Những cổ vật đặc biệt
Trong căn nhà nhỏ của mình, hàng chục nghìn cổ vật từ thời Lý, Trần, Thanh như bình trà Khang Hy, cặp bình Mai - Thọ (thời nhà Thanh), chế Mẹ Bồng Con (thế kỷ XIX), chiêng cổ của người Bahnar... được ông Lê Tấn Khoang (làng Blo, xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) sắp xếp gọn gàng.
Ông Khoang cho biết, ông cùng gia đình từ Phú Yên lên định cư ở xã A Dơk từ năm 2008. Những ngày đầu khi đặt chân lên vùng đất mới ông khá bất ngờ khi chứng kiến người dân bản địa lưu giữ nhiều cổ vật.
“Trước kia, cha tôi cũng sưu tầm và lưu giữ nhiều cổ vật quý báu. Niềm yêu thích, đam mê của tôi cũng bắt nguồn từ đây. Từ năm 2011, tôi đã bắt tay vào sưu tầm các cổ vật từ giá trị nhỏ đến lớn.
Mỗi khi nghe tin ở đâu có cổ vật quý tôi đều lặn lội đến xem. Đến nay, tôi đã có hơn 18.000 cổ vật ở nhiều triều đại cách đây vài trăm năm hay các cổ vật thuộc về văn hóa của người Jrai và Bahnar”, ông Khoang tâm sự.
Ông Khoang kể: Có những món đồ rất dễ dàng trao đổi, nhưng có cổ vật ông phải mất vài tháng, khi lên đến vài năm mới mua được. Món cổ vật quý giá và khó mua nhất của ông là chiếc tù và bằng ngà voi.
“Chiếc tù và bằng ngà voi tôi mua lại của một người dân ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa). Tuy nhiên, lúc bấy giờ gia đình này rất giàu nên họ không có nhu cầu bán cổ vật để lấy tiền.
Trong suốt 2 năm tôi phải đi lại nhiều lần để thuyết phục và hứa không bán cho bất kì ai họ mới đồng ý đổi bằng trâu, bò. Trong suốt những năm đi sưu tầm đồ cổ, tôi chưa thấy chiếc tù và nào đặc biệt như vậy”, ông Khoang chia sẻ.
Không chỉ vậy, ông Khoang còn rất tâm huyết với bộ sưu tập kiếm thời Tây Sơn với 50 thanh. Những thanh kiếm này phần lớn đều do người dân ở vùng Kon Thụp, Kon Chiêng (huyện Mang Yang) và huyện Kông Chro trong khi đi làm nương, làm rẫy vô tình đào được, lưu giữ và bán lại cho ông.
Ngoài ra là bộ 26 bức ảnh chụp về các trận đánh Thành cổ Quảng Trị: Mùa hè đỏ lửa (năm 1972) và Đồng khởi Bến Tre (năm 1960) được ông Khoang sưu tập rải rác của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tích lũy kiến thức về văn hóa, lịch sử
Ông Lê Tấn Khoang nâng niu bộ sưu tập cổ vật của mình. |
Theo ông Khoang, để có thể định giá đúng một cổ vật, người chơi phải thực sự hiểu biết, cảm quan nhạy bén. Chỉ cần nhìn qua chất liệu, hoa văn, hình dáng là có thể xác định được niên đại, giai đoạn lịch sử cũng như giá trị của món đồ.
Với 18.000 cổ vật của ông đa số còn nguyên vẹn, nhưng cũng có một vài món bị sứt mẻ. Tuy nhiên, mỗi một cổ vật có giá trị riêng nên ông đều nâng niu quý trọng và bảo quản kỹ lưỡng.
“Với tài sản là 18.000 cổ vật tôi cảm thấy mình là người may mắn và có “duyên”, bởi nhiều món đồ không phải có tiền là mua được. Khi sưu tầm cổ vật, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức về văn hóa và lịch sử của dân tộc. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê sưu tầm cổ vật”, ông Khoang nói.
Ông Khoang tâm sự rằng, khi hay tin ông có bộ sưu tập cổ vật lớn nhiều người đến tham quan và trả giá cao để mua. Tuy nhiên, ông không đồng ý mà chỉ để trưng bày, lưu giữ.
Nhưng khi các bảo tàng mượn để trưng bày thì ông không ngại vận chuyển đến tận nơi. Không những thế, ông còn dành tặng hàng trăm cổ vật cho bảo tàng các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Bình.
Ông Khoang cho biết, hiện tại ông đang sở hữu một bảo tàng tư nhân trưng bày cổ vật ở tỉnh Phú Yên. Bên cạnh đó, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam cũng đã cấp giấy chứng nhận đặt văn phòng liên lạc của Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh Gia Lai trong khuôn viên gia đình ông.
“Tôi luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một bảo tàng tư nhân tại Gia Lai để thuận tiện cho mọi người đến tham quan. Do đó, tôi đang xin phép các đơn vị có liên quan để thực hiện thủ tục, xây dựng bảo tàng và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022. Bởi Gia Lai là tỉnh có rất nhiều cổ vật quý giá nên thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm để tăng thêm số lượng cho bộ sưu tập của mình”, ông Khoang nói.
Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Gia Lai, cho biết, bộ sưu tập cổ vật của ông Lê Tấn Khoang được những người đam mê đồ cổ đánh giá rất cao, nhiều món thuộc dạng “khủng”, ít người có được.
Theo ông Thanh, với số cổ vật trên thì những người thực sự đam mê, tâm huyết mới có thể tìm kiếm và gìn giữ được. Do đó, bản thân ông cũng rất ngưỡng mộ đối với bộ sưu tập “đồ sộ” này của ông Khoang.