Người thắp lửa nghề nghiệp cho giới trẻ

GD&TĐ - Ở tuổi 66, ông Trần Anh Tuấn vẫn miệt mài định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho hàng trăm nghìn học sinh THCS, THPT mỗi năm.

Hình ảnh ông Trần Anh Tuấn luôn gắn liền với học sinh THCS, THPT trong các buổi tư vấn hướng nghiệp.
Hình ảnh ông Trần Anh Tuấn luôn gắn liền với học sinh THCS, THPT trong các buổi tư vấn hướng nghiệp.

Hành trình chông chênh nhưng đầy nỗ lực và niềm vui

Bước vào tuổi 66, mái đầu đã ngả màu theo năm tháng, nhưng trong ánh mắt và giọng nói của ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM vẫn ánh lên sự nhiệt huyết, minh mẫn và tình yêu nghề cháy bỏng.

Sáu năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu (tháng 4/2019), guồng quay công việc của ông dường như chẳng hề chậm lại. Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, ông tiếp tục đồng hành và sẻ chia những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và dự báo thị trường lao động – những mảng công tác đã gắn bó gần trọn cuộc đời ông.

Nhìn lại chặng đường 40 năm công tác trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM (1979–2019), ông Tuấn tự nhận đó là "một hành trình chông chênh, bập bềnh, nỗ lực mà vui sống với cuộc đời".

Ông bén duyên với ngành Lao động thành phố từ năm 1980, khi mới 21 tuổi. Ngay từ những ngày đầu công tác, ông đã thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình và sớm được giao những trọng trách quan trọng - trong đó có việc kiêm nhiệm Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Lao động TPHCM vào năm 1982.

138ee43eb88a0dd4549b.jpg
Ông Trần Anh Tuấn cùng học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình, TPHCM).

Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày không ngừng học hỏi, cống hiến và thích ứng với những biến động trong cơ cấu tổ chức.

Giai đoạn 1983 - 1989 ghi dấu sự sáp nhập của Ban Kinh tế mới TPHCM, Ban Giáo dục Lao động TPHCM, Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em TPHCM vào Sở Lao động. Năm 1987, ông được giao nhiệm vụ quản lý cấp phòng.

Đến ngày 13/8/1988, khi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động và Sở Thương binh – Xã hội, ông tiếp tục gắn bó công tác tại đây.

Cuộc đời công chức của ông Tuấn có thể ví như một dòng chảy không ngừng, với 15 lần luân chuyển giữa các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở.

Từ Phòng Điều phối Lao động, Phòng Kế hoạch Nguồn nhân lực, Văn phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, Phòng Lao động – Việc làm, Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công, Tổ Thông tin Dự báo thị trường lao động, đến các trung tâm như: Trung tâm Dịch vụ Cung ứng Lao động, Xí nghiệp Dịch vụ Quảng cáo, Trung tâm Giới thiệu việc làm cho trí thức, Trung tâm Dạy nghề và Bảo trợ việc làm cho người tàn tật, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và đặc biệt là Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM.

Dù ở bất cứ vị trí nào – từ quản lý cấp phòng, chuyên viên, tổ trưởng, thư ký các ban chỉ đạo đến quản lý các đơn vị cơ sở – ông đều để lại dấu ấn bởi sự tận tâm, trách nhiệm và tinh thần đổi mới.

Trong đó, giai đoạn 10 năm (2009–2019) giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM là một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông.

Đây là một mô hình tổ chức mới, chưa có tiền lệ tại TPHCM cũng như cả nước, với nhiệm vụ trọng yếu là nghiên cứu, khảo sát, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực cũng như cung cấp thông tin thị trường lao động.

Ông Tuấn, với vai trò chủ lực và tiên phong, đã cùng giám đốc và đồng nghiệp kiên trì xây dựng trung tâm từ những viên gạch đầu tiên.

Ông tích cực nghiên cứu, thiết kế mô hình hoạt động, xây dựng cơ cấu tổ chức và đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên môn, giúp trung tâm hoạt động ổn định và phát triển hiệu quả. Sáu giải pháp chính do ông và tập thể đề xuất, triển khai đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của trung tâm – từ khảo sát thu thập thông tin, nghiên cứu khoa học, thiết lập quy trình dự báo đến cung cấp thông tin thị trường lao động, hướng nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin.

6f27c58bb43d0163582c.jpg
Không chỉ dừng lại ở hoạt động tư vấn trực tiếp, ông Tuấn (ngoài cùng bên trái) còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin định hướng đào tạo nguồn nhân lực và quản lý thị trường lao động cho thành phố. Sáng kiến “Xây dựng quy trình và phương pháp dự báo nhân lực và giải pháp thực hiện; nghiên cứu tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, người lao động gắn với khảo sát nhu cầu học nghề – việc làm” của ông được công nhận cấp thành phố vào năm 2017.

“Dù trải qua không ít ‘thăng trầm’, như tôi từng trải nghiệm trong giai đoạn 1995–2002, nhưng chính những thử thách ấy đã tôi luyện nên một tôi bản lĩnh, giàu kinh nghiệm và luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với công việc. Với 18 năm làm việc trực tiếp tại Sở và 22 năm tại các đơn vị thuộc Sở, tôi có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về ngành lao động và nhu cầu xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

Tháng 4/2019, ông Trần Anh Tuấn chính thức nhận sổ hưu, khép lại chặng đường 40 năm gắn bó với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Tuấn nhanh chóng tiếp tục hành trình cống hiến trong một vai trò mới – công tác tại Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nơi ông đã là Ủy viên Ban Thường vụ từ năm 2009.

Đến tháng 7/2020, tại Đại hội nhiệm kỳ IV, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Từ đây, một hành trình mới lại mở ra – theo cách ông gọi là “đoạn đường làm việc nhẹ nhàng, đơn giản thời hưu trí”, nhưng thực chất lại vô cùng sôi nổi và đầy ý nghĩa.

Không chỉ dừng lại ở công việc tổ chức, điều hành, ông Tuấn chủ động kết nối hoạt động của Hội với các cơ quan nghiên cứu, quản lý và đào tạo như Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, cùng nhiều doanh nghiệp, trường học và tổ chức đoàn thể.

Với vai trò chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, ông trở thành gương mặt quen thuộc trong hàng trăm chương trình do Sở GD&ĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan báo chí – truyền thông, Thành Đoàn TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học tổ chức.

Dù đã ở tuổi ngoài lục tuần, ông vẫn miệt mài đứng lớp, diễn thuyết, trò chuyện với học sinh - sinh viên, tiếp tục thắp lên những ngọn lửa đam mê và hy vọng cho tương lai nguồn nhân lực trẻ.

a1b591ea905e25007c4f.jpg
Ông Trần Anh Tuấn cùng học sinh Trường THCS Trần Quang Khải( quận Tân Phú).

Những con số biết nói chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự cống hiến bền bỉ của ông Trần Anh Tuấn.

Chỉ trong hai năm 2019–2020, ông cùng Trung tâm Hướng nghiệp thuộc Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM và các chương trình hướng nghiệp của thành phố đã đến với hơn 350 trường THCS, THPT tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành phía Nam, vùng Tây Nguyên và miền Trung.

Mỗi năm, ông trực tiếp cung cấp thông tin về dự báo thị trường lao động và nhu cầu việc làm cho hơn 300.000 học sinh – một con số ấn tượng thể hiện sự lan tỏa và sức ảnh hưởng sâu rộng.

Không chỉ dừng lại ở những buổi tư vấn trực tiếp, ông Tuấn còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học.

Trung bình mỗi năm, ông góp mặt tại khoảng 15 hội thảo khoa học với các tham luận, báo cáo chuyên sâu về dự báo nhân lực, đóng góp thiết thực cho công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, ông là thành viên chính trong nhiều đề tài khoa học cấp thành phố, với những đề xuất, kiến nghị luôn được đánh giá cao và đưa vào các kỷ yếu, tập san khoa học có uy tín.

“Ngày mai có thể sẽ đi tiếp, và chắc là cũng thế thôi. Với tôi, mỗi ngày được chia sẻ, được tư vấn, được góp một phần nhỏ bé vào việc định hướng tương lai cho các em học sinh, sinh viên là một niềm vui, là động lực để tiếp tục hành trình gieo mầm tri thức và hy vọng”, ông Tuấn bộc bạch.

Ông Trần Anh Tuấn nhiều lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố. Ông được tặng Huy hiệu TPHCM, các Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND TPHCM, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010) và đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Ba (2016).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ