Sáng tạo để giữ lửa đam mê nghệ thuật

GD&TĐ - Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2018 (đợt 1) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng tổ chức; diễn ra từ 29/6 - 7/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. 

Một trong những tiết mục biểu diễn tại đêm gala khởi đầu liên hoan
Một trong những tiết mục biểu diễn tại đêm gala khởi đầu liên hoan

Sự kiện được giới chuyên môn đánh giá là một trong những hoạt động nghệ thuật chất lượng trong bối cảnh các đoàn nghệ thuật đang phải đối mặt với nhiều biến động, khi việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị công lập lĩnh vực nghệ thuật theo Nghị quyết Trung ương 6 đang được triển khai.

Nhiều đổi mới trong công tác tổ chức

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Trưởng BTC liên hoan - cho biết: “BTC chia liên hoan thành hai đợt, đợt 1 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng với sự tham dự của 12 đơn vị nghệ thuật phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra). Đây đều là các đơn vị nghệ thuật đại diện cho các địa phương, có nhiều điểm tương đồng nhau cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động, nguồn lực về kinh tế cũng như thành phần sáng tạo đặc thù”.

Cũng theo ông Lê Minh Tuấn, mong muốn của BTC là tạo sân chơi bình đẳng, khách quan và công bằng giữa các đơn vị nghệ thuật khi tham dự liên hoan đợt 1, qua đó Hội đồng nghệ thuật có sơ sở chấm và đề cử trao tặng các giải thưởng nhằm động viên, khích lệ những ê kíp sáng tạo thuộc các đoàn địa phương và không bị cạnh tranh với các đoàn có nguồn lực về kinh tế cũng như ê kíp sáng tạo vượt trội. Đặc biệt, theo quy định của BTC các đơn vị tham gia không được thuê, mượn diễn viên, nhạc công chỉ để phục vụ việc xây dựng chương trình tham gia liên hoan. Theo quy chế, mỗi đơn vị được tham gia một chương trình với thời lượng từ 80 - 110 phút…

Riêng về nghệ thuật, được xác định là yếu tố rất quan trọng đóng góp cho sự thành công chung của liên hoan. Do đó, để tạo không khí mới, tươi trẻ, BTC quyết định lựa chọn những giám khảo có chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật nhưng tuổi đời còn tương đối trẻ. Đối với tiêu chí chấm giải, cũng được phân ra làm 2 tiêu chí riêng.

Thứ nhất, đối với chương trình, Hội đồng nghệ thuật chấm trên cơ sở chủ đề nội dung tư tưởng rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, bố cục chương trình mạch lạc; chương trình có sự sáng tạo mới lạ và được trình diễn điêu luyện với chất lượng nghệ thuật cao; ngoài ra còn có các yếu tố như sự gắn kết giữa tiết mục biểu diễn, âm thanh ánh sáng, thiết kế sân khấu, trang phục đạo cụ...

Thứ hai, đối với tiết mục, cần bám sát chủ đề nội dung của chương trình, có giá trị nghệ thuật tốt, khắc họa rõ nét vẻ đẹp văn hóa truyền thống, đương đại, đặc trưng bản sắc văn hóa của từng vùng miền và đất nước. Có sự kết hợp hiệu quả giữa ca - múa - nhạc trong hình thức thể hiện tác phẩm; diễn xuất của nghệ sĩ phải nhuần nhuyễn, điêu luyện mang tính chuyên nghiệp cao, tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng khán giả.

Mục tiêu tất cả vì chất lượng nghệ thuật

Phát biểu tại lễ khai mạc liên hoan, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhìn nhận:

“Thời điểm này, tôi biết rằng các nghệ sỹ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã có những cố gắng vượt bậc, vượt lên cả những nỗ lực các bạn đã từng có trong mấy chục năm tồn tại với tư cách là một đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, độc lập, để đến sân khấu này tham dự liên hoan, khi bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị công lập lĩnh vực nghệ thuật theo Nghị quyết Trung ương 6 cũng đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ.

Nhưng đó là sự chuyển mình cần thiết để bắt kịp với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Chúng ta đang thay đổi và chúng ta cần chủ động thay đổi. Tương lai của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Việt Nam luôn phụ thuộc vào lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, vào từng nghệ sỹ đang có mặt tại đây”.

Những khó khăn mà lãnh đạo ngành văn hóa nêu ra càng bức thiết, khi các đơn vị nghệ thuật trong liên hoan đa phần còn đang khó khăn. Nhạc sĩ Lê Xuân Thủy, Trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ “Đối với lực lượng diễn viên, có thể nói đây là khó khăn lớn của Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc bởi chính thức hiện nay đoàn chúng tôi có 28 biên chế. Theo tôi, đây cũng là khó khăn chung chứ không phải riêng với tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều đoàn cũng có băn khoăn chung đó, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Vĩnh Phúc đang chuẩn bị vào cuộc sát nhập các đơn vị”.

Cũng theo nhạc sĩ Lê Xuân Thủy, dù các nghệ sĩ có băn khoăn, nhưng đã kịp thời chấn chỉnh, đả thông công tác tư tưởng và rất hào hứng, tập trung cho công tác chuyên môn. “Cũng như tất cả các đoàn nghệ thuật khác, đoàn chúng tôi rất cố gắng để đạt thành tích cao nhất có thể. Chính vì thế chúng tôi tìm cách những chất liệu dân gian thật là độc đáo.

Đặc biệt, lần đầu tiên chúng tôi sử dụng một nhạc cụ được khai thác, chế tác hoàn toàn mới và đưa lên sân khấu là trống đất. Ngoài ra, chương trình gồm 14 tiết mục của đoàn còn có sự góp mặt của trống quân Đức Bắc (xuất phát từ xã Đức Bắc, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) mang âm hưởng rõ nét của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào những tiết mục độc đáo như vậy. Với sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng đó, chúng tôi mong nhận được sự ghi nhận của ban tổ chức, Ban giám khảo”, nhạc sĩ Lê Xuân Thủy nói.

Bà Ma Thị Hương Lan, Trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng cũng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Cao Bằng tham dự Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc với tư cách chủ nhà. Tuy nhiều áp lực nhưng liên hoan chính là dịp để chúng tôi tiếp cận, học hỏi nhiều thể loại hình nghệ thuật, những tiết mục nghệ thuật vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa hiện đại kết hợp nhau để nâng chất lượng nghệ thuật của từng tiết mục. Thời gian vừa qua, nhờ có liên hoan, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất chuẩn bị cũng như quan tâm, đầu tư cho đoàn nghệ thuật chúng tôi”. 

"Chúng ta đã, đang và vẫn sẽ là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; vẫn mãi là những người giữ lửa đam mê nghệ thuật để văn hóa dân tộc có thể chảy mãi trong từng lời ca, điệu múa, trong từng tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta sẽ sáng tạo trong tương lai". Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL  Vương Duy Biên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ