Người nặng lòng phục dựng chân dung 511 nhà báo liệt sĩ

GD&TĐ - Suốt nhiều năm, nhà báo Trần Văn Hiền tìm kiếm, sưu tầm những câu chuyện về các nhà báo liệt sĩ, mang về chùa Âu Lạc (TP Vinh, Nghệ An) để thờ phụng.

Chân dung các nhà báo liệt sĩ được ông Trần Văn Hiền sưu tầm, cất giữ tại chùa Âu Lạc.
Chân dung các nhà báo liệt sĩ được ông Trần Văn Hiền sưu tầm, cất giữ tại chùa Âu Lạc.

Người nặng lòng với nhà báo liệt sĩ

Ngày cuối tháng 6, nhà báo Trần Văn Hiền (SN 1948, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An) đến thắp hương, tưởng niệm 511 đồng nghiệp là nhà báo liệt sĩ được thờ tự tại chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An).

Xuất thân là một chiến sĩ bén duyên sang làm báo, nhà báo Văn Hiền thấu hiểu được nỗi đau, mất mát mà chiến tranh mang lại. Cầm trên tay cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom”, nhà báo Văn Hiền cho biết phải mất rất nhiều công sức, thời gian, ông mới dựng lại được chân dung 33 nhà báo liệt sĩ trong cuốn sách.

Đi tìm hiểu và viết về họ, ông vừa tiếc thương, vừa ngưỡng mộ, tự hào trước sự hy sinh anh dũng, bất khuất của họ. Trong đó, có những nhà báo hy sinh khi đang chụp ảnh, quay phim. “Tôi rất muốn viết chân dung tất cả các nhà báo liệt sĩ dù biết là rất khó. Nhưng còn sức, tôi vẫn sẽ đi và viết”, ông Hiền nói.

Ban thờ 511 nhà báo liệt sĩ tại chùa Âu Lạc.

Ban thờ 511 nhà báo liệt sĩ tại chùa Âu Lạc.

Năm 1997, nhà báo Văn Hiền xin nghỉ phép, ra TP Hải Phòng gặp người thân của nhà báo Vũ Hiến (Báo Hải quân Việt Nam) khi nghe tin người bạn học cùng lớp báo chí với mình đã hy sinh.

Ông hỏi thăm người bạn của mình hy sinh như thế nào, phần mộ ở đâu, nhưng mọi thông tin đều không có, chỉ còn kỷ vật duy nhất là một chiếc máy ảnh cũ. Chính điều này đã thôi thúc ông đi tìm và dựng lại chân dung của các nhà báo liệt sĩ để thân nhân và bạn đọc hiểu rõ quá trình chiến đấu, hy sinh của họ.

Đi nhiều nơi tìm tư liệu nhưng mãi đến năm 2002, ông mới dựng được chân dung nhà báo Vũ Hiến qua lời kể của Trung tướng, Chuẩn đô đốc hải quân Nguyễn Văn Tình - nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Hải quân.

Tháng 1/1979, nhà báo Vũ Hiến tay mang súng, tay mang máy ảnh bám sát các đơn vị hải quân khi Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công quân Pôn Pốt trên toàn mặt trận Tây Nam.

Lúc nhà báo Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng của trung đoàn 812, sư đoàn 8 tiến tới ngã ba Va Lung - cửa ngõ vào thủ đô Phnom Penh của Campuchia thì gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Giữa mịt mù khói lửa, nhà báo Vũ Hiến liên tục bấm máy ảnh rồi ngã xuống trong tư thế đang nâng máy ảnh trên tháp pháo xe tăng.

Ông Hiền kể, trong mưa bom bão đạn, nhiều nhà báo đã phải đổi tính mạng của mình để có được những thông tin, hình ảnh, thước phim quý giá. Sáng 30/12/1971, nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào đánh phá ga Vinh, sân bay Vinh (Nghệ An).

Lúc này, nhà báo Nông Văn Tư (Báo Điện ảnh Quân đội) cùng đồng nghiệp là nhà báo Hà Tài chọn trận địa pháo phòng không 85 li để quay lại những thước phim nóng bỏng nhất. Trận địa pháo bị ném bom, nhà báo Nông Văn Tư ngã xuống khi vẫn ôm hộp phim, vai đeo bình ắc quy dự phòng, toàn thân đầy máu đỏ, mắt hướng về phía ga Vinh.

Nhà báo Văn Hiền gọi đây là “dáng đứng dưới tầm bom” và lấy hình tượng này làm tựa đề cuốn sách viết về chân dung các nhà báo liệt sĩ.

Theo ông Hiền, trong giai đoạn 1963-1975, có 66 nữ nhà báo đi vào chiến trường và 19 người trong số đó hy sinh. Trong số này, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ (Báo Trường Sơn) để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất.

Nữ nhà báo này trúng tuyển đại học nhưng gác lại đường học hành, viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường rồi hy sinh ở lũng Ka Tốc (tỉnh Khăm Muộn, Lào) do giẫm phải mìn trên đường đi công tác vào cuối năm 1971. Để khắc họa chân dung nhà báo liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, ông Văn Hiền đã sang tận lũng Ka Tốc, tìm đến nơi nữ nhà báo đã hy sinh.

Cây bút, mũ, chiếc máy ảnh là những kỷ vật nhà báo Văn Hiền tìm được từ những đồng đội ngã xuống.

Cây bút, mũ, chiếc máy ảnh là những kỷ vật nhà báo Văn Hiền tìm được từ những đồng đội ngã xuống.

Tâm nguyện của người ở lại

Từng là phóng viên chiến trường mặt trận Quảng Trị, nhà báo Văn Hiền hiểu rất rõ sự khốc liệt trên chiến trường và sự gian khổ, hiểm nguy của nhà báo tác nghiệp nơi lằn ranh sinh tử.

Khi vào chiến trường tác nghiệp, mọi nhà báo đều xác định tâm thế sẵn sàng hy sinh. Tháng 3/1972, trước khi vào Quảng Trị tác nghiệp, nhà báo Văn Hiền tạm biệt vợ và con nhỏ mới sinh, nói rằng “đi công tác” chứ không dám tiết lộ mình xung phong ra chiến trường ác liệt nhất thời đó. Đi cùng đợt này, nhà báo liệt sĩ Lê Viết Thế (Báo Điện ảnh Quân đội) đã gửi thư cho mẹ già, nhờ người thân dạy dỗ 3 con nếu mình ngã xuống.

Các nhà báo ra chiến trường là đi theo các đơn vị chiến đấu nên khi hy sinh gần như không ai biết, cũng không ai lập danh sách. Phần lớn họ không có mộ chí, không tìm được hài cốt và hầu hết bị lãng quên.

Trăn trở với nỗi đau đó, hàng chục năm qua, nhà báo Văn Hiền chắt chiu thời gian để đi khắp nơi sưu tầm thông tin, mẩu chuyện và phục dựng chân dung các nhà báo hy sinh trên chiến trường.

Thắp nén nhang lên bàn thờ chung của 511 nhà báo liệt sĩ ở chùa Âu Lạc (xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), ông Văn Hiền cho hay, phần lớn những nhà báo này hy sinh khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Họ được cha mẹ thờ cúng nhưng sau khi cha mẹ qua đời thì không còn ai lo nhang khói.

Một số cơ quan có nhiều nhà báo liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến như: Thông tấn xã Việt Nam có 287 nhà báo; Điện ảnh Quân đội có 78 nhà báo; Đài tiếng nói Việt Nam có 70 nhà báo…

Chùa Âu Lạc tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An.

Chùa Âu Lạc tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An.

Năm 2019, khi đã tổng hợp được danh sách 511 nhà báo liệt sĩ và được Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam thẩm định, ông đã xin phép các cơ quan có thẩm quyền và trụ trì chùa Âu Lạc lập ban thờ các nhà báo liệt sĩ.

“Mong muốn lớn nhất của tôi hiện giờ là các đồng nghiệp, các cơ quan báo chí tiếp tục tìm hiểu, viết chân dung các nhà báo của cơ quan mình đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh và có chính sách với thân nhân họ”, nhà báo Văn Hiền tâm sự.

Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Âu Lạc cho biết, khi nghe nhà báo Văn Hiền nêu nguyện vọng, chùa đã sắp xếp ngay một không gian để lập ban thờ. Đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, phù hợp với tinh thần tri ân và báo ân của nhà Phật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.