Đến cơ sở làm lồng đèn của chị Nguyễn Diễm Thúy (chủ cơ sở Thúy Linh), ở khu dân cư 923, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, với 20 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống.
Vừa đặt chân vào nhà, những lồng đèn hình sao, hình bướm, hình thỏ, hình gà, hình cá… được làm thủ công, với những nét vẽ mộc mạc, tinh xảo gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Bất chợt, thoáng một chút bồi hồi, một chút hoài niệm, cảm giác như cả một bầu trời tuổi thơ bỗng chốc ùa về.
Tết Trung thu đã cận kề, chị Thúy và chồng mình tất bật làm ngày đêm để đủ số lượng giao cho những mối đặt hàng quen thuộc. Có những ngày chị và chồng làm từ sáng đến đêm khuya mới xong số lượng khách đã đặt hàng.
Gắn bó với nghề ngót nghét cũng gần 20 năm, chồng của chị Thúy là một trong những truyền nhân duy nhất, nối nghiệp nghề truyền thống của gia đình, phát huy và gìn giữ cái nghề truyền thống cho đến ngày nay.
“Chồng của tôi là truyền nhân duy nhất của nghề làm lồng đèn truyền thống trong gia đình có nhiều anh em ở làng nghề lồng đèn Phú Bình, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Sau khi lập gia đình, chồng tôi về quê tôi sinh sống, mang theo nghề truyền thống này đến đất Tây Đô. Từ đó đến nay, gia đình tôi gắn bó với nghề khoảng 20 năm”.
Chị Thúy vẫn còn nhờ khoảng chục năm trước, vào cái thời hoàng kim của lồng đèn truyền thống. Số lượng sản phẩm làm ra tại cơ sở mỗi mùa lên đến trên 10.000 - 20.000 chiếc lồng đèn, cả gia đình phải huy động nhân công và mướn thêm thợ làm mới có thể đáp ứng số lượng lớn cung ứng ra thị trường, theo đơn đặt hàng với số lượng lớn của các cửa hàng, quầy hàng bán đồ chơi trẻ em và làm theo đơn đặt hàng của các cá nhân khách hàng.
Để cho ra đời một chiếc lồng đèn phải trải qua từng bước, từng khâu vô cùng tỉ mỉ. Trước tiên từ tháng 2 âm lịch, chị Thúy đã tất bật thu mua những nguyên liệu để sản xuất chiếc lồng đèn. Nguyên liệu bao gồm cây lồ ô để làm khung và giấy kiếng.
Công đoạn đầu tiên là tạo khung cho sản phẩm, những cây lồ ô khi được mua về, được chẻ, vuốt nan, cột, sau đó uốn lại một cách tỉ mỉ, công phu, để tạo hình cho từng sản phẩm. Đây là một trong những khâu đòi hỏi sự sáng tạo, là yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn…
Vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, chị Thúy và chồng bắt tay vào những công đoạn còn lại để hoàn thiện sản phẩm trên bộ khung sẵn có như kết kẽm cho đến tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Giấy dán phải có màu thắm, đẹp; giấy kiếng phải căng bóng.
“Để hoàn thành chiếc lồng đèn, chồng tôi thường chịu trách nhiệm chẻ lồ ô, cắt kẽm, cột khung. Còn tôi dán giấy kiếng, vẽ hoa văn và dán “lông thú” tùy loại sản phẩm".
Khâu vẽ hoa văn là một trong những khâu quan trọng nhất để hoàn thành một sản phẩm đẹp. Người thợ phải có những sáng tạo trong nét vẽ, những đường vẽ phải dứt khoát, thanh thoát, màu được phối hài hòa, thì từ đó mới cho ra đời một sản phẩm đẹp.
Các sản phẩm khi hoàn thiện, chiếc lồng đèn nhỏ không dán lông thú có giá 12.000 đồng, lồng đèn có kích thước lớn hơn có giá 18.000 đồng, còn những sản phẩm có dán lông thú dao động từ 30.000 đồng trở lên. Một số khác thì tùy vào mẫu mã và kích cỡ, nên giá bán dao động khác nhau.
Với số lượng khoảng gần 2000 cái cho mùa Trung thu này, nhẩm tính nếu trừ tất cả các chi phí, gia đình kiếm được trên chục triệu đồng. Nhưng, so với thời điểm chục năm về trước thu nhập này rất khiêm tốn.
Những mùa Trung thu những năm vừa qua, để tăng thêm thu nhập, cơ sở chị Thúy còn nhận phân phối thêm một số mặt hàng lồng đèn điện tử cho các cửa hàng. “Lồng đèn Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nên chiếc lồng đèn truyền thống ngày càng bị mai một, sản xuất số lượng ít đi nhiều.
Từ trên 10.000 cái vào mùa Trung thu thì hiện tại số lượng sản phẩm làm ra sụt giảm chỉ còn vỏn vẹn từ 1000 - 2000 chiếc. Nhưng đó là nghề truyền thống, dù có khó khăn như thế nào, tôi và chồng vẫn cố gắng để bám nghề, cố gắng lưu giữ những giá trị truyền thống từ những chiếc lồng đèn này”, chị Thúy bộc bạch.
Sau đây là một số sản phẩm lồng đèn truyền thống gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ:
Bình luận