Người thầy đam mê ứng dụng CNTT trong giảng dạy

GD&TĐ - Gần 15 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Trần Đình Dũng - Trường THCS Đức Trí, quận 1, TPHCM, không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp trong giảng dạy, đặc biệt trong việc ứng dụng CNTT cho các bài giảng của mình để mang đến cho học trò những bài học, những kiến thức bổ ích và những trải nghiệm thực tế vô cùng thú vị, ý nghĩa.

Người thầy đam mê ứng dụng CNTT trong giảng dạy

Những dự án dạy học hiệu quả

Mỗi lần đến tiết học Mỹ thuật của thầy Dũng, học sinh lại được khám phá thêm những điều thú vị, mới lạ. Vẫn là những tiết học dạy vẽ, tìm hiểu về mỹ thuật cơ bản nhưng thầy Dũng biết cách “biến hóa” để tiết dạy của mình trở nên sinh động hơn.

Khi giảng dạy về chủ đề “Những nét đẹp của địa phương thể hiện qua các công trình kiến trúc”, thầy Dũng đã tạo nên một buổi giới thiệu sách kỷ lục Guinness ngay trong lớp học và cho học sinh thực hiện một dự án dạy học rất thú vị. Theo đó, học sinh tham gia chia thành nhiều nhóm nhỏ, sau khi tham quan các công trình kiến trúc trên địa bàn, một nhóm sẽ vẽ các công trình, nhóm khác sẽ viết bài giới thiệu, nhóm còn lại sẽ trình bày thiết kế… tạo nên một cuốn sách vô cùng thú vị về các công trình kiến trúc của quận 1. Dự án dạy đã đưa thầy Trần Đình Dũng đoạt giải Nhất trong kỳ thi dạy học theo dự án cấp thành phố năm 2012.

Niềm vui ấy đã tiếp thêm động lực cho thầy Đình Dũng để thực hiện nhiều dự án dạy học nữa cho học trò, bởi thầy nhận ra, “khi học theo chủ đề, dự án, các con có thêm rất nhiều kỹ năng, kiến thức, các con tự tin hơn, có được những trải nghiệm rất thú vị từ ngoài các bài học trong sách vở…”.

Năm 2016, thầy tiếp tục mang dự án “Lá cây - nguồn dược liệu cho con người” đến với cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT. Theo thầy Dũng, không chỉ về mĩ thuật, các em học được rất nhiều qua dự án này. Các em biết được các loại lá có thể chữa bệnh, các em được truyền tải thông điệp về bảo vệ cây xanh. Các em biết thể hiện ý tưởng thẩm mỹ của mình thông qua những tác phẩm bằng lá cây, hình vẽ lá cây, trang trí bình hoa từ lá cây, biết phối màu... và nhất là kỹ năng về làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, sử dụng thành thạo CNTT. Với nỗ lực của cả thầy và trò, dự án này đã đạt giải Nhì cấp thành phố và giải thưởng phụ “Dự án với sản phẩm ấn tượng” cũng như giải Khuyến khích cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Và niềm hạnh phúc với nghề...

Giảng dạy bộ môn Mĩ thuật, với cách nghĩ của nhiều người, đây là môn phụ nên các giáo viên thường ít mặn mà với các hoạt động trong đổi mới sáng tạo trong dạy học… nhưng với thầy Trần Đình Dũng lại khác. Dù dạy học môn nào, thì với trách nhiệm và tình yêu dành cho học sinh, thầy vẫn luôn nhiệt tình và không bao giờ ngừng đổi mới chính mình.

Nói về thầy Trần Đình Dũng, nhà giáo Nguyễn Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí cho hay: Thầy Dũng là giáo viên được các em học sinh rất yêu quý, các đồng nghiệp quý mến và ban giám hiệu rất ghi nhận sự đóng góp của thầy với nhà trường. Thầy là một tấm gương về tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo không ngừng trong đổi mới phương pháp dạy học rất hiệu quả. Ở bất cứ hoạt động nào của trường phát động, thầy cũng tiên phong tham gia, tham gia để học hỏi để thu về cho mình thêm những kinh nghiệm và những trải nghiệm trong công tác giảng dạy. Còn về tính cách, thầy Đình Dũng vô cùng khiêm tốn, sống chan hòa, chân thành với anh em đồng nghiệp, nên ai cũng yêu mến thầy.

Mới đây nhất, năm 2017, thầy Dũng cùng học sinh khối 6 và khối 9 của trường thực hiện dự án có tên “Exchage Holiday Vietnamese cards - Tìm hiểu ngày lễ Việt Nam”. Với mong muốn các em HS sẽ tìm hiểu được những nét đẹp trong các ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Từ đó, các em có thể tự tay làm hoặc thiết kế thiệp điện tử cho những người các em yêu mến để bày tỏ tình cảm, hay tặng các em nhỏ cơ nhỡ, người già neo đơn… Các em sẽ làm những đoạn clip (bằng tiếng Anh) giới thiệu về ngày lễ ở Việt Nam như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày 20/10, Ngày 20/11… với bạn bè quốc tế thông qua việc kết nối với học sinh ở Ukraine. Dự án này đã được đánh giá cao và đạt giải Ba cuộc thi GV sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp TP cùng với giải phụ: Kết nối với trường học quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.