Những câu chuyện xúc động về tấm gương nhà giáo

GD&TĐ - Cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” năm 2017 nhằm tôn vinh và tri ân những tấm gương nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục do Công đoàn GDVN phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức đã thành công tốt đẹp. Nhưng dư âm về những câu chuyện đẹp, dung dị bởi con chữ hồn nhiên trong sáng vẫn cứ mãi lan tỏa.

Tác giả Cao Xuân Lương (thứ 2 bên phải) và tác giả Lê Thị Lan Anh (thứ 2 bên trái) nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho tác phẩm đoạt giải Nhất
Tác giả Cao Xuân Lương (thứ 2 bên phải) và tác giả Lê Thị Lan Anh (thứ 2 bên trái) nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho tác phẩm đoạt giải Nhất

Khi nằm xuống chỉ mong được qua trường lần cuối

Câu chuyện của tác giả Cao Xuân Lương với tác phẩm “Khi nằm xuống chỉ mong được qua trường lần cuối” đạt giải Nhất cuộc thi mang lại nhiều cảm xúc trong buổi lễ trao giải.

Chia sẻ về bài viết, tác giả Cao Xuân Lương cho biết: “Tôi biết thầy Mai Văn Vân từ năm 1999, nghe chuyện thầy kể, tôi rất ấn tượng về thầy, nhiều lần muốn viết về thầy nhưng chưa thể viết được vì cứ thấy có cái gì đó chưa thật “nóng”. Nhưng mãi đến khi Công đoàn GDVN phát động cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” năm 2017 thì người đầu tiên tôi nghĩ tới là thầy Mai Văn Vân.

Vì thế tôi mới viết về thầy và sau này tôi mới thấy mình không… sai bởi tôi suy nghĩ nếu viết về thầy đơn thuần là bài đăng báo thì uổng quá, và cuộc thi này là cơ hội tôi được khắc họa chân dung thầy, một người con của thành phố Sóc Trăng nhưng cả đời gắn với cù lao sông nước, được người dân Cù Lao Dung gọi là “người đi khai hoang mở trường”.

Tác giả Cao Xuân Lương
Tác giả Cao Xuân Lương

Vùng đất Cù Lao Dung  huyện Long Phú (Sóc Trăng ) là vùng đất khó khăn. Để đến với Cù Lao Dung chỉ có một phương tiện duy nhất là đường thủy với những chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm mỏng manh hay có đò lớn nhưng mỗi ngày chỉ có một chuyến.  Khi được phân công về nơi này, không ai mặn mà với vùng đất xa xôi, khó khăn đó nên nhiều người đến rồi…tìm cách ra đi. Việc thầy Vân tình nguyện sang Cù Lao Dung khiến cho nhiều người ngạc nhiên và nể phục.

36 năm thầy gắn bó với vùng đất cù lao bốn bề sông nước mặc dù chưa phải là dài, nhưng với những gì  đã cống hiến cho ngành giáo dục, sự tận tụy của một nhà giáo tâm huyết với nghề, hết mình vì đàn em thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục khiến tôi xúc động viết nên tác phẩm này”.

Hiện nay nhiều người than phiền rằng không ai muốn vào ngành sư phạm. Sự nghiệp giáo dục của chúng ta đôi khi còn vấp phải sự phản đối từ dư luận xã hội, cha mẹ học sinh…một phần là do họ chưa hiểu sâu, hiểu đúng về những thầy cô giáo âm thầm ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Tôi mong muốn xã hội hiểu rằng, vẫn còn có rất nhiều người tâm huyết, ngày  đêm đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Có lẽ sự nhiệt tình với nghề, tình yêu, sự đồng cảm của trái tim người thầy  viết về người thầy chính là động lực tạo để tác giả, thầy giáo Cao Xuân Lương viết nên những trang viết cảm động, thấm đẫm tình yêu nghề với những trang văn thấm đẫm lòng nhân ái: “Năm 2019 tôi sẽ nghỉ hưu, với gần 40 năm gắn bó với đất Cù Lao Dung, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc rời nơi này để về Sóc Trăng. Còn hỏi cái gì níu chân tôi ở Cù Lao Dung thì tôi nói ngay đó là tình người sâu nặng, là lòng ham học, hiếu học, quyết tâm theo học của con người đất cù lao đã níu chân tôi lại. Bao năm tháng ở đây, tôi nhận được rất nhiều tình cảm của phụ huynh, của học sinh, của đồng nghiệp rất sâu sắc.

Những ngày mới sang, khó khăn không thể tả nổi, phụ huynh cho gạo, học sinh mang thức ăn tới, thầy trò chung tay chung sức xây dựng trường. Kỷ niệm đó làm sao quên được, làm sao mình có thể đi nơi khác được. Với tôi, Sóc Trăng là nơi sinh, còn Cù Lao Dung là nơi tôi gắn bó hết đời mình. Sau nay, khi nằm xuống, tôi chỉ có một mong muốn là hãy cho tôi được đi qua, nhìn lại trường lần cuối là mãn nguyện rồi”.

Góp phần nhỏ bé tạo nên nhân cách đẹp

Tác giả Lê Thị Lan Anh, GV Trường THCS Ninh Bình- Bạc Liêu, TP. Ninh Bình, (tỉnh Ninh Bình) với tác phẩm “Mẹ tôi” đoạt giải Nhất chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất bất ngờ khi đoạt được giải Nhất cuộc thi. Thực sự khi tôi viết về tấm gương của côHoàng Thị Trọng, tôi viết bằng sự cảm phục của mình cũng như rất nhiều giáo viên khác dành cho cô.

Tác giả Lê Thị Lan Anh
Tác giả Lê Thị Lan Anh

Khi  Cuộc thi viết về “Tấm gương nhà giáo” được phát động, tôi  nghĩ ngay sẽ viết về cô Trọng. Cô là một nhà giáo hết lòng tận tuỵ, cô dạy học bằng tình yêu và sự say mê. Với  học sinh cô lúc nào cũng ân cần, cởi mở nhưng lại thu hút được các em. Cô lúc nào cũng nhẹ nhàng nhưng vô cùng nghiêm túc trong công việc. Với đồng nghiệp cô như một người thân trong nhà.

Khi viết về cô tôi cũng thấy băn khoăn bởi có quá nhiều điều để viết nhưng trong khuôn khổ cuộc thi sợ rằng để viết hết về cô là không đủ. Tôi có tâm sự với chị Lê Hồng Vân trước là Phó hiệu trưởng nhà trường, nay là chuyên viên Phòng Giáo dục, lại là hàng xóm của cô Trọng, chị có gợi ý cho tôi. Chị bảo: "Em thử viết một câu chuyện  giữa cô và học sinh xem”. Ngay lập tức câu chuyện về cô xuất hiện trong đầu mình, mình viết một mạch trong khoảng tiếng rưỡi là hoàn thành câu chuyện.

Qua câu chuyện về tấm gương nhà giáo Hoàng Thi Trọng điều tôi  muốn nói đó chính là: Giáo dục không chỉ là dạy kiến thức, mỗi nhà giáo còn là những kĩ sư tâm hồn. Mỗi thầy cô giáo đã góp phần nhỏ bé của mình tạo ra cho xã hội những con người có nhân cách đẹp, có ý chí nghị lực trong cuôc sống. Theo tôi đó cũng là nhiệm vụ cao cả của giáo dục”.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: các bài viết đã phản ánh chân thực những cống hiến thầm lặng của rất nhiều nhà giáo, dù ở cương vị nào, là cô giáo mẫu giáo, dạy học tình thương hay một giáo sư tên tuổi…tất thảy những hi sinh thầm lặng đó đã tạo dựng dạy dỗ nên những thế hệ tuổi  trẻ. Cuộc thi là cuộc tôn vinh kép. Tôn vinh những người thầy, các cây bút cũng giúp cho chúng ta có được những nhìn nhận thực tế, nhận chân được những giá trị nhân văn từ các môi trường giáo dục”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.