Với những người dân ở khu Thị Độc, ông Phạm Văn Thoan chỉ là một thầy giáo già, người đã sống một cuộc đời lao động chăm chỉ, cần cù như bao người bình thường khác tại vùng quê Hưng Hà, Thái Bình. Tuy nhiên, với Đoàn Văn Hậu, ông Thoan là cái tên đặc biệt.
10 năm trước, "ông giáo" Thoan giúp đội Nhi đồng Hưng Hà lên ngôi vô địch tỉnh Thái Bình. Trong đội hình Hưng Hà năm ấy, có một cái tên mà ngày nay những người yêu bóng đá Việt Nam đều biết tới. Đó là Đoàn Văn Hậu.
Nhân dịp Văn Hậu trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Áo cho Austria Wien, Zing.vn xin gửi tới độc giả những ký ức về Văn Hậu qua lời kể của "người thầy đầu tiên" Phạm Văn Thoan.
Cậu bé lớp 4 ghi bàn từ cú sút xa 30 m
- Chào ông, cơ duyên nào đã đưa ông và Văn Hậu gặp nhau?
- Năm 2009, em Hậu khi ấy học lớp 4 và là thành viên trong đội bóng trường Hồng Minh, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tham gia thi đấu giải cấp huyện. Còn tôi được Phòng giáo dục tỉnh phân công vừa làm trọng tài, vừa tuyển chọn các em xuất sắc lên đội huyện tranh giải vô địch tỉnh.
Thông thường, chúng tôi chỉ nhặt những em đã học lớp 5 vì lớp 4 thì còn khá nhỏ. Nhưng Hậu là ngoại lệ. Đội bóng 12 người mà chỉ có vài em lớp 4 thôi.
Sân bóng xã Hồng Minh - nơi Đoàn Văn Hậu đã bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình tại đội Nhi đồng tỉnh Thái Bình 10 năm trước |
- Được “đặc cách” như vậy, Hậu hẳn đã gây ấn tượng rất tốt với ông?
- Đúng vậy, Hậu gây ấn tượng rất tốt và sau này góp mặt trong đội hình Hưng Hà vô địch tỉnh hai năm liền. Ngày ấy, Hậu da đen xỉn, người xương xương, trông quê quê, không trắng trẻo, phong độ như bây giờ đâu. Dù vậy, ấn tượng về em ấy là rất cao, cao ngay từ khi còn nhỏ.
Hậu mê bóng đá vô cùng. Đội 12 cầu thủ nhí, lúc tập luyện, bạn này bạn khác có thể mải chơi nhưng Hậu thì không. Em luôn chạy tới mượn bóng của thầy, ra sân một mình tâng bóng, dẫn bóng.
- Ông đã nói về ngoại hình, thế còn khả năng chuyên môn của Hậu?
- Cái ấn tượng lớn nhất, khiến tôi để ý tới Hậu nhiều hơn cả là thuận chân trái. Thời điểm Hậu bước vào con đường bóng đá, người thuận chân trái hiếm lắm.
Khi đó, Hậu đã sở hữu những bước chạy tốc độ, chạy nhanh lắm. Trình độ Hậu không chỉ ngang tầm mà còn trên tầm những anh học lớp 5. Hậu đá với các anh lớp 5 mà thấy rõ sự nhỉnh hơn về tư duy chiến thuật. Thằng bé 10 tuổi mà biết quan sát đồng đội để chuyền bóng, biết sút cầu môn sao cho chính xác và hiệu quả.
Chỉ có một điều là Hậu đã có hiện tượng nóng tính từ ngày ấy. Nhưng tôi thấy em chỉ ham bóng chứ không nóng tính kiểu muốn đánh nhau. Em vẫn đi bóng hợp lệ, không cố tình phạm lỗi với ai. Cùng lắm, Hậu chỉ đẩy vai một cái khiến cầu thủ đối phương ngã ra đất.
- Trong hai năm huấn luyện, ông đã dạy Hậu những bài học nào?
- Hậu và các bạn ban đầu chỉ đá theo kiểu bản năng. Khi bước vào huấn luyện, chúng tôi hướng dẫn lại các em nhiều kỹ thuật cơ bản như khống chế quả bóng như thế nào, đá quả bóng bằng lòng trong, bằng mu ra sao, dẫn bóng thế nào là đúng...
Ông Phạm Văn Thoan mô tả lại cú sút ở cự ly 30 m của cậu bé lớp 4 Đoàn Văn Hậu trong trận chung kết Giải Nhi đồng Thái Bình 2009 |
Riêng với Hậu, tôi nhắc các em đá phía trên nhả bóng về cho Hậu nhiều để em có thể tung ra những cú sút xa. Tôi bảo Hậu nhớ rằng mình đá hậu vệ không có nghĩa là chỉ chơi trên sân nhà. Tôi bảo em phải biết cắt đường tấn công của đối phương, phải phân phối được bóng cho đồng đội, thậm chí phải lên trên hỗ trợ tấn công nữa.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất về Đoàn Văn Hậu trên hành trình đội nhi đồng Hưng Hà vô địch Thái Bình?
- Kỷ niệm ấy nằm ở trận chung kết. Hậu lúc ấy học chưa hết lớp 4 mà đá một cú từ giữa phần sân nhà vào khung thành đối phương, cự ly tôi nhớ phải tầm 30 m. Thủ môn đối phương đứng hơi cao một chút nên bị bóng bay qua đầu. Sau này, nhiều người bảo cầu môn nhỏ nên thủ môn có lẽ đã hơi chủ quan, không tập trung. Cậu ta không nghĩ rằng sẽ có người tung được cú sút táo bạo, bất ngờ như vậy.
Trận hôm ấy kết thúc với tỷ số 1-0 cho Hưng Hà. Bàn của Hậu là bàn duy nhất mang về chức vô địch cho huyện. Tôi nhớ Hậu nhận danh hiệu “Cầu thủ hay nhất trận chung kết” và được thưởng phong bì.
Ngày ấy, tôi hứa nếu vô địch, các em sẽ được danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Đấy có lẽ là thứ kích thích Hậu thi đấu hăng say hơn.
- Sau thời Văn Hậu, huyện Hưng Hà còn vô địch tỉnh lần nào nữa không?
- Ngoài hai lần vô địch cùng Hậu, Hưng Hà còn thắng giải một lần nữa trước đó vài năm. Từ đó tới giờ, đội bóng thường xuyên lọt vào chung kết nhưng đều không thể giành thắng lợi. Chúng tôi không có những cầu thủ được học, được đào tạo bài bản mà vẫn đi tới chung kết là mãn nguyện rồi.
Văn Hậu từ nhỏ đã có tiếng là dễ nổi nóng. Đây là nhược điểm mà hậu vệ này đang cố gắng khắc phục |
Các lứa học trò sau của tôi ở Hưng Hà đều hâm mộ Văn Hậu. Các em bắt thầy hứa “khi nào anh Hậu về nhà, thầy phải cho các con gặp, xin chữ ký thần tượng nhé”.
- Khi Zing.vn gặp ông Đoàn Quốc Thắng, bố Văn Hậu, chúng tôi đã được nghe nói nhiều về ông. Ông có thể chia sẻ một chút kỷ niệm với gia đình Văn Hậu?
- Để tập trung cùng đội bóng huyện, các em ở những trường, xã đều phải về Hưng Hà tập luyện. Bạn nào ở gần thì đi xe đạp, ở xa thì gia đình, giáo viên đưa tới. Từ Thị Độc về nhà Văn Hậu khoảng 11 km, bố Hậu hàng ngày đều chở em đi tập. Ông Thắng chở con tới rồi ngồi luôn ở ngoài, chờ con tập xong cùng toàn đội rồi lại đưa con về.
Ngày ấy, sân bóng làm gì có chỗ ngồi. Ông ấy cứ ngồi bên ngoài, trong đám cỏ um tùm, giữa trời nắng ba mấy độ. Ngày nào ông ấy cũng đưa Hậu tới. Tập xong, hai bố con lại cùng đi về.
- Con đường đến với nghiệp bóng đá thật không dễ dàng?
- Đúng vậy, khi Hậu học hết lớp 4, em được Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Thái Bình tuyển chọn. Bố Hậu đến hỏi tôi: “Theo thầy, tôi có nên cho Hậu xuống trường tập bóng đá không?”. Tôi trả lời: “Nếu Hậu học văn hóa giỏi thì không nên đi, còn nếu học lực của em chỉ ở mức trung bình khá thì nên cho Hậu theo con đường bóng đá. Đó là môn em ấy đam mê. Sau này, bóng đá cũng sẽ là cái nghề mà Hậu có thể sinh sống, phát triển được”. Cuối cùng, bố Hậu đồng ý cho em xuống Trường Năng khiếu.
Lại vào nhà tỷ phú Đoàn Văn Hậu
- Sau ngày xuống Thái Bình, Hậu còn tham gia đội bóng Nhi đồng Hưng Hà không? Hai thầy trò có tiếp tục gắn bó với nhau không?
- Hậu học xong một năm thì lại trở về Hưng Hà khi tỉnh Thái Bình tổ chức giải bóng đá. Lần này trở về, Hậu tự tin và chững chạc hơn. Em ấy xin thầy đá ở vị trí tiền vệ công chứ không đá hậu vệ nữa. Suốt vòng loại, Hậu đá rất tốt, ghi nhiều bàn thắng từ các cú sút xa. Vì Hậu đã ở tuyển tỉnh nên HLV các đội đều kháo nhau rằng phải đặc biệt chú ý thằng Hậu. Ở trận chung kết, HLV của đối thủ cho 2 cầu thủ bắt chặt Văn Hậu. Họ bảo “bọn Hưng Hà chỉ có thằng này biết ghi bàn”.
Kết quả, Hậu đóng vai “chim mồi”, thu hút sự chú ý của hai cầu thủ đối phương, giúp đội nhà ghi liền hai bàn, mang về chiến thắng 2-0. Hưng Hà tiếp tục vô địch.
- Chức vô địch quốc gia năm 2010 là danh hiệu duy nhất của U11 Thái Bình suốt hơn một thập kỷ qua. Ngoài Văn Hậu, Hưng Hà còn đóng góp tài năng nào cho U11 Thái Bình không?
- Cùng lứa Văn Hậu, đội bóng Hưng Hà còn một cầu thủ khác được gọi lên. Tuy nhiên, trong đội hình đá chính, chỉ còn một mình Văn Hậu. Hậu lúc ấy học lớp 4 nhưng đá ngang cơ thậm chí vượt trội những anh lớp 5 cả ở các huyện khác. Lúc ra giải vô địch quốc gia, Hậu cũng có chiều cao vượt trội, thể hình tốt, nhanh và cái chân trái cực kỳ đặc biệt. Cầu thủ như thế thời ấy rất hiếm, rất lợi hại.
Từ ngày lên Hà Nội lập nghiệp, Văn Hậu không còn nhiều thời gian dành cho bạn bè, người thân ở quê nhà |
- Sau này, khi Văn Hậu gia nhập lò đào tạo CLB Hà Nội, hai thầy trò còn cơ hội gặp lại nhau không?
- Từ ngày lên Hà Nội, Hậu rất ít về. Hai năm trước, tôi có chuyến công tác tại xã Hồng Minh. Khi về, tôi có rẽ vào nhà Văn Hậu để thăm gia đình, xem tình hình nhà cửa thế nào. Khi tôi vào hỏi thăm, những người chỉ đường bảo “À, lại vào nhà tỷ phú Hậu”. Từ đấy, tôi rất ngại. Tôi chỉ còn dám gọi điện hỏi thăm vài lần nên nhiều người vẫn không biết tôi.
Mãi tới sau này, khi Hậu cùng U23 Việt Nam giành Á quân châu Á 2018, huyện Hưng Hà tổ chức lễ đón long trọng, tôi mới được gặp lại Hậu và bố em. Hôm ấy, tôi phụ trách đưa học sinh tới xem, tổ chức văn nghệ, múa hát phụ họa cho chương trình.
Xong hết tất cả, tôi mới được gặp Hậu và bố em. Hai thầy trò nói chuyện với nhau được mấy câu thì bị công an xã mời ra. Họ sợ tôi làm mất an ninh trật tự ở lễ đón Hậu về nhà. Bởi thế, tôi cũng không ở lại được lâu.
Tuy nhiên, khi tôi gặp bố Hậu, ông ấy vẫn giới thiệu tôi với mẹ Hậu. Ông ấy bảo: “Đây là thầy Thoan, người thầy đầu tiên phát hiện và dẫn dắt con mình vào nghề”. Như thế là đủ, tôi biết người ta vẫn còn chưa quên mình.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.