Tỏa sáng học đường
Ma-rít-xa Mai-ơ (Marissa Mayer) sinh ngày 30/5/1975 tại Vô-xô, bang Vi-xcôn-xin (Anh), là thành quả của cuộc hôn nhân giữa một kỹ sư người Anh với một cô giáo dạy vẽ người gốc Phần Lan.
Suốt thời thơ ấu, cô bé chỉ ao ước trở thành diễn viên ba-lê tỏa sáng trên sân khấu kinh điển, vậy mà giấc mơ nghệ sĩ đành gác sang một bên...
Được trời phú cho bộ óc thông minh, hồi học cuối bậc phổ thông cô đã đi làm thêm, nhận vị trí thu ngân trong cửa hàng tạp phẩm, nhờ có trí nhớ tốt về các con số và tính chịu khó học hỏi nên tác nghiệp nhanh ngang những người đã ở đây hai chục năm.
Cô từ giã đời học sinh với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc năm 1993 và là một trong hai người được Thống đốc bang chọn làm đại biểu đi dự trại hè khoa học thanh niên toàn vương quốc Anh.
Ở Trường đại học Xtân-pho cũng vậy: cô tốt nghiệp loại xuất sắc với luận án về hệ thống biểu tượng và sau đó bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tin học với ngành chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.
Năm 2009, mới 34 tuổi, Ma-rít-xa Mai-ơ đã được Đại học Công nghệ In-li-noi (Mỹ) phong hàm giáo sư vì những công trình của cô trong lĩnh vực tìm kiếm.
Mở mang Google
Sau một thời gian làm việc tại phòng nghiên cứu UBS (Ubilab) ở Du-rích (Thụy Sĩ) và tại SRI International ở Công viên Men-lơ bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ), Ma-rít-xa Mai-ơ gia nhập Google năm 1999.
Khi ấy Google mới có 20 cộng sự và cô là nữ kỹ sư đầu tiên của hãng. 13 năm làm việc tại đó, cô vừa là kỹ sư công nghệ, vừa là nhà thiết kế, nhà quản trị các sản phẩm và được tín nhiệm vào cương vị lãnh đạo.
Cô chính là người điều hành tạo nên trang chủ của Google với hơn 100 thứ ngữ, được người sử dụng công nhận là "không thấy gì thừa". Cô còn cho ra đời hơn 100 tính năng và sản phẩm thành công của Google, bao gồm thư điện tử Gmail, tính năng tìm kiếm trực tuyến hình ảnh và sách, có nhiều ảnh hưởng trong việc phát triển các tính năng "đình đám" nhất của Google.
Mấy năm cuối ở đấy, cô là Phó Chủ tịch hãng phụ trách Tìm kiếm Sản phẩm và Trải nghiệm Tiêu dùng. Người con gái trẻ măng này lãnh quyền quyết định thời điểm phát hành từng sản phẩm, từng dịch vụ của hãng Google, theo dõi quá trình tiêu thụ sản phẩm mới, rồi phụ trách các dịch vụ bản đồ và định vị, đảm trách một số thương vụ mua bán sáp nhập của Google. Cô hiện là người sở hữu nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và thiết kế giao diện.
Đồng thời với công việc ở Google, Ma-rít-xa Mai-ơ còn giảng dạy một khóa lập trình ở Đại học Xtân-pho thu hút hơn 3.000 sinh viên, do đó đã được tặng những giải thưởng "Centennial Teaching" và "Forsythe" về cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục đại học.
Cô chính là nhân vật được nhiều báo chí uy tín Newsweek, Red Herring, Business 2.0, BusinessWeek, Fortune và Fast Company làm nên những bài phỏng vấn lý thú về chuyện học hành, sáng tạo công nghệ, quản lý kinh doanh.
Vực dậy Yahoo
Ngày 16/6/2012 Ma-rít-xa Mai-ơ được mời sang làm cho đối thủ cạnh tranh của chính... Google và nhận giữ cương vị cao nhất: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Yahoo!
Đồng thời, cô còn tham gia Hội đồng Giám đốc của nhiều đơn vị khác nữa hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ước mơ thời thơ ấu của mình: các nhà hát ba-lê ở Niu Oóc và Xan Phran-xi-xcô, hai bảo tàng Thiết kế Quốc gia và Nghệ thuật hiện đại Xan Phran-xi-xcô...
Vừa ngồi vào "ghế nóng" ở Yahoo!, Ma-rít-xa Mai-ơ công khai ngay một trong những mục tiêu chính là làm cho hãng trở thành địa điểm hấp dẫn để làm việc, cụ thể là:
1. Cấm làm việc ở nhà, bắt buộc phải đến nhiệm sở, nếu không sẽ bị sa thải. Trước phản ứng của nhiều người, cô hứa sẽ tạo không gian làm việc ở Yahoo! không kém ở Google.
Một trong số thay đổi đầu tiên ở đây là bữa ăn miễn phí dành cho mọi người làm việc trong hãng. Thực tế đã chứng minh: độ hài lòng của các cộng sự hiện nay là cao nhất trong vòng dăm năm gần đây, nếu tính theo thang điểm tối thiểu là 1, tối đa là 5, thì điều tra xã hội học cho thấy điểm hiện nay là 3,7.
2. Thu hút nhân sự tài năng, thí dụ, trải thảm đỏ đón Ên-ri-kê đê Ca-xtrô - cựu Giám đốc điều hành của Google - với chế độ ưu đãi: rút khỏi Google liền thưởng nóng một triệu USD, mức lương cứng hằng năm 600.000 USD, mức thưởng hằng năm không dưới 600.000 USD và nhiều đãi ngộ khác nữa.
3. Chú trọng vào thị trường máy liên lạc di động: coi việc quản lý sản phẩm là chuyện sống còn với Yahoo và hằng năm chú trọng đầu tư và start-up, thí dụ: rót 30 triệu USD vào dự án kéo thần đồng tin học Anh Ních Đơ A-loi-di-ô tác giả Summly và chương trình nén tin tức để dễ đọc trên smartphone.
4. Mời những người nổi tiếng tham gia sự kiện của mình: thí dụ, Kết-ti Cu-rích - người đẹp dẫn chương trình trò chuyện với các ngôi sao phát hằng ngày trên truyền hình Mỹ - đã xuất hiện trong một vài hoạt động và tiến tới làm gương mặt thường trực trên trang chính của Yahoo.
Và bản thân Ma-rít-xa Mai-ơ, một ngôi sao của thung lũng Xi-li-côn từng xuất hiện trên các trang tạp chí sáng giá Vogue và trang bìa Fortune, nay cũng thương thảo với Nhà xuất bản Conde Nast đang nắm dàn báo chí thanh thế để đưa nội dung tạp chí Vogue vào Yahoo!
... và khi được vinh danh.
Nhờ nỗ lực phấn đấu, lần đầu tiên sau hai năm thua kém, Yahoo đã vượt mặt gã khổng lồ Google về lượng người sử dụng. Tháng 7-2013 mạng Yahoo có 196,56 triệu khách thăm trong khi Google chỉ có 192,3 triệu, không tính các thiết bị di động.
Ma-rít-xa Mai-ơ được tạp chí Glamour phong là nhân vật của năm 2009, tạp chí Fortune liên tiếp bốn năm 2008, 2009, 2010 và 2011 đưa vào danh sách 50 nữ doanh nhân Mỹ có ảnh hưởng nhất. Giữa năm 2014, cô được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 18 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.