Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật chuyển đổi giới tính.
Quá trình phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam khó hơn nam thành nữ, song các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt hiện nay đều có khả năng thực hiện, cũng như sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng người phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ có những hệ quả lâu dài về sức khỏe mà nhiều người sau đó ân hận đã không sửa đổi được nữa.
Người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hormone thường xuyên trong suốt cuộc đời, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tật cao, trong đó có ung thư. Tuổi thọ của họ cũng giảm khoảng 20 năm. Ngoài ra họ sẽ không bao giờ có con về mặt quan hệ thông thường.
Thực tế một số người sau khi chuyển đổi giới tính chưa thích nghi kịp với nhiều thay đổi của cuộc sống mới và không thỏa mãn thật sự với giới tính mới dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.
Vì thế, ông Quang cho rằng trước khi chuyển đổi giới tính, các cá nhân cần tìm hiểu rõ giới tính mới để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển giới. "Nên sống thử với giới tính mong muốn một thời gian trước khi quyết định phẫu thuật", ông Quang khuyên.
Chẳng hạn, một người nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ cần phải có thời gian sống thử với mọi hoạt động thường ngày của phụ nữ như mặc váy, tô son đánh phấn, đi giày cao gót...
Tương tự người nữ muốn chuyển thành nam cũng cần phải sinh hoạt như nam giới. Khi cảm thấy mình phù hợp với giới tính mong muốn mới quyết định nhờ y học can thiệp chuyển đổi. Ở Thái Lan, khoảng thời gian sống thử với giới tính mong muốn này thường là một năm.
Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó cho phép cá nhân được chuyển đổi giới tính. Luật mới nhận được sự ủng hộ của xã hội, nhất là cộng đồng người chuyển giới.
Từ nay họ có thể thực hiện phẫu thuật này với chi phí hợp lý, an toàn ngay tại Việt Nam. Theo ông Quang, để tạo thuận lợi cho người chuyển đổi giới tính, ngành y tế sẽ cấp giấy xác nhận đã phẫu thuật chuyển giới cho họ, làm căn cứ khai báo các thủ tục pháp lý.
Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân. Thái Lan và Iran được coi là các trung tâm thực hiện chuyển đổi giới tính lớn nhất thế giới.
Theo khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới.
Trong đó 11% đã phẫu thuật thay đổi ít nhất một bộ phận trên cơ thể, đa phần làm ở nước ngoài. Khoảng 500.000 người Việt có giới tính không trùng với giới tính hiện có, trong đó 500-1.000 người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, chủ yếu phẫu thuật chui, tốn kém, nguy cơ rủi ro cao.