Người nuôi hàu, cá ven biển ở Quảng Ninh ‘chẳng còn gì’ sau bão số 3

GD&TĐ - Ngư dân nuôi hàu, cá ven biển ở Quảng Ninh trắng tay sau bão số 3 (bão Yagi), người mất ít thì vài trăm triệu, người nhiều tới cả chục tỷ đồng.

Người nuôi cá trên vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh trắng tay sau bão số 3, nợ nần chồng chất.
Người nuôi cá trên vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh trắng tay sau bão số 3, nợ nần chồng chất.

Trắng tay… sau bão

Từng là khu vực tấp nập với trên 100 hộ nuôi cá lồng bè trên vùng biển Cẩm Phả, thế nhưng sau trận bão số 3, tất cả những gì còn lại ở khu vực Hòn Cò, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn chỉ là ngổn ngang mảnh bè vỡ, phao nhựa, rác thải…

Sức tàn phá kinh hoàng của cơn bão là nỗi sợ hãi, ám ảnh khó quên trong tâm trí bà Lưu Thị Nga ở thôn Đông Thắng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.

Của đau con xót, không riêng gì những người mưu sinh bám biển, bà Nga đã cùng chồng cố gắng giữ lại tài sản giữa biển khơi khi cơn bão số 3 đổ bộ. Vậy nhưng, với sức gió quá mạnh của tâm bão đã khiến bao mồ hôi, của cải biến mất trong chốc lát.

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, bà Nga vẫn còn thất thần vì tiếc khối tài sản đến ngày thu hoạch.

Bà Nga kể lại, hay tin bão sẽ vào Quảng Ninh, nên 2 vợ chồng quyết định ở lại bè nuôi trên vịnh để cố giữ và bảo vệ tài sản. Cứ nghĩ trong vịnh kín gió, bão bùng bao năm nay không việc gì. Thế mà lần này bão quá to, sau nhiều giờ gió rít mạnh kèm mưa to đã kéo toàn bộ tài sản của gia đình chìm đắm xuống biển.

Chiếc bè trú ngụ của hai vợ chồng bà Nga bị gió xé toạc, lênh đênh giữa cửa vịnh rồi cuộn lên ghềnh đá. Toàn bộ tài sản nuôi trồng của gia đình bà Nga gồm 30 dây hàu đang cho thu hoạch, cùng với 19 bè cá bị đánh tan.

“Tài sản trên biển là thế chấp nhà và đất để vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng đầu tư nuôi trồng, còn lại vay mượn bên ngoài. 30 dây hàu, mỗi dây trung bình 5 tấn chuẩn bị thu hoạch, cùng với dàn phao 5.000 quả mới thay thế trong đợt cao điểm địa phương hối thúc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE (trung bình 90 nghìn đồng/quả). Ước tính thiệt hại hơn 100 tấn hàu thương phẩm cùng 19 lồng cá, thống phao lên tới 2 tỷ đồng”, bà Nga cho biết thêm.

Sau gần 1 tuần cơn bão số 3 đi qua, ngày nào anh Vũ Viết Vương ở phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả cũng chạy con thuyền nhỏ khắp các đảo mong hy vọng tìm lại số phao nuôi hàu bị gió cuốn đi.

Dừng chiếc thuyền nhỏ, đôi mắt thất thần nhìn ra xa, anh Vương cho biết, cả vùng biển Cẩm Phả, Vân Đồn người dân nuôi hàu, nuôi cá bị xóa sổ, mất trắng. Riêng nhà anh Vương bị thiệt hại 80 dây hàu đã xuống giống từ tháng 5 Âm lịch, trung bình 20 triệu đồng/dây, tổng thiệt hại lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Tiền vay nợ ngân hàng của gia đình anh Vương là 1,2 tỷ đồng. Anh Vương dự tính vụ hàu này thu hoạch sẽ trả được một phần tiền vay. Bão đến, tất cả đều tan biến.

Gia đình bà Lê Thị Thanh từ Cẩm La, thị xã Quảng Yên đến Vân Đồn bám biển mưu sống bằng nghề nuôi cá.

“Bè nuôi 36 ô cá bị bão cuốn phăng. Riêng cá song gia đình cũng nuôi từ 3 - 4 năm, còn cá giò đã nuôi 2 năm, con nào cũng từ 7 - 8 cân, tổng thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng. Gia đình tính Tết Nguyên đán tới thu hoạch để trả nợ, ai ngờ sạch trắng. Nhìn một đống của không còn, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau ứa nước mắt, tiếc của”, bà Thanh nói trong nước mắt.

Giống anh Vương, bà Nga, bà Thanh, tài sản dưới biển của nhiều hộ dân khác tại Quảng Ninh mất sạch sau bão. Họ không còn nguồn vốn để xoay vòng, tái nuôi trồng, nhiều người chán nản, rơi vào tuyệt vọng.

sau bao so 3 o quang ninh ngu dan nuoi bien trang tay (2).jpg
Anh Vũ Viết Vương đang cố gắng vớt vát tài sản là phao nuôi hàu bị bão số 3 hủy hoại.

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Nghề nuôi biển ở Quảng Ninh được xem là ngành kinh tế quan trọng và mang lại giá trị kinh tế tương đối cao.

Chưa bao giờ người dân làm nghề biển tại tỉnh này bị gánh chịu hậu quả tổn thất từ bão lớn như cơn bão số 3 vừa qua.

Theo số liệu từ báo cáo thiệt hại sau cơn bão số 3, tính đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại.

Tại thị xã Quảng Yên, cơ quan chức năng thống kê toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá bị phá hủy sau bão.

Của đau con xót, những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản cuối cùng, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu, hà.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Vân Đồn, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, trong đó hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn.

Tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Thị xã Quảng Yên trên 800 bè nuôi hàu, hà và trên 1.700 lồng nuôi cá bị thiệt hại…

Cả tỉnh Quảng Ninh chưa thống kê hết cũng đã cho thấy con số thiệt hại kinh khủng: Khoảng 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống bị ảnh hưởng nặng nề, mất trắng. Tổng thiệt hại dự kiến đối với hàu là 1.353 tỷ đồng; cá khoảng 533 tỷ đồng; hải sản khác 395 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ…

Bên cạnh việc thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng, điều chỉnh một số chính sách theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ có lợi cho người dân, tổ chức để ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất.

Quảng Ninh cũng báo cáo Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn chung đến các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3 như các chính sách: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính…

“Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo là trên cơ sở chính sách hiện có, các chính sách ban hành mới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn tại địa phương, có hiệu quả, độ phủ rộng có nhiều đối tượng thụ hưởng, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực ngân sách của tỉnh, khả năng huy động của các tổ chức; không lợi ích nhóm, không trục lợi chính sách”, ông Cao Tường Huy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ