Người mắc cúm gia cầm có được dùng kháng sinh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - WHO khuyến cáo, việc sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân mắc cúm gia cầm không có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng không cần thiết.

Bệnh nhân mắc cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ năm 2014 điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhân mắc cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ năm 2014 điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tỉ lệ tử vong có xu hướng tăng

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn khuyến cáo phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, thời tiết chuyển mùa… là yếu tố thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bác sĩ Phan Văn Mạnh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm gia cầm cũng có biểu hiện tương tự cúm mùa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng. Hoặc, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm như: Sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc.

Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp là khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.

“Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm, cần nghi ngờ nhiễm bệnh. Người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.

Theo bác sĩ Mạnh, Oseltamivir (Tamiflu) là thuốc đặc hiệu để điều trị cúm gia cầm ở người. Do đó, bệnh nhân cần được dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng corticosteroid, liệu pháp miễn dịch thụ động hay kháng sinh nhóm macrolid trong các trường hợp cúm.

Việc sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân không có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng không cần thiết. Đồng thời, có thể làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Vì vậy, người bệnh không tự ý mua thuốc uống khi có các biểu hiện nhiễm cúm. Thay vào đó, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.

“Các điều trị bổ trợ cơ bản trong điều trị cúm mà người dân có thể tự thực hiện tại nhà gồm: Nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng. Người bệnh hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, cân bằng dịch và điện giải bằng cách uống oresol”, chuyên gia cho biết.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ăn chín, uống sôi

“Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”.

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm đối với virus cúm H5 và H7 giúp ngăn chặn chủ động sự lây lan virus này từ các loài chim hoang dã tự nhiên sang gia cầm. Khi xác định có virus cúm xuất hiện ở gia cầm, cần tiêu diệt đàn gia cầm bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Để dự phòng bệnh, người dân được khuyến cáo tránh tiếp xúc không được bảo vệ với các loài chim hoang dã. Không tiếp xúc cả khi gia cầm trông khỏe mạnh hay có biểu hiện ốm yếu hoặc chết. Đặc biệt, không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy hoặc phân của những loài gia cầm này.

Khi phải tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, cần sử dụng trang phục bảo hộ (như găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo vệ mắt). Nếu phải tiếp xúc thì người dân cần rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc.

Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh cũng cần sử dụng trang phục bảo hộ, với các thủ thuật can thiệp hoặc tạo khí dung cần dùng khẩu trang N95. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.