Người phụ nữ không lấy chồng để nuôi em trai cả đời

Bà Hiền (Thái Bình) thời trẻ được không ít trai làng ngỏ lời, nhưng sau khi em trai đột nhiên bị liệt, bà quyết ở vậy cả đời nuôi em.

Người phụ nữ không lấy chồng để nuôi em trai cả đời

Trưa nắng ngạt ngào hương lúa, bà Bùi Thu Hiền (70 tuổi, thôn An Lạc 2, xã An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình) tay vịn chiếc xe đẩy cỏ nặng nhọc bước vào con ngõ nhỏ. Sau cánh cổng rỉ sét, ông Bùi Văn Hảo (58 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn bên hàng cau, ánh mắt mừng rỡ đón chị gái. Không có chị, ông không thể lên được bậc thềm để vào nhà.

Hai chị em trở về nhà sau một buổi đi làm.Ảnh: Trọng Nghĩa.

Hai chị em bà Hiền, ông Hảo trở về nhà sau buổi đi làm sáng 6/10.

Ông Hảo bị viêm khớp dạng thấp từ năm 11 tuổi khiến toàn thân bại liệt. Vài năm sau khi ông phát bệnh, bố mẹ lần lượt qua đời. Nhà có 5 anh em, 3 người đã đi xa xứ. Ở tuổi đôi mươi, bà Hiền quẩn quanh người em trai không thể ra khỏi được chiếc giường.

Hàng ngày, bà nấu nước ấm, thấm vào khăn rồi lau cho em sạch sẽ. Em muốn vệ sinh, bà dựng em ngồi dựa vào thành giường để ngồi bô, rồi tự tay dọn rửa. Cách ngày, bà lại cạo râu cho em.

"Khi biết em không thể khỏi được căn bệnh quái ác, lòng tôi chua xót vì em chịu nhiều thiệt thòi quá. Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải thay bố mẹ chăm sóc em. Trong đầu chẳng hề nghĩ đến chuyện tương lai, hạnh phúc", bà tâm sự. 

Năm tháng trôi qua, bà Hiền không rời em nửa bước, đến mức không có cả thời gian để tập đi xe đạp. Bà làm 3 sào ruộng, nuôi thêm con gà, con cá, bên cạnh việc làm cỏ, gặt lúa thuê. Những ngày đi làm đồng hơn 10km, nếu không có người chở, bà đều phải tự đi bộ. 

Ông Hảo rớm nước mắt kể, thời trẻ chị mình khá xinh xắn, cũng có nhiều chàng trai trong làng theo đuổi. "Có anh muốn lấy chị còn hứa sẽ chăm cả tôi, người thì muốn ở rể, mà chị tôi không chịu, bởi chị nghĩ tôi đã thiệt thòi vậy rồi, không muốn phải chịu khổ thêm nữa".

Thương chị, bao lần ông Hảo động viên lập gia đình hay có một đứa con mà bà cứ gạt đi. Mãi đến năm 40 tuổi, bà Hảo mới đồng ý có con với một người đàn ông và sinh được một bé gái.

Ông Hảo còn nhớ như in những tháng ngày thai nghén, chị gái mình mệt mỏi nhưng chuyện chăm ông vẫn không có gì thay đổi. "Bụng chị khệ nệ, đêm vẫn đôi lần dậy trở mình cho tôi. Chị chẳng ăn được gì, vẫn nấu cho tôi đủ bữa. Kể cả một hạt bụi bay vào mắt tôi, chị cũng là người thổi nó ra. Những lúc vậy tôi trách mình lắm, chỉ ước một lần đứng được dậy nấu cho chị bữa ăn mà không được", ông kể.

Ở tuổi 70, bà Hiền đã mắt mờ, chân đi khó nhọc,nhưng vẫn đi cắt cỏ thuê. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ở tuổi 70, bà Hiền đã mắt mờ, chân đi khó nhọc,nhưng vẫn đi cắt cỏ thuê.

Nhà thêm miệng ăn, thêm gánh nặng lên đôi vai, nhưng niềm vui khi có con đã khiến bà càng thêm mạnh mẽ, có gì tốt, gì ngon là dồn cho con, cho em trai. May mắn, con gái bà khỏe mạnh. Lớn lên một chút, cô cũng biết thay mẹ chăm sóc cậu những khi mẹ đi làm. "Tôi thương mẹ vất vả nên cũng coi việc chăm sóc cậu như trách nhiệm của một người con", chị Bùi Thị Diệu (30 tuổi, con gái bà Hiền, hiện lập gia đình ở Hà Nội) tâm sự.

Năm 2006, thông qua truyền hình bà Hiền biết được cách vật lý trị liệu cho em. Hàng ngày bà nhấc em lên xe lăn, tập gấp duỗi tay, chân. Kiên trì 2 tiếng mỗi ngày, trong suốt 5 năm, ông Hảo đã có thể ngồi dậy được, tay chân cử động ở mức độ tối thiểu.

Thân thể khỏe hơn, ông xin đi học nghề làm chuồn chuồn tre với hy vọng đỡ đần chị. Hai tháng trời bà Hiền gác lại công việc dẫn em đi. Nhiều đoạn sang đường, người phụ nữ đã 60 ngày ấy khom lưng cõng em trai. Không phụ lòng chị, ông Hảo làm được những chú chuồn chuồn đạt chuẩn, được chọn xuất đi Nhật. Mỗi tháng tuy chỉ kiếm thêm được vài trăm nghìn đồng nhưng nó giúp ông lạc quan hơn.

Ông Hảo cử động được tay chân ở tuổi ngũ tuần và bắt đầu tìm kế mưu sinh san sẻ gánh nặng cơm áo cùng chị. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ông Hảo cử động được tay chân ở tuổi ngũ tuần và bắt đầu tìm kế mưu sinh, san sẻ gánh nặng cơm áo cùng chị.

Sau 3 năm làm đồ mỹ nghệ, ông Hảo quyết định dừng lại, khi biết chị phải đi chặt những cây tre cao gấp 3 người, vết thương chằng chịt trên đôi tay. Từ 2016 đến nay, ông đi bán tăm, thẻ điện thoại, mỗi tháng kiếm được khoảng 500 nghìn.

Giờ đây ở tuổi 70, đôi chân bà Hiền đã khó di chuyển hơn, nhưng vẫn chăm sóc cho em như những ngày đầu tiên. Để có được vài chục nghìn mỗi ngày, bà nhận đi làm cỏ lúa cho các gia đình trong làng.

"Chỉ sợ đến lúc tôi yếu đi, không thể đưa được chú Hảo xuống sân, thì chắc chú ấy chỉ ở mãi trong nhà", bà Hiền lắng giọng.

Nhiều người thương hai chị em, thường nhận chở giúp mỗi khi đi khám bệnh, phụ giúp thu hoạch ngày mùa. Ông Nguyễn Quang Hợp (trưởng thôn An Lạc 2), cho biết: "Bà Hiền và em sống hiền lành chưa bao giờ làm mất lòng ai. Câu chuyện của chị em họ cả làng này đều biết, luôn nhắc nhở chúng tôi sống tốt hơn. Anh Hảo còn hay quyên góp tiền hoặc tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn".

Mỗi sáng, người chị hướng về phía đồng, người em quay ra quốc lộ kiếm kế sinh nhai, dù chẳng được bao nhiêu nhưng còn được lao động với họ là niềm vui.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...