Tiếng nói yếu ớt của họ không thể thay đổi được gì. Điều duy nhất họ có thể làm là tự bảo vệ bản thân và kết nối những người giống mình.
Hậu quả có thật
Tại Hàn Quốc, tự tử do trầm cảm xảy ra với rất nhiều nghệ sĩ. Nguyên nhân chủ yếu đều xuất phát từ bạo lực mạng. Điển hình phải kể đến sự việc của Sulli và Goo Hara cách đây 2 năm. Sulli tự tử ngày 14/10/2019, bạn thân của cô là Goo Hara cũng được tìm thấy đã chết tại nhà riêng chiều 24/11/2019. Cả hai cô gái đều chưa đến 30 tuổi.
Những cái chết trẻ liên tục của sao Hàn do tự tử không khỏi khiến thế giới kinh ngạc. Trong nỗ lực bảo vệ nghệ sĩ khỏi trầm cảm, trưởng nhóm Super Junior Lee Teuk đã thành lập một nhóm gọi là Milk Club, tập hợp những người bị trầm cảm trong làng giải trí Hàn Quốc. Nhóm này hoạt động theo cách chia sẻ những câu chuyện của nhau để nhận được sự cảm thông.
Bạo lực mạng đã trở thành nỗi ám ảnh của người nổi tiếng, giới nghệ sĩ tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 2015, Văn Mai Hương từng phải hủy show Tôi tỏa sáng vì căn bệnh trầm cảm. Theo người nhà nữ ca sĩ, Văn Mai Hương bị chứng trầm cảm kéo dài, niềm vui duy nhất của cô là chơi với chú chó nhỏ hàng ngày. Hiện tại, Văn Mai Hương đã thoát khỏi những tháng ngày đen tối đó.
Cuối năm 2017, ca sĩ Thái Trinh cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Cô thường khóc và có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Thái Trinh cũng từng nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát.
Trải qua một thời gian gặp bác sĩ điều trị và luyện tập yoga, thiền kết hợp ăn chay, Thái Trinh đã quay trở lại ca hát. Trước sức ép của những bình luận tiêu cực, Sơn Tùng- MTP cũng từng có lần nghĩ quẩn. Chuyện này được MC Tùng Leo kể lại trong một buổi gặp gỡ fan của Sơn Tùng. Đã có lần, nam ca sĩ bất ngờ hỏi đàn anh: “Nhảy từ trên này xuống thì có chết không?”.
Hồ Ngọc Hà một thời gian dài trở thành đối tượng của vô số bình luận ác ý trên mạng xã hội. Không chỉ luôn theo sát các hoạt động nghề nghiệp của nữ ca sĩ để xuyên tạc, bôi nhọ, các anti-fan còn gọi nữ ca sĩ bằng những biệt danh vô cùng khiếm nhã, thiếu văn hóa. Thậm chí, phát ngôn của cô còn bị bóp méo.
Trước sự việc này, Hồ Ngọc Hà từng khẳng định sẽ không bao giờ bình luận trên mạng xã hội nữa. Đồng thời, trước việc bị những thông tin bịa đặt bôi nhọ trong thời gian dài, cô chia sẻ: “Đã đến lúc tôi phải xem lại sự im lặng của mình. Vì càng im lặng thì những sự vẽ vời về tôi qua những tin đồn lại càng đi quá đà bởi những kẻ chuyên đi nói xấu và muốn chôn vùi người khác bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất…”.
Năm 2018, Nam Em thừa nhận vấp phải vấn đề về tâm lý sau nhiều lùm xùm tình cảm. Cô tăng cân mất kiểm soát và đăng tải những video “kì lạ” lên mạng xã hội. Không chỉ Nam Em, nhiều sao Việt khác cũng từng thừa nhận có thời gian bị trầm cảm, xuất hiện nhiều ý nghĩ tiêu cực.
Ca sĩ Hương Tràm cũng là một trong những ngôi sao phải chịu áp lực lớn của việc nổi tiếng sớm và nhận về quá nhiều bình luận ác ý. Cô liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, mất ngủ. Mỗi lần như thế Hương Tràm đều tự mình bóc da tay đến mức rỉ máu.
Hồi tháng 5/2019, nữ ca sĩ đã quyết định tạm ngưng ca hát, sang Mỹ du học để dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn.
Cần được lắng nghe và thấu hiểu
Mới đây, nữ ca sĩ Katy Perry gây chú ý khi bày tỏ: “Mạng xã hội là sự suy tàn của nền văn minh nhân loại nếu chúng ta cứ mãi chạy theo những thứ cực đoan. Chúng ta phải tìm lại sự cân bằng, tôi và các bạn đều là nạn nhân như bao người khác”.
Nữ ca sĩ 37 tuổi cũng khẳng định việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội là không tốt. “Thật khó khi không thể sống cuộc sống của chính mình. Điều đó quả thật không tốt chút nào”, cô nói.
Thực tế, những hiện tượng bịa đặt, bôi nhọ, dùng thông tin thiếu căn cứ để hạ uy tín người khác xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Hiện tượng nguy hiểm này gây bức xúc trong dư luận đồng thời đặt ra yêu cầu về pháp luật, đạo đức liên quan đến mạng xã hội trở nên cấp thiết.
Quả thật, nếu muốn phê phán ai đó, làm việc này trên mạng sẽ dễ hơn. Và việc bình phẩm người khác cũng dễ gây chú ý hơn. Rõ ràng những người nói xấu, chỉ trích ai trên mạng sẽ không suy nghĩ cho ai khác mà chỉ suy nghĩ về mình.
Ở Việt Nam, một số nghệ sĩ thường xuyên bị “chơi bẩn” trên mạng xã hội, mà thủ đoạn của kẻ xấu là lập trang Facebook giả lấy tên của nghệ sĩ, rồi post lên đủ thứ lố lăng như ảnh ghép, comment sốc, gán cho nghệ sĩ là gái bao, đồng tính, đưa ra phát ngôn khiến người thiếu thông tin hiểu lầm đó là quan điểm của nghệ sĩ. Những đối tượng này khiến mạng xã hội trở thành một thế giới lẫn lộn giữa ảo và thật; xen lẫn với cái tốt, cái hữu ích là cái xấu.
Khác với giới giải trí phương Tây, nơi nhiều ngôi sao công khai nói về bệnh tâm lý của mình và được fan ủng hộ, thì nghệ sĩ châu Á vẫn còn “ngại” nói về chuyện này. Thậm chí, họ có thể gặp phải sự tấn công dã man hơn nếu chia sẻ việc mình bị trầm cảm.
Chính định kiến của xã hội khiến người trầm cảm càng thu mình lại, cảm thấy không được công nhận và bị tách khỏi cộng đồng. Với người của công chúng, áp lực giữ hình ảnh càng khiến bệnh của họ nặng hơn và không có lối thoát.