Người nặng lòng với bộ SGK tiếng Khmer

GD&TĐ - Nhà giáo nhân dân Lâm Es là “linh hồn” của bộ SGK tiếng Khmer. Ông dành cả tâm huyết để có bộ sách cho hậu thế.

Hơn 80 tuổi nhưng NGND Lâm Es vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục.
Hơn 80 tuổi nhưng NGND Lâm Es vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục.

Dành trọn tâm huyết cho bộ sách của dân tộc

Bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Khmer do Nhà giáo Nhân dân Lâm Es chủ biên được tái bản nhiều lần, trở thành bộ SGK được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer.

Nhà giáo Lâm Es là giáo viên dân tộc Khmer đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đảm nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, sau khi nghỉ hưu, thầy Lâm Es làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

Thầy Lâm Es sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân Khmer ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Thuở nhỏ, Lâm Es được mẹ gửi lên chùa Đại Tâm học chữ, học kinh kệ Khmer. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cậu bé Lâm Es rất ham học.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy Lâm Es về công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Hậu Giang. Vừa làm việc, thầy vừa hoàn thành bậc học phổ thông, rồi học đại học, đồng thời tập hợp tư liệu, kinh nghiệm giảng dạy để hệ thống thành sách hướng dẫn dạy tiếng Khmer cho các cán bộ trẻ. Cũng từ đây thầy bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khmer - Việt cho học sinh phổ thông, như ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao năm.

Bộ SGK tiếng Khmer do thầy chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ SGK được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer cho đến nay. Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Đến nay, thầy Lâm Es có khoảng 100 đầu sách được xuất bản.

Trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia, số còn lại là sách phục vụ cho địa phương. Nhiều bộ sách của thầy rất có giá trị như: Bộ sách ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ Tiểu học đến THCS; Bộ sách dành cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ từ lớp 10 đến lớp 12; bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9; Giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở Trường Trung học sư phạm, Cao đẳng sư phạm; Tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ…

Đặc biệt, từ năm học 2005 - 2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số do thầy biên soạn được chính thức đưa vào giảng dạy.

Công trình sách và SGK của NGND Lâm Es.
Công trình sách và SGK của NGND Lâm Es.

Góp sức lưu giữ tiếng nói, chữ viết Khmer

Công trình nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa của Nhà giáo Nhân dân Lâm Es đều hướng đến mục đích giúp người học chữ Khmer dễ đọc, viết đúng. Những bộ sách chữ Khmer do thầy soạn thảo được Bộ GD&ÐT đánh giá cao. Ðó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khmer ở Nam bộ.

Đánh giá về những bộ sách chữ Khmer do thầy Lâm Es soạn thảo, TS Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT cho biết đó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khmer ở Nam bộ.

Không chỉ tập trung đầu tư cho biên soạn sách, thầy Lâm Es còn thường xuyên tham gia dạy lớp ngữ văn Khmer cho những nơi có nhu cầu. Mong muốn của thầy là đem kiến thức cho mọi người dân Khmer để bà con nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Đến nay hơn 80 tuổi nhưng thầy vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục và nhiệt tâm với công tác khuyến học, khuyến tài. Thầy là niềm tự hào của bà con Khmer, người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung về đức tính giản dị, tinh thần tự học và nhiệt tâm dành gần trọn cuộc đời cống hiến và chăm lo cho công tác giáo dục dân tộc.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1994); Nhà giáo Nhân dân (2002, là Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của khu vực ĐBSCL và duy nhất của người Khmer trên cả nước cho đến nay); Huân chương Lao động hạng Ba (2008); được tặng hơn 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

GD&TĐ - Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.