Người mẹ “tri thức” ở Háng Lìa

GD&TĐ - Cô Trần Thị Vân Anh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bản thân cô đã bỏ qua không ít cơ hội chuyển về vùng thuận lợi.

Giáo viên Trường PTDTBT – TH và THCS Tân Lập xuống bản điều tra phổ cập và huy động học sinh ra lớp.
Giáo viên Trường PTDTBT – TH và THCS Tân Lập xuống bản điều tra phổ cập và huy động học sinh ra lớp.

Tất cả chỉ để giữ trọn hình ảnh người mẹ “tri thức” của những đứa trẻ nghèo khó trên vùng đất quanh năm mây mù bao phủ... 

Người giáo viên đầu tiên nhập khẩu ở Háng Lìa

Khi tiếng trống trường báo hiệu giờ học cuối kết thúc, hoàng hôn vừa buông xuống cũng là lúc cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT – TH và THCS Tân Lập, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) lên đường xuống bản.

Mùa này, mới chỉ hơn 5 giờ chiều mà sương mù đã bao phủ khắp các sườn đồi, lưng núi. Những nếp nhà lợp pro xi măng rải rác chỉ còn ẩn hiện sau lớp sương mờ ảo, trắng đục phía xa.

Mặc dù đã ở cương vị quản lý, song cô Vân Anh vẫn tham gia cùng đoàn trong hành trình quen thuộc. Cô tâm sự: “Gần 20 năm gắn bó với vùng cao, tôi không nhớ nổi bao lần lặn lội mưa gió, vượt đường trơn trượt, hiểm trở cùng đồng nghiệp xuống bản. Chúng tôi đi vận động học sinh ra lớp. Mỗi lần đi đều có những rủi ro khác nhau, nhưng mãi rồi cũng thành quen. Giờ làm quản lý lại càng cần phải đi”.

Rồi cô kể những lần vượt cung đường núi hiểm trở cả chục cây số, gặp mưa bão, ngã xe trầy trật tay chân. Vết tích trên mặt đường, dưới vực sâu giờ chẳng còn, nhưng lại lưu thành những vết sẹo dài hằn trên đầu gối, khuỷu tay… “Nhiều lần xuống bản, phải đến nơi rồi tôi mới dám chắc là mình còn sống”, cô Vân Anh nói.

Sau 2 năm công tác, cô kết hôn với thầy giáo cùng trường. Một năm sau vợ chồng đón nhận con gái đầu lòng. Đó cũng là thời điểm cô bắt đầu nghĩ đến chuyện “an cư lạc nghiệp” ở mảnh đất này.

“Muốn yên tâm công tác thì phải ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, tôi bàn với chồng về việc mua đất, dựng nhà trong xã. Nhưng vì điều kiện khó khăn nên mãi đến năm 2011 vợ chồng tôi mới tích cóp đủ để thực hiện được. Sau đó chúng tôi cắt khẩu ở gia đình để nhập về đây và trở thành giáo viên đầu tiên nhập khẩu tại xã Háng Lìa”, cô Vân Anh bộc bạch.

Cũng để ổn định cuộc sống gia đình, cô quyết định cho 2 con theo học trường trong xã cùng con em đồng bào địa phương. Cô bảo, thời gian đầu nhận được rất nhiều sự phản đối của bố mẹ, người thân. Thậm chí, nhiều giáo viên cùng trường cũng e ngại, khuyên cô cho các cháu về thành phố ở cùng ông bà để có điều kiện học tập tốt hơn.

“Nhưng tôi lại nghĩ, ở đâu thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của các cháu. Mà giờ điều kiện học tập ở trường vùng cao cũng tốt hơn nhiều rồi. Với tôi việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống của các con là cần thiết hơn cả, nhất là tình cảm và sự gắn kết gia đình”, cô Vân Anh giãi bày.

Ổn định cuộc sống, cô và chồng yên tâm công tác hơn. Hiện giờ, thầy cô đều đảm nhiệm vai trò quản lý của nhà trường. Kể về những lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, rồi cơ hội luân chuyển về giảng dạy tại các trường vùng thấp, thuận lợi hơn, cô Vân Anh bảo: “Suốt gần 20 qua tôi có không ít cơ hội như thế. Nhưng không hiểu sao lại không muốn rời vùng đất này. Tôi thấy mình gắn bó với đồng nghiệp, học sinh và cuộc sống đồng bào ở đây”.

Cô giáo Trần Thị Vân Anh (thứ 2 từ phải sang) tiếp nhận hệ thống lọc nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường.
Cô giáo Trần Thị Vân Anh (thứ 2 từ phải sang) tiếp nhận hệ thống lọc nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường.

Mẹ “tri thức” của trẻ nghèo

Trong những dòng chia sẻ về nghề, cô không quên nhắc đến niềm tự hào của mình. Đó là những thế hệ học trò vùng cao trưởng thành, giờ lại trở về xây dựng quê hương. Vàng A Chống là một trong số đó. Hiện anh đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình.

Khi vừa nghe nhắc tên cô giáo Vân Anh, anh Chống thốt lên: “Đó là người mẹ tri thức của tôi”. Anh Chống bảo “Bố mẹ có công sinh thành, nhưng người mang lại kiến thức, cho tôi vị trí, cuộc sống ngày hôm nay lại là cô ấy”.

Rồi anh kể, trước kia mình là học sinh cá biệt. Ngày học lên cấp 2, anh được cô Vân Anh chủ nhiệm. Anh Chống nắm bắt kiến thức nhanh, song vì mải chơi, phần cũng do hoàn cảnh, điều kiện khó khăn nên muốn nghỉ học như một số bạn bè trong bản. Không ít lần cô giáo phải lội suối, băng rừng đi tìm, khuyên bảo anh về lại trường học.

“Không chỉ tâm huyết, cô còn là người rất tình cảm, gần gũi với học sinh. Vì vậy, mọi vướng mắc, khó khăn của tôi cô đều nắm bắt và chia sẻ kịp thời. Nhờ cô mà tôi mới hiểu rằng: Chỉ có con đường học tập mới giúp những đứa trẻ vùng cao như chúng tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó, đi làm cán bộ”, anh Chống tâm sự.

Cũng vì lời hứa với cô Vân Anh, sau khi học xong, anh Chống và nhiều học sinh khác đã quay trở về để đóng góp, xây dựng mảnh đất quê hương. Có người giờ là lãnh đạo xã, cán bộ chuyên môn của huyện, cũng có người làm trưởng bản, bí thư chi bộ… “Mà nếu không đi học, không kiên trì theo con đường tri thức, thì có lẽ giờ đây chúng tôi đều ở nhà chăn trâu, làm nương và con cái nheo nhóc rồi”, anh Chống nói.

Không giống miền xuôi, ngoài những rào cản về ngôn ngữ, giao thông, điều kiện hạ tầng, vật chất thì việc dạy học trên vùng cao còn gặp muôn vàn khó khăn khác. Chính bởi vậy, tâm niệm của cô Vân Anh là giáo viên vùng cao phải “dỗ” trước rồi mới tính đến việc “dạy”.

Kinh nghiệm này được cô tiếp tục chia sẻ với các thế hệ giáo viên trẻ vào sau. Nhất là hiện nay, khi đã trở thành Phó Hiệu trưởng nhà trường. “Ngày mới đi dạy cái gì tôi cũng bỡ ngỡ, khó khăn. Chị Vân Anh là người luôn theo sát để hướng dẫn, chia sẻ, giúp tôi tự tin hơn trong công việc. Tôi học được từ chị rằng: Muốn làm người giáo viên vùng cao tốt, thì trước tiên phải trở thành mẹ của học sinh”, cô giáo Cà Thị Ngọt bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ