chưa ưng ý, ông Dũng sẵn sàng tháo ra để làm lại. Không chỉ chú ý độ bền, ông còn thường xuyên cập nhật nhiều mẫu mã mới để chiếc đèn lồng truyền thống trở nên sinh động và không nhàm chán.
Mỗi chiếc đèn Trung thu của ông Dũng không chỉ bền, đẹp, mà còn mang nhiều ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm. Đối với đèn ông sao có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông sử dụng các nguyên liệu tinh khiết, không sử dụng vật liệu tái chế.
Ngược lại các loại đèn con vật, được tận dụng từ bìa các tông, vỏ hộp bánh kẹo, que nan thừa… Theo ông, qua việc sử dụng nguyên liệu tái chế để giáo dục các em biết thu góp rác, biết tiết kiệm và tận dụng các vật liệu rác thải để tạo ra các sản phẩm hữu ích.
Những năm gần đây, dù nhiều loại đồ chơi hiện đại được du nhập nhưng “cửa tiệm” thủ công của ông vẫn luôn đông khách. Nhân dịp Trung thu, nhiều trường học, đã tổ chức các buổi tham quan cho các bé để tìm hiểu về cách làm đèn truyền thống.