Từ những sắc màu lung linh, rực rỡ của hoa giấy đã cuốn hút nhiều người con dân làng yêu thích nghệ thuật tạo hình, họ đã vượt lên những khó khăn của cuộc sống thường nhật để theo đuổi, học kỹ thuật làm hoa giấy. Họa sĩ Thân Văn Huy là một trong những con người như thế.
Xa cha mẹ từ nhỏ, Huy sống trong tình thương của bà. Dù khó khăn thiếu thốn đủ điều, anh vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Năm 1968 anh Huy thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Tuy quãng đường từ nhà đến trường xa xôi cách trở, nhất là về những tháng mưa lũ, đi lại khó khăn, nhưng với niềm đam mê vẽ tranh, quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật nên anh Huy đã vượt qua tất cả trở lực trong học tập và cuộc sống, và anh đã tốt nghiệp năm 1972.
Không dừng lại ở đó, để nâng cao năng lực chuyên môn Huy đăng ký học tiếp thêm 3 năm về nghệ thuật tranh sơn dầu.
Có dịp được đi lại trên con đường làng rợp bóng cây xanh, được trải nghiệm, cảm nhận một cách tinh tế, sâu sắc về vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên, đất trời.
Và dòng sông Hương thơ mộng ngày ngày chảy bên hông nhà anh cũng là “mắt xích” trong vốn liếng nghệ thuật, góp phần nâng tầm cảm hứng sáng tạo sau này.
Đến năm 1974, Thân Văn Huy tham gia triển lãm phòng tranh cá nhân đầu tiên tại Tp.Đà Nẵng với tên gọi “Mùa thu”, đã đưa người xem vào không gian thật yên bình, phản phất chất thơ, nếp sống dân dã như chính con người và làng quê anh vậy.
Trong lời giới thiệu cho lần triển lãm tranh đầu tiên của anh Huy, họa sĩ Vĩnh Phối nhận xét: “Với những năm dài miệt mài, tìm tòi học hỏi để khai phá những gì gọi là nghệ thuật của mình ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Con người đầy ý chí, nhiệt huyết, yêu nghệ thuật; tâm hồn lại tế nhị, nhạy cảm, họa sĩ Huy đã và đang kiên nhẫn tạo dựng được một phần nào bản chất nghệ thuật, cá tính nghệ thuật của riêng mình; do tâm hồn Huy qua tác phẩm rất nhiều.
Từ nét bút nhẹ nhàng, màu sắc tươi mát, êm dịu nên thơ, bố cục đơn giản, đến mọi hình ảnh trên tác phẩm đã khiến cho các tác phẩm của Huy đa số đều mờ ảo, huyền diệu.”
Sau khi ra trường, anh Huy lặng lẽ làm công việc của một nhà giáo trường làng-10 năm dạy hội họa tại trường Quảng Lộc (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), rồi 10 năm làm nghề thiết kế mẫu đồ gỗ đã giúp Huy có cơ duyên để chiêm nghiệm về những giá trị thật của nghệ thuật tạo hình trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ.
Ngoài những triển lãm chung tại Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Thân Văn Huy còn dự hầu hết các Liên hoan Mỹ thuật Bắc Miền Trung. Anh Huy đã tiếp tục thực hiện thêm hai cuộc triển lãm cá nhân tại Huế (1994) và Đà Nẵng (1995).
Năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, anh đã cùng 6 họa sĩ xứ Huế tổ chức triển lãm tại Hà Nội. Tại triển lãm này, một số tranh của anh đã thuộc về sưu tập của các vị thuộc ngoại giao đoàn tại Việt Nam.
Festival Huế 2006, họa sĩ Thân Văn Huy đã tổ chức thành công cuộc trưng bày hoa giấy Thanh Tiên ngay tại nhà vườn của anh. Du khách gần xa đã háo hức tìm về làng quê Thanh Tiên để tận mắt chiêm ngưỡng, ngắm vẻ đẹp rực rỡ của hoa giấy và tranh của anh Huy. Chính sản phẩm hoa giấy từ ngày hội này đã được công chúng, du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.
Nhớ lại những năm đầu thập niên hai mươi của thế kỷ trước, làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên chỉ còn lác đác vài ba hộ làm hoa và chỉ quanh quẩn với vài mẫu hoa cũ để thờ cúng.
Đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, là người con của quê hương Thanh Tiên luôn đau đáu giữ nghề và sẵn có chút vốn liếng nghệ thuật nên Thân Văn Huy quyết tâm phục dựng làng nghề.
Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kỹ thuật chế tác hoa sen giấy, từ các công đoạn như: vót tre tạo nhành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, pha chế phẩm nhuộm màu hoa cho đến khi hoa sen nở lung linh trên bình gốm, sứ.
Thế là ông bắt tay vào việc truyền nghề cho dân làng, đặc biệt là chú trọng dạy nghề cho thanh niên, những chủ nhân tương lai kế tục ông để giữ nghề truyền thống cho quê hương.
Như thường lệ, cứ đến đầu mỗi tối, ngôi nhà “Liên Hoa Thanh Tịnh” của ông Huy lại rôm rả tiếng nói cười của những bạn trẻ trong làng. Họ đến để giao sản phẩm và nhận nguyên liệu.
Sản phẩm của ông Huy làm ra ngày càng được hoàn thiện, tinh xảo hơn, vì thế không những khách thập phương, mà ngay cả người dân Huế cũng rất kinh ngạc khi nhìn thấy những hoa sen giấy đẹp mê hồn được chế tác công phu, điệu nghệ, giàu giá trị nghệ thuật do họa sĩ Huy dày công thực hiện.
Trong một lần thăm phòng tranh của họa sĩ Thân Văn Huy, Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan cảm nhận: “Sen trong hồ-bài thơ thiên nhiên của Huế, tác phẩm của trời và đất như bài ca diễm tuyệt và an lành.
Nhưng sen giấy từ bàn tay nghệ sĩ đã mang “Sen” lên một tầng cao hơn, đó là những đóa sen của tâm thức và giác quan thẫm mỹ cho nên sen lung linh giữa thật và mộng mơ, tưởng tượng”.
Có thể nói, sau gần 50 năm vắng bóng, giờ đây hoa sen giấy Thanh Tiên đã được phục dựng và nâng tầm. Bằng sự tinh tế của tâm hồn người nghệ sĩ, bàn tay tài hoa của một họa sĩ chuyên vẽ hoa sen, họa sĩ Thân Văn Huy đã sáng tạo ra những đóa sen giấy đẹp lung linh, mê hồn, bắt đầu từ sự tinh tế từng đường nét, trang nhã về màu sắc, uyển chuyển về thân dáng, cách điệu về bố cục trang trí…
Với những đóa sen ngũ sắc tươi mới đã làm cho sen giấy thật sự thăng hoa. Họa sĩ Thân Văn Huy tâm sự: “Có người hỏi tôi rằng hoa sen chỉ có màu hồng và màu trắng thôi nhưng tại sao hoa sen giấy của ông lại có nhiều màu như vậy?
Đó là một câu chuyện dài, nhưng có thể nói tóm: trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo thì mỗi đóa hoa sen là tượng trưng cho một vị Phật. Tôi cũng lấy ý tưởng từ đó mà làm nên những đóa sen giấy nhiều màu sắc bởi hoa sen là loài hoa của Phật giáo”.
Giờ đây, hoa sen giấy Thanh Tiên đã có mặt ở phòng khách các gia đình Huế, xuất hiện ở các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn.
Người ta còn mua hoa sen giấy để biếu nhau trong dịp Tết Nguyên đán, mừng tân gia. Những đóa sen giấy-món quà xứ Huế đã theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới như: Đài Loan, Úc, Pháp, Mỹ…
Trong hành trang rời Việt Nam sau khi mãn nhiệm (tháng 9/2016), bà Rena Bitter-cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cũng mang theo những bông sen giấy do bà tự tay làm dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Thân Văn Huy.
Còn nhớ, mùa Vu Lan (PL 2554), tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Tp.Huế), họa sĩ Thân Văn Huy đã có một phòng tranh mang đậm màu sắc Phật giáo, thể hiện một tâm tình hiền dịu, đầm ấm, giàu đạo vị.
Không nén được niềm xúc động, ông Huy chia sẻ: “Một đời cầm cọ vẽ cho đến nay tuổi đời đã ngoài 60, hôm nay tôi thực sự lấy làm vinh dự và hạnh phúc an lạc tràn đầy khi được trưng bày tranh và hoa sen giấy tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán để phát tâm cúng dường Tam Bảo nhân mùa Vu Lan-Báo hiếu”.
Có mặt tại triển lãm hôm đó, Hòa thượng Thích Hải Ấn-Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cảm nhận: “Với tôi, anh Huy là một họa sĩ rất hiền từ và biết kham nhẫn, say mê với nghệ thuật, rất có ý thức với văn hóa dân gian truyền thống”.
Mới đây, trong ngôi nhà vườn duyên dáng tại 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm-Huế, ông Huy mở lòng giới thiệu với đông đảo công chúng yêu tranh một số tác phẩm mới.
Những bức tranh Thanh bình, Khởi sắc, Giao hòa…bên cạnh những gam màu quen thuộc ấy còn xuất hiện gam màu mới lạ, chất liệu không chỉ sơn dầu, mà còn thêm xơ dừa, mặt mây, chíp điện tử: Ảo ảnh, Chiến tranh, Phù du…trĩu nặng ưu tư về cuộc sống, đem đến cho du khách cái nhìn tươi mới về nhân tình thế thái.
Ngày nay, hoa sen giấy Thanh Tiên không những trỗi dậy sống mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực như chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi, mà còn xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Xin mượn lời Họa sĩ Đặng Mậu Tựu-ủy viên BCH Hội Mỹ Thuật Việt Nam, để thay cho lời kết của bài viết này: “Giờ đây hoa sen giấy Thanh Tiên đã được đặt trong những không gian sang trọng ở Huế, đã lên máy bay đi đến mọi miền. Nghệ thuật của Huy đã làm sống lại một nghề tưởng như sắp mất. Đó là công lao rất đáng trân trọng của Huy.”