Người thầy "đặc biệt" không dùng tới phấn bảng, vở bút để dạy học trò

GD&TĐ - Với giai điệu và ca từ da diết, tác giả muốn gửi gắm tình cảm của các lớp học trò tới người thầy của mình thông qua ca khúc "Người thầy của tôi".

Tác giả Nguyễn Như Hoạch (bìa trái) và NSND Đỗ Quốc Hưng trong lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tác giả Nguyễn Như Hoạch (bìa trái) và NSND Đỗ Quốc Hưng trong lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tri ân thầy cô nhân ngày nhà giáo

Là một trong những tác giả có tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" năm 2020, tác giả Nguyễn Như Hoạch - giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có một vài chia sẻ về tác phẩm của mình. 

Tác giả Nguyễn Như Hoạch - giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tác giả Nguyễn Như Hoạch - giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nam giảng viên cho biết, mình khá bất ngờ khi "đứa con tinh thần" của mình lại đạt giải trong cuộc thi lần này. Ca khúc "Người thầy của tôi" được sáng tác từ năm 2016 khi thầy Hoạch còn đang là sinh viên. Nội dung của tác phẩm không đề cập nhiều đến phấn bảng, sách vở, trường lớp như những ca khúc về người thầy giảng dạy văn hóa khác do tính chất đặc thù. Tác phẩm muốn nói đến tình cảm gắn bó giữa thầy và trò.

Ngoài việc nâng cao hiểu biết về âm nhạc, tinh thần, tư tưởng thầy còn dạy bảo cho sinh viên cả trong lối sống, đạo đức làm nghề. Tất cả đều được đen xen trong các tác phẩm mà hai thầy trò cùng thể hiện ở những giờ lên lớp. 

Với ngành đào tạo về âm nhạc, người thầy không nhất thiết phải sử dụng tới bảng đen, phấn trắng, bút mực hay trang giấy. Các sinh viên thường tiếp nhận kiến thức của thầy thông qua giọng nói, tiếng hát... 

"Không phấn bảng, mực tím, trang giấy trắng. Em đến đây nghe giọng thầy trầm ấm. Nốt trầm nốt thanh trên dòng kẻ ngang, tiếng đời tiếng ta hòa vào câu ca thắm thiết. Đồ rê mi pha son la si... Bao năm qua rồi, tiếng thầy bóng thầy của tôi, những lời dặn dò ấm tình tôi còn nhớ mãi.. công cha nghĩa mẹ ơn thầy bao giờ tôi quên, tôi cảm ơn đời cho tôi người thầy tôi yêu!" - trích lời bài hát. 

Thầy Như Hoạch cho hay, ca khúc "Người Thầy của tôi" được sáng tác trong không khí chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Bài hát ra đời nhằm tri ân những người Thầy của mình, đặc biệt là NSND Đỗ Quốc Hưng - người đã dìu dắt, dạy dỗ tác giả trong suốt những năm tháng theo học tại trường. 

Những kí ức bên giảng đường với các nhạc cụ quen thuộc như cây đàn piano, vĩ cầm... là một phần không thể quên trong thời sinh viên của tác giả. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những kí ức bên giảng đường với các nhạc cụ quen thuộc như cây đàn piano, vĩ cầm... là một phần không thể quên trong thời sinh viên của tác giả. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chất liệu tác phẩm được sử dụng chủ yếu trên thang 5 âm của Việt Nam. Phong cách thể hiện của ca khúc trên 3 thể loại: Nhạc nhẹ, cổ điển và bán cổ điển, đại diện cho các lứa sinh viên. 

"Là một giảng viên dạy âm nhạc trong bối cảnh dịch bệnh, việc học âm nhạc cũng như các môn khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ca khúc sẽ góp phần động viên cho cả thầy và trò cùng cố gắng trong thời dịch bệnh. Vì tinh thần yêu nghề, yêu học sinh sinh viên, vì sự nghiệp nâng cao chất lượng âm nhạc cho lớp trẻ, cũng như tạo nền móng cho nền âm nhạc nước nhà phát triển", tác giả Nguyễn Như Hoạch gửi gắm. 

Trong suốt quãng đời sinh viên học tại học viện, thầy Hoạch luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy Đỗ Quốc Hưng. Thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp cũng như bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành thanh nhạc, thầy và trò vẫn luôn song hành cùng nhau.

Đến nay, khi đã tốt nghiệp lớp cao học và được bố trí công tác tại Khoa Thanh nhạc của học viện, thầy Hoạch cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi bao sự cố gắng của mình đã được đền đáp. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, tác giả một lần nữa muốn gửi lời tri ân tới các thế hệ thầy cô giáo để tiếp tục sự nghiệp trồng người thật cao quý. 

Theo thông báo của Ban tổ chức, lễ trao giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" năm 2020 sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào lúc 20h ngày 23/10/2021. Báo Giáo dục & Thời đại sẽ tường thuật trực tiếp sự kiện này trên ấn phẩm điện tử, kính mời quý độc giả theo dõi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ