Người phụ nữ đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển

GD&TĐ - Jeanne Baret, nhà thực vật học, được sinh ra trong thời đại mà mọi khám phá khoa học hầu như là đặc quyền của nam giới.

Bất chấp điều này, bà đã cải trang thành nam giới và tham gia chuyến khảo sát khoa học do Hải quân Pháp tiến hành và trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh Trái đất bằng đường thủy.

“Cô gái thảo mộc”

Sinh ngày 27/7/1740, tại La Comelle, Pháp, Jeanne Baret sống trong gia đình nông dân nghèo. Mặc dù, cuộc sống khó khăn, nhưng môi trường nông thôn và công việc của người cha đã hun đúc trong bà niềm đam mê với cây cối. Khi còn trẻ, bà được nhiều người biết với biệt danh “cô gái thảo mộc”.

Sự hiếu kỳ của Baret khiến nhà khoa học Philibert Commerson để ý, ông tuyển dụng cô gái trẻ làm quản gia khi đến La Comelle để tìm mẫu nghiên cứu. Chẳng bao lâu sau, bà bị công việc của nhà tự nhiên học nổi tiếng này thu hút. Ngược lại, Commerson cũng phát triển tình cảm với cô gái trẻ, sau khi người vợ của ông qua đời vào năm 1762.

Sau khi sinh đứa con đầu lòng vào hai năm sau đó, cặp đôi chuyển đến Paris và giao con cho người khác nuôi. Baret đã học qua khóa quản gia, rồi y tá và theo một số tài liệu, bà cũng trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức về thực vật tự nhiên của mình cho Commerson.

Ở Paris, Commerson thuộc giới thượng lưu của thành phố. Do mối quan hệ và danh tiếng của ông nên khi Đô đốc Louis-Antoine de Bougainville nhận được lệnh mở rộng vùng ảnh hưởng cho Pháp vào năm 1766, bằng một chuyến thám hiểm khoa học vòng quanh thế giới, ông đã được bổ nhiệm làm nhà tự nhiên học chính cho cuộc hành trình. Và Commerson không có trợ lý nào khác ngoài Baret.

Hành trình khoa học

Nhà tự nhiên học Philibert Commerson.
Nhà tự nhiên học Philibert Commerson.

Mặc dù, Commerson nhấn mạnh cần trợ lý nữ của mình cho chuyến thám hiểm, nhưng chỉ huy Hải quân Pháp vẫn kiên quyết không chấp nhận phụ nữ trong thủy thủ đoàn theo quy định nghiêm khắc lúc đó. Vì vậy, cặp đôi đã tìm cách khác.

Jeanne Baret ép ngực, mặc bộ quần áo thủy thủ rộng để cải trang thành nam giới. Vào thời điểm Commerson có mặt trên tàu, bà tìm đến và xin gia nhập thủy thủ đoàn. Họ đã thành công với kế hoạch của mình, thậm chí còn được bố trí nơi ở có các thiết bị khoa học. Bà được gọi là “Jean”, theo tên của người cha. Đây là chuyến thám hiểm đầu tiên của một quốc gia châu Âu có nhà tự nhiên học trên tàu nên cả hai rất được ưu đãi.

Sau khi khởi hành từ Nantes vào năm 1766, đoàn thám hiểm lần đầu tiên đổ bộ lên Nam Mỹ. Nhưng lúc này Commerson bị ốm và Baret là người rời tàu và thu thập mẫu vật. Trong một chuyến thám hiểm vào đất liền, Baret đã phát hiện một loài nho mới ra hoa kỳ lạ và bà đặt tên là Bougainvillea brasiliensis để vinh danh vị đô đốc chỉ huy tàu.

Việc ở cùng phòng với Commerson giúp Jeanne Baret dễ dàng che giấu thân phận của mình và bí mật này kéo dài gần được một năm. Cho đến thời điểm con tàu đến Nam Thái Bình Dương, nhiều người trong thủy thủ đoàn đã bắt đầu nghi ngờ “Jean”, người mà họ chưa bao giờ nhìn thấy đi tiểu hoặc thay quần áo trước mặt họ.

Theo lời kể, có một người Tahiti lên tàu và ngay lập tức gọi bà bằng một từ có nghĩa là “người cải trang”, theo phương ngữ ở Tahiti. Nhưng thủy thủ đoàn đã nhầm từ này thành “cô gái” và thế là họ tìm cách vạch trần “Jean”.

Một tài liệu cho thấy, khi tàu đến New Guinea, một số thủy thủ đã tìm cách cưỡng hiếp bà. Bằng chứng cho điều này nằm ở việc bà bị cách ly trong 9 tháng và sinh con khi tàu đến thuộc địa Mauritius của Pháp ở Ấn Độ Dương.

Để tránh bị trừng phạt, cả Jeanne và Commerson đều khai đây chỉ là mưu mẹo của riêng Jeanne và họ không hề biết nhau trước cuộc hành trình. Ngay khi tàu đến lãnh thổ Pháp, đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương, Baret và Commerson bị buộc rời khỏi tàu, sau 22 tháng thám hiểm.

Baret đã dành 7 năm tiếp theo ở Mauritius. Bà cũng giao đứa con thứ hai của mình cho người khác nuôi và chứng kiến Commerson qua đời vào năm 1773. Sau đó, bà kết hôn với một thủy thủ và cuối cùng trở về Pháp với anh ta vào năm 1774, hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới.

Vinh danh đến muộn

Jeanne Baret cải nam trang trong chuyến thám hiểm khoa học.
Jeanne Baret cải nam trang trong chuyến thám hiểm khoa học.

Khi trở về quê hương, Baret nhận được một khoản tiền hậu hĩnh từ gia đình Commerson, trả công cho công việc của mình. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, vào năm 1785, bà nhận được tiền trợ cấp từ Hải quân Pháp, theo yêu cầu cá nhân của Đô đốc Bougainville, người coi bà là một “phụ nữ phi thường”. Bà nhận được 200 livres (tiền Pháp thời đó) mỗi năm, cho đến khi qua đời vào ngày 5/8/1807.

Chỉ trong thập niên gần đây, Jeanne Baret mới bắt đầu nhận được sự công nhận xứng đáng. Khi các nhà khoa học bảo tàng bắt đầu công bố một số mô tả loài của Commerson, nhà sinh học tiến hóa tiên phong Jean Baptiste Lamarck là người duy nhất đề cập đến đóng góp và lòng dũng cảm của Jeanne Baret. Một cuốn tiểu sử viết về bà của Glynis

Ridley, The Discovery of Jeanne Baret (Khám phá của Jeanne Baret), được xuất bản vào năm 2010. Năm 2012, một loài bọ đêm Nam Mỹ mới được đặt tên là Solanum baretiae để vinh danh bà.

Ngày 27/7/2020, Google đã tổ chức kỷ niệm 280 năm ngày sinh của Jeanne Baret tại Google Doodle, công bố trên Internet Pháp, Italy, Croatia, Ireland, Hy Lạp, Bulgaria, Litva, Canada, Australia, Tanzania, Kenya, Uganda, Nam Phi, Nigeria, Ghana, Senegal, Brazil, Argentina, Venezuela, Peru, Colombia, Chile, Ecuador, Nicaragua, Hinduras, Costa Rica, Dominica, Panama và New Zealand.

Cho đến khi vụ cải trang bị phát hiện, Jeanne Baret đã liệt kê được hơn 6.000 mẫu vật thực vật, vỏ sò, và thậm chí cả những loại đá mới cho các nhà khoa học Pháp. Jeanne đã giúp Commerson tích lũy bộ sưu tập lịch sử tự nhiên cá nhân lớn nhất được biết đến vào thời điểm đó. Hàng nghìn mẫu thực vật có thể được tìm thấy trong khu thảo mộc của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris, mặc dù rất ít mẫu mang tên Jeanne Baret.
Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ