(GD&TĐ) - Có lẽ do sức hút từ những ánh hào quang của danh vọng lẫn tiền tài từ thế giới người mẫu mà nhiều bạn tuổi teen khi chuẩn bị vào đời đã nuôi ước mơ được đứng trên sàn diễn catwalk. Trở thành người mẫu thời trang có thể là chuyện không quá khó khăn nhưng được coi là một người mẫu chuẩn mực, tạo được phong cách và “thương hiệu” riêng thì quả thật không đơn giản một chút nào…
“Lạm phát” người mẫu teen?
Nói đến người mẫu, người ta nghĩ ngay đến sắc đẹp và chiều cao. Đó có thể xem là điều kiện cần khi bước vào nghề.
Nhiều bạn trẻ chỉ cần hội tụ hai điều kiện này cộng thêm việc học nghề vài ba tháng là có thể bước lên sàn diễn sau đó tham gia vào các cuộc thi thời trang. Nói như thế, có lẽ mọi người nghĩ rằng được làm người mẫu quá dễ dàng, chẳng cần trình độ hoặc trải qua một cuộc “sát hạch” nào nữa? Đã có hiện tượng một số công ty tuyển chọn người mẫu teen một cách tự phát và theo cảm tính nên dẫn đến tình trạng… ép lúa non. Một số bạn trẻ do ảo tưởng và sinh ra trong những gia đình khá giả nên sau khi được tham gia vào một công ty, câu lạc bộ đào tạo người mẫu nào đó hay được xuất hiện trong một vài chương trình thời trang đã háo thắng “chạy vạy” nhờ báo chí, đài truyền hình lăng xê nhằm… qua mặt các người mẫu teen khác để đóng vai trò “vơ-đét”. Nhưng thực tế chứng minh, khi bước lên sân khấu chữ T, họ đã thể hiện sự lúng túng, ngô nghê, thiếu bản lĩnh lẫn kinh nghiệm. Thêm vào đó, một số bạn trẻ teen may mắn được xuất hiện trên một vài tờ báo, tạp chí là có thể tự xưng mình là người mẫu. Sự xuất hiện của các người mẫu teen một cách tràn lan, lộn xộn này vô hình trung khiến cho bộ mặt thời trang Việt Nam hiện thiếu hẳn tính chuyên nghiệp.
Ảnh MH |
“Có sắc đẹp và chiều cao thôi, chưa đủ. Người mẫu cần phải học tập những điều cơ bản, học cách đi thẳng, đánh hông, ưỡn ngực, tạo dáng, cách cảm nhạc và nhất là bài học về những giá trị đạo đức là một điều vô cùng cần thiết…” - siêu mẫu Xuân Lan - Giám đốc công ty đào tạo người mẫu La La cho biết như thế. Quả thật là như vậy, những người mẫu tạo được tên tuổi lâu dài trong làng thời trang đều hội đủ những yếu tố này. Nếu không được đào tạo bài bản, họ sẽ trở thành những người mẫu rất đỗi nghiệp dư, mà đã là nghiệp dư thì dễ dàng trở thành những “bản sao” một cách không ý thức của các người mẫu đàn anh đàn chị.
Tình trạng “ép lúa non”
Tại TP.HCM hiện có trên mười lớp đào tạo người mẫu tuổi teen. Nhiều công ty thời trang săn lùng người mẫu teen cũng nhộn nhịp nhập cuộc để tìm kiếm đưa các người mẫu teen lên sàn diễn khiến khá nhiều cô cậu tuổi 12-16 vội vã theo đuổi giấc mơ trở thành “sao” trong giới người mẫu. Điều đáng nói là có sự khuyến khích từ phía gia đình và các đơn vị tổ chức, các công ty quảng cáo, đào tạo, cung cấp người mẫu. Đó có thể vì mục đích muốn con em mình nổi tiếng hoặc vì kinh doanh, lợi nhuận, câu khách… đã vô tình hay cố ý gò ép những cô cậu teen loắt choắt bước vào công nghệ kinh doanh hình thể, sắc đẹp. Trường hợp của người mẫu teen 14 tuổi B.T. là một thí dụ. Sở hữu gương mặt đẹp như hoa hậu cùng chiều cao 1m72, B.T là một trong những model trẻ nhất hiện nay hoạt động trên sàn diễn. Năm 2009, tại cuộc thi Teen Model 2009, B.T đã ghi danh thi và đoạt giải vàng. Sau cuộc thi này, B.T. được nhiều tờ báo, trong đó có cả những tờ báo dành cho phụ nữ mời chụp ảnh bìa và thời trang thay vì dừng lại ở những tờ báo dành cho tuổi teen. Mới đây nhất, B.T đã gặp sự cố khi tham gia sàn catwalk chuyên nghiệp. Trong chương trình, có một đoạn B.T. mặc váy ngắn và bị quạt thổi bay để lộ phần đồ lót. Đây là một chương trình có ghi hình, dự kiến đưa lên phát sóng trên truyền hình và ban tổ chức nói đã cắt bỏ những đoạn này. Thế nhưng hình ảnh này lại được phát tán lên mạng. Ngay sau đó, các trang mạng đã sao chép, tung lên những hình ảnh trên với các tít, tựa hết sức giật gân: “Người mẫu tuổi teen B.T. bị tốc váy trên sàn diễn”, “Xôn xao những hình ảnh khoe thân của B.T.”… khiến gia đình và bản thân B.T. rất buồn trước vụ việc này chỉ mong muốn khép lại sự việc vì vấn đề đã bị đẩy đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát của những người trong cuộc. Cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là B.T. vì hình ảnh của cô bé chưa kịp lớn đã bị lợi dụng vào nhiều ý đồ, mục đích khác nhau.
Ảnh MH |
Những “căn bệnh” khó chữa
Phải công nhận một điều, giới mode teen hiện nay bị… “bệnh” nhiều quá. Hơn ai hết, chính họ phải là người nhìn thấy “bệnh” và “tự cứu” mình. Chẳng hạn một vài gương mặt muốn chứng minh mình là “vơ-đét” nên thường tìm cách… “trốn” mỗi lần ra sàn diễn để được đi cuối cùng và sẵn sàng “xung phong” đi đầu với màn chào kết thúc bộ sưu tập để ống kính chụp hình và máy quay phim kịp thời “thu gọn”. Bệnh bê trễ, giờ “dây thun” trong giới người mẫu teen cũng được… báo động đỏ. Ý thức vô trách nhiệm của họ thể hiện ở phong cách tỏ vẻ ngôi sao đến muộn về sớm chẳng cần biết tập thể đó có gặp khó khăn gì không.
Người mẫu teen M. trước đây chịu “an phận” trên chiếc Spacy, nhưng khi được xuất hiện trên vài bài báo, khán giả gởi thư, điện thoại làm quen thì cô người mẫu này bỗng trở nên… vướng “bệnh”. Chiếc Spacy giờ đây không còn giá trị nữa, nàng mua trả góp ngay một chiếc SH đi show cho oai và để khẳng định nghề nghiệp của mình đã “thăng” một bậc. Nhưng “thăng” đâu chẳng thấy, đi diễn bữa có bữa không…, tiền đổ xăng không đủ chứ nói chi đến chuyện trả góp cho chiếc xe??? Đành rằng là người mẫu, cái hình thức bề ngoài khá quan trọng, cũng có phần thông cảm, nhưng “hình thức” phải vừa đủ với chính khả năng của mình thôi chứ.
Nhiều người mẫu teen “thường thường bậc trung” nhưng cũng muốn “bằng chị, bằng em”, đi diễn bằng xe hơi… dù cát-sê không đủ trả tiền… mướn xe. Chuyện “núp bóng đại gia” của nhiều người mẫu teen cả nữ lẫn nam cũng không phải là chuyện hiếm hoi nữa. Bên cạnh đó còn thêm “bệnh”… nhiều chuyện. Bệnh này thì ôi thôi đã trở nên đại trà đến nỗi không còn ai than phiền nữa vì nó đã là chuyện “hàng ngày ở huyện”. Sau giờ biểu diễn, nhiều người mẫu teen tụ tập ở một quán sinh tố, quán nhậu nào đó để bàn tán chuyện trong ngày. “Người mẫu O vừa đi sửa mũi về trông… phát ói”, “siêu mẫu A đã xù “lão” H để “đáp” bến mới”, và 1001 chuyện trên trời dưới đất được lôi ra, truyền từ miệng người này sang người kia…
Có thể nói, người mẫu teen Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng chưa được đầu tư đúng mức để trở thành một nghề (danh giá) chuẩn mực. Trước đây, người ta thường nói đến người mẫu đi kèm với sự ngưỡng mộ, sự trân trọng cái đẹp. Bây giờ khi nói đến người mẫu, người ta thường lè lưỡi… có nhiều ngụ ý. Công bằng mà nói, những người mẫu teen thế hệ mới hiện nay đẹp và năng động nhưng cũng còn không ít người “trẻ người non dạ” chưa tương xứng với hình ảnh “mẫu” trong mắt nhìn công chúng. |
Song Minh