Người mẹ thứ 2 ở Nậm Tảng

GD&TĐ - Những kỷ niệm cắm bản với biết bao khó khăn trên đường đến trường của cô giáo Lai Châu...

Cô Lò Thị Nghị cùng trẻ ở Nậm Tảng.
Cô Lò Thị Nghị cùng trẻ ở Nậm Tảng.

Dù dạy học ở điểm bản xa nhất của xã, các cô giáo Trường Mầm non Hua Bum (Nậm Nhùn, Lai Châu) vẫn hằng ngày đón trẻ cùng đến trường và “đảm nhiệm” vai trò người mẹ thứ hai của những đứa trẻ trên rẻo cao.

Gập ghềnh đường đến trường

Trong chuyến công tác tại xã biên giới Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, chúng tôi được gặp gỡ cô Lò Thị Nghị - Trường Mầm non xã Hua Bum. Trong cuộc trò chuyện, cô kể những kỷ niệm cắm bản với biết bao khó khăn trên đường đến trường.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, cô Nghị nhận nhiệm vụ tại Trường Mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Lúc ấy, Nậm Nhùn mới tách nên còn nhiều thiếu thốn. Cô Nghị còn trẻ, chưa lập gia đình, vào Nậm Chà theo sự phân công mà không biết ở đó xa hay gần.

“Khi tôi mới vào trường, cầu cứng chưa được xây dựng. Thường vào năm học, chúng tôi đến trường và ở đó luôn. Nhưng những chuyến tham dự bồi dưỡng chuyên môn và học chính trị đầu năm rất khó khăn bởi vào mùa lũ, nước sông dâng cao, chỉ còn nhìn thấy những ngọn cây đan xen vào nhau”, cô Nghị chia sẻ.

Sau 6 năm vượt qua vô vàn khó khăn ở Nậm Chà, vì hoàn cảnh con nhỏ, mẹ già thường xuyên ốm đau nên cô Nghị xin chuyển trường để được gần nhà hơn. Tháng 9/2020, cô Nghị chuyển về công tác tại Trường Mầm non Hua Bum.

Thế nhưng, chỉ sau 1 năm công tác tại Hua Bum, cô Nghị lại xung phong đi vào điểm bản xa, khó khăn nhất - bản Nậm Tảng. “Ở Nậm Chà 6 năm, tôi quen với những khó khăn, thử thách.

Tôi luôn quan niệm: Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”, cô Nghị chia sẻ và nhớ lại, đường vào Nậm Tảng vô cùng khó khăn. Điểm trường cách trung tâm xã 80km. Mùa mưa thường bị cô lập bởi sạt lở, mưa lũ. Nậm Tảng quanh năm sương mù bao phủ, mùa Hè mà trời vẫn lạnh như mùa Đông. Điểm trường Nậm Tảng chơi vơi trên đỉnh núi nên thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.

nguoi-me-thu-2-o-nam-tang-2.jpg
Trẻ ở điểm trường Nậm Tảng.

Người mẹ thứ 2

Cô Nghị kể, năm học 2021 - 2022, cô đảm nhiệm lớp ghép ở Nậm Tảng với 37 trẻ, dân tộc Dao. Đều đặn mỗi sáng, cô dậy thật sớm lo nấu ăn cho các học trò rồi mới vào nhiệm vụ chính là dạy học. Buổi chiều, trò nhỏ đang say giấc cũng là lúc cô thức để đun nước pha sữa cho các em uống.

Chia sẻ kỷ niệm ở Nậm Tảng, cô Nghị cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp chung với 6 cháu nhỏ và kể: “Con em đấy, Chủ nhật tuần nào em cũng đón 2 đứa 5 tuổi vào trường ở cùng. Các con ở nhóm ‘6 hộ’, cách trường hơn 7km. Đường đi khó khăn nên 4 em được bố mẹ đưa đi học từ đầu đến cuối tuần mới đón. Em vừa là cô, vừa làm mẹ”.

Cô Nghị cho biết thêm: Ở đây, khó khăn nhất là nước sinh hoạt. Đường nước về bản lúc có, lúc không, nên mỗi buổi tan học, cô trò lại đi tìm nước để tắm. “Nhớ có lần mặc áo cho cháu Thu Mai, cháu đã ôm lấy cổ tôi. Lúc đó, tôi tưởng tượng đây chính là con gái của mình. Cảm động, hạnh phúc và nước mắt cứ thế trào ra vì nhớ con. Nhưng điều đó cũng giúp tôi phần nào cố gắng, mạnh mẽ và nghị lực hơn”, cô Nghị tâm sự.

nguoi-me-thu-2-o-nam-tang-1.jpg
Đường đến điểm trường Nậm Tảng.

Nuôi 6 trẻ nhỏ ở cùng, mọi việc ăn ở, sinh hoạt của các em đều 1 mình cô lo liệu. Thức ăn thì cô mang vào từ đầu tuần hoặc trong bản có ai ra trung tâm cô nhờ mua hoặc nhờ đồng nghiệp gửi vào.

“Biết việc của tôi đang làm, ban giám hiệu thường hỏi: ‘Có ai xuống trung tâm không để gửi đồ ăn cho trẻ’. Tôi cảm thấy rất xúc động vì luôn được nhà trường, đồng nghiệp chia sẻ”, cô Nghị nói.

Câu chuyện của cô Trịnh Thị Thanh Dung - giáo viên cắm bản ở Nậm Tảng cũng đầy xúc động. Năm học 2024 - 2025, điểm trường có 28 trẻ, trong đó 8 em ở cách xa điểm trường được hỗ trợ nuôi ăn tại điểm trường. Nhà cô Dung ở thị trấn Nậm Nhùn, cách điểm trường hơn 120km. Cứ chiều Chủ nhật hằng tuần, cô Dung lại đi đến điểm trường trung tâm nhận thực phẩm về nấu ăn cho trò cả tuần.

Cô Dung chia sẻ: “1 tuần chỉ có một bữa thịt, còn lại là trứng và đồ hộp. Thịt thì tôi nấu sẵn, hôm sau hâm lại cho các trẻ ăn bởi điểm trường và người dân trên này không có tủ bảo quản. Có 8 học trò được nuôi ăn buổi tối thì 6 bé ăn xong có người nhà đón về. Còn lại 2 trẻ ở với tôi cả tuần, mọi công việc từ ăn ở, sinh hoạt đều do tôi đảm nhiệm”.

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng các cô giáo cắm bản ở Nậm Nhùn nói chung và Hua Bum nói riêng luôn nỗ lực hết mình, âm thầm cống hiến, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng biên thêm phần khởi sắc.

Nhà trường luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của giáo viên ở Nậm Tảng. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Bum chia sẻ và thông tin: Ban giám hiệu luôn động viên các cô cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà trường cũng huy động thực phẩm từ các đoàn từ thiện để gửi về cho cô trò điểm trường cải thiện bữa ăn cho trẻ.

“Nậm Tảng còn khó khăn lắm. Bản xa trung tâm, không điện, sóng điện thoại kém, thiếu nước sinh hoạt. Một mình ở điểm bản xa đôi lúc tôi cũng sợ. Động lực để vượt qua khó khăn khi đó là ở nhà luôn có các con ngóng mẹ, ban giám hiệu, đồng nghiệp động viên, chia sẻ”, cô Lò Thị Nghị - Trường Mầm non xã Hua Bum trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ