Cô giáo của học sinh nghèo
Năm 2006, cô Hoàng Thị Bảy tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ Văn, Trường ĐH Quy Nhơn. Sau tốt nghiệp, cô về quê do chưa có đợt thi tuyển giáo viên cô đã đi làm giáo viên hợp đồng cộng với gia sư để tích luỹ kinh nghiệm, được rèn dũa kiến thức.
Năm 2007, tỉnh tổ chức thi tuyển giáo viên, cô Bảy đã nộp hồ sơ rồi thi đậu và được phân về dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lắk (Trường PTDTNT THCS huyện Lắk), tỉnh Đắk Lắk.
Cô Bảy với phương châm dùng tình thương, trách nhiệm để giảng dạy, truyền đạt kiến thức cũng như hỗ trợ cho học sinh nhằm giúp các em có động lực phấn đấu, cố gắng.
Cô trải lòng: “Học sinh trường nội trú các em phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, người thân. Vì vậy, thầy cô sẽ là người bù đắp, đồng hành cùng các em vượt qua những khó khăn, cùng các em lớn khôn trưởng thành”.
Cô Hoàng Thị Bảy trong một hoạt động cùng học trò. Ảnh NVCC. |
Theo cô Bảy, học sinh dân tộc thiểu số nhiều em điều kiện sống còn khó khăn, nhiều em gia đình rất nghèo khi nhập trường sống khép kín, tự ti, ngại giao tiếp. Vì vậy để hiểu hơn học trò, cô Bảy đã học thêm tiếng dân tộc để trò chuyện, gần gũi cũng như hiểu thêm văn hoá của dân tộc đó.
“Học trò sẽ gần gũi với mình, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn mà các em đang gặp phải. Từ đó, tôi biết được các em mạnh, yếu ở đâu và tìm cách hỗ trợ”, cô Bảy chia sẻ.
Bên cạnh đó, với đặc thù là trường dân tộc nội trú các em học tập, sinh sống tại trường nên cô Bảy luôn cùng các đồng nghiệp dành thời gian để chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho trò.
“Bố mẹ các em chủ yếu đi làm ăn xa năm về thăm các con một vài lần. Bản thân mỗi thầy cô làm thầy vừa làm cha mẹ”, cô Bảy nói.
Để cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho các em, cô Bảy thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gây quỹ và dành những món quà nhỏ, tạo động lực cho các em học sinh.
Trong 6 năm làm tổng phụ trách đội của trường, cô Bảy xây dựng và tổ chức được các mô hình như giúp bạn học tốt, giúp bạn đến trường, Quỹ vì bạn nghèo,... Mỗi mô hình như thế hỗ trợ được gần 20 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mọi người vẫn thường gọi cô Bảy là "người mẹ giầu" tình yêu của những học sinh khó khăn.
Cô Hoàng Thị Bảy là một trong 58 giáo viên được vinh danh ở chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, diễn ra vào ngày 17/11 tại Thủ đô Hà Nội. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Truyền cảm hứng qua môn học
Là giáo viên môn Ngữ Văn để tiết học sinh động, cô Bảy đã đa dạng hoá cách giảng dạy, cách tiếp cận tiết học nhằm khơi gợi cảm hứng học tập cho học sinh. Thông qua các bài giảng, cô lồng ghép các câu chuyện có thật để thêm sinh động, giúp học sinh không từ bỏ ước mơ và khát vọng thay đổi cuộc sống của mình.
“Hy vọng rằng, sự chân thành và tình yêu mà tôi dành cho học trò sẽ là nguồn độc lực để các em cố gắng. Dẫu biết rằng, con đường phía trước của các em còn nhiều khó khăn nhưng tôi mong các em sẽ không bỏ cuộc”, cô Bảy trải lòng.
Cô Bảy cùng học trò. Ảnh NVCC. |
12 năm làm việc cùng cô Bảy, cô Phạm Thị Thanh Hường, giáo viên môn âm nhạc cho hay: “Nhắc đến cô Bảy trong trường ai cũng ấn tượng bởi cách cô quan tâm học trò. Cô luôn cởi mở, thân thiện dùng tình thương của người mẹ để dạy học sinh chính vì thế nhiều em gặp khó khăn luôn tìm đến cô để chia sẻ và giúp đỡ.
Bên cạnh đó, cô Bảy là tổ trưởng tổ Xã hội của trường, cô luôn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng mà cô tích lũy được với đồng nghiệp đặc biệt là đồng nghiệp trẻ”.
“Có thời gian khá dài công tác cùng trường với cô Bảy, tôi rất ấn tượng tác phong làm việc cũng như là tình yêu thương dành cho học trò của mình. Nhiều học trò cá biệt đã được cô tận tâm hướng khuyên bảo và chăm chỉ học tập, có định hướng cho bản thân”, cô Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ.