Người thầy đặc biệt của trẻ em đường phố

GD&TĐ -  Hơn 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy xóa mù tại địa bàn phường Vĩnh Phước thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (Đồn Biên phòng Cầu Bóng - BCH BĐBP tỉnh Khánh Hòa) được nhắc tới như người cha thứ hai của nhiều trẻ em nghèo đường phố.     

Người thầy đặc biệt của trẻ em đường phố

Không chỉ mang lại cho các em kiến thức, kĩ năng sống… thầy giáo chiến sĩ quân hàm xanh còn dạy dỗ, cảm hóa để nhiều trẻ em chưa ngoan trở thành người công dân tốt cho xã hội. Nhiều cuộc đời, nhiều số phận đã đổi thay từ lớp học xóa mù chữ tình thương của thầy Tưởng.

Lớp học xóa mù đặc biệt

Lớp học xóa mù của thầy Tưởng được hình thành từ năm 2004 khi anh về đồn Cầu Bóng công tác và được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Quá trình nắm bắt địa bàn và tiếp xúc với người dân anh nhận thấy tình trạng trẻ em mù chữ, tái mù khá phổ biến; nhiều em sống trong hoàn cảnh khó khăn dù đến tuổi cắp sách tới trường vẫn phải ở nhà lao động kiếm sống. Nhiều em vì không được gia đình quan tâm dạy bảo, không được đi học đã tham gia vào các băng nhóm xấu của xã hội và vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, anh nhận thấy cần phải có một lớp học xóa mù hoàn toàn miễn phí cho trẻ em để các em ngày đi làm thì tối về vẫn có cơ hội được học tập dạy bảo và hạn chế tối đa thời gian tụ tập với các thành phần xấu. Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng, quyết tâm đứng ra tổ chức lớp học xóa mù học tại nhà văn hóa tổ dân phố cho trẻ em với chỉ huy đơn vị, cùng chính quyền địa phương.

Nhận được sự đồng ý, nhưng không có được nguồn kinh phí, sự hỗ trợ về vật chất nên anh Tưởng lại một mình đứng ra huy động bàn ghế cho lớp học, anh huy động từng mạnh thường quân, tổ chức xã hội, cá nhân có lòng hảo tâm… để xin hỗ trợ cho trẻ về sách vở đồ dùng học tập. Khâu giáo viên, anh thu xếp thời gian của mình hàng tối để trực tiếp lên lớp mặc dù công việc khác tại đơn vị khá bận rộn.

Những ngày đầu mở lớp xóa mù cho trẻ em đường phố, anh phải cất công xuống địa bàn, vào từng gia đình tuyên truyền, thuyết phục để gia đình ủng hộ cho con tới lớp. Ban đầu, khi các gia đình và bản thân trẻ chưa thấy được lợi ích của việc học thì tới lớp không nhiều. Nhưng trải qua một thời gian ngắn lớp học đi vào quy củ ổn định, những đứa trẻ được thầy Tưởng dạy bảo có nhiều biến đổi tích cực trên nhiều mặt. Các em không chỉ biết về kiến thức, kỹ năng sống mà còn trở nên tiến bộ hơn về đạo đức, lối sống. Nhiều em được giác ngộ, cảm hóa trở nên ngoan ngoãn, không phá phách nghịch ngợm, không bỏ nhà phiêu dạt hay vi phạm pháp luật. Thấy được hiệu quả từ lớp học nhiều gia đình đã tự xin cho con tới lớp, bản thân trẻ khi tới lớp cũng tự giác không phải thúc giục, kêu gọi đến lớp theo từng ngày.

Đến nay lớp học xóa mù khu Trường Phúc phường Vĩnh Phước đã tồn tại duy trì đều đặn 13 năm liên tiếp và thầy Tưởng vẫn lên lớp đều đặn hàng tối từ thứ 2 đến thứ 6 như một nhiệm vụ quan trọng đối với xã hội, đơn vị công tác và bằng cả tình thương, trách nhiệm với những đứa trẻ đường phố thiệt thòi.

Tình thương và trách nhiệm

Trực tiếp tham dự một buổi vào lớp học xóa mù cho trẻ em đường phố của thầy Tưởng điều mà ai cũng phải cảm phục đó là sự nhẫn nại và tình thương quá lớn của người chiến sĩ quân hàm xanh dành cho từng học trò, từng số phận.

Chính vì vậy, anh không chỉ giảng dạy cho các em về kiến thức văn hóa cơ bản nhất mà luôn chú trọng dạy bảo về đạo đức, lối sống giúp các em trở thành những công dân không vi phạm pháp luật, công dân tốt của xã hội. Bằng sự nắm bắt kĩ càng tâm lý, hoàn cảnh sống của từng học sinh, thầy Tưởng lại có những phương pháp giáo dục phù hợp.

Đôi khi là sự nhẹ nhàng kiên nhẫn như những người mẹ để nhỏ to thuyết phục các em, đôi khi lại là sự cứng cỏi kiên quyết như những người cha để răn đe cảm hóa trước những hành động, thái độ, lối sống còn lệch chuẩn. Mỗi trẻ em đến với lớp học thầy Tưởng khi thôi học không chỉ mang theo kiến thức văn hóa mà còn là những bài học làm người, trở thành người có ích cho xã hội.

Để từ những bài học đạo đức thiết thực ấy, các em chủ động nhận thức và thay đổi bản thân mình theo hướng tích cực hơn trong cuộc sống sau này. Đến nay, đa phần học sinh của lớp học thầy Tưởng sau khi không còn học ở lớp để đến với các lớp học nghề đều ngoan ngoãn, trở thành người công dân tốt. Nhiều em đã có nghề nghiệp và có cuộc sống ổn định.

Thầy Tưởng chia sẻ: Làm thầy ở lớp học xóa mù nếu bản thân chưa đủ quyết tâm, không dành cho các em sự yêu thương, chia sẻ và thậm chí sự tôn trọng cần thiết… thì khó có thể tồn tại. Đã có một số sinh viên các ngành nghề mới ra trường, thậm chí là giáo viên đang dạy hợp đồng ở trường tiểu học ngỏ ý được giúp đỡ thầy đứng lớp.

Thầy Tưởng đồng ý và giúp đỡ hỗ trợ về mặt ổn định trật tự, duy trì sĩ số… song cũng chỉ được 1 - 2 buổi tất cả lại “trả lớp cho thầy” vì nhiều lý do khác nhau đã khiến họ không thể trụ vững.

Vì sự ổn định và tiến bộ của từng học sinh trong lớp mà nhiều khi trách nhiệm dạy bảo hai con nhỏ anh phải nhờ vợ quán xuyến giúp đỡ để anh có thời gian đứng lớp. Anh luôn quan niệm, mỗi học sinh trong lớp học xóa mù là một số phận, những hoàn cảnh, cuộc đời đáng thương bị xã hội đưa đẩy mà trở nên chưa tốt.

Chính vì thế, để cảm hóa, dạy bảo và mang đến cho xã hội những công dân trưởng thành phải gắn liền với trách nhiệm, sự gắn bó với lớp học cũng như dành tình thương cho trẻ em.

Những chiến sĩ biên phòng, nhiệm vụ trách nhiệm thiêng liêng cao cả nhất của họ là giữ gìn đảm bảo chủ quyền cho từng tấc đất, biển trời biên cương Tổ quốc.

Thế nhưng giờ đây họ đã và đang trở thành một lực lượng đóng góp không nhỏ và tích cực cho nền giáo dục. Và những tấm gương thầy giáo quân hàm xanh như Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã để lại sự trân trọng, biết ơn của bao người và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.