Người lớn quá trớn

GD&TĐ - Hào hứng được bố cho về quê ăn cỗ nhưng đến bữa thằng bé cứ thu lu trong phòng. Hóa ra vì “Mọi người bảo con là… toọc”.

Người lớn quá trớn

Anh trai tôi công tác ở vùng núi xa xôi. Các con anh lớn lên ở nơi ấy nên giọng nói không hoàn toàn giống quê nội. Mỗi lần anh đưa vợ con về quê, mọi người thường trêu thằng bé là “Tùng toọc” và nhại lại theo giọng nói có âm điệu dài thườn thượt của nó rồi cùng nhau cười.

Một đứa trẻ mới 5 tuổi không đủ hiểu hết ý nghĩa của từ “toọc” ấy là gì nhưng chắc chắn nó cảm thấy là không bình thường, không vui.

Mặc dù mọi người dùng không có ý miệt thị chị dâu tôi hay miệt thị người thiểu số, và ai cũng rất quý chị dâu tôi, quý các cháu nhưng cách trêu quá trớn đã khiến thằng bé tự ti.

Trở về quê ngoại thì thằng bé lại có mái tóc hung vàng khác hẳn tóc người dân đen đậm ở nơi ấy. Thế là nó lại bị gọi là Tùng tóc đỏ, và mọi người thường trêu rằng “tóc đỏ ăn cỏ cho lớn”.

Thế nên có lần tôi hỏi “Tùng có đẹp trai không”, nó đã tự trả lời “Không, vì con tóc đỏ”. Tôi và anh chị đã phải mất nhiều thời gian giải thích, động viên thằng bé để nó hiểu rằng việc nó tóc đỏ khác mọi người chẳng có gì là xấu, chữ toọc ấy chỉ để đùa cho vui chẳng có ý gì khinh thường nhưng lỗi là mọi người đã quá trớn nói dai, nói dài.

Và tôi trở thành “bà cô khó tính, không biết đùa” khi thấy ai đó trêu cháu quá trớn là tôi đổi nét mặt, “Trêu đùa thằng bé ít thôi, nói toàn những điều không hay ho ảnh hưởng tới tâm lý con trẻ, có gì vui đâu mà cố trêu, làm chuyện khác cũng vui được mà”.

Mọi người bảo chỉ là “trêu cho vui thôi, đứa trẻ nào rồi cũng vẫn lớn lên mà”. Đúng là đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên nhưng lớn lên như thế nào thì lại là chuyện khác!

Có lẽ không chỉ cháu tôi mà nhiều đứa trẻ quanh chúng ta cũng bị sự quá trớn của người lớn làm tổn thương. Những đứa trẻ có một đặc điểm gì đó nổi trội đặc biệt thường bị “chết tên” với đặc điểm đó. Những cái tên như Phương đen (vì da đen), Dũng lùn, Hà tham (tham ăn), Tuấn thưỡi (môi thưỡi), Quân toét (mắt bị bệnh hay chảy dử), Toàn què… không xa lạ quanh đây.

Những biệt danh đôi khi mọi người nghĩ chỉ để vui nhưng có những biệt danh khiến đứa trẻ đau đớn vì nó xoáy sâu vào điểm yếu, sự bất hạnh. Có những đứa trẻ chỉ khi thành niên mới được người lớn buông tha biệt danh ấy.

Có những đứa trẻ mất tên vì người xung quanh toàn gọi bằng biệt danh xấu xí. Thế nên gia đình tôi chỉ chấp nhận những “tên ở nhà”, “biệt danh” đáng yêu như Cà Na, Bắp, Cốm… chứ tuyệt nhiên không bao giờ gọi con cháu bằng những biệt danh nhấn mạnh đặc điểm xấu của chúng.

Một sự quá trớn hay thấy nữa của nhiều người lớn là trêu bọn trẻ rằng “bố đi với gái rồi”, “mẹ không về đâu, mẹ có bồ rồi”... Đứa bé nào cũng ra sức bảo vệ bố mẹ mình vì chúng không bao giờ tin điều đó và người lớn ra sức trêu để được trận cười vì phản ứng của chúng.

Trong khi người lớn hả hê cười thì bọn trẻ ú ơ lo sợ, gào khóc phản đối hoặc cau có nhăn nhó “xù lông”, thậm chí nhiều đứa trẻ có phản ứng cãi/chửi lại.

Cảm giác ấy có thể qua nhanh thôi khi tối đến lại được quây quần bên bố mẹ nhưng sự trêu đùa ấy có ý nghĩa gì, ngoài việc khiến bọn trẻ chết đi vài nơ ron thần kinh trong đôi phút lo sợ và bực mình vì bị trêu chọc, hoặc vô tình rèn luyện cho chúng phản xạ bạo lực lại.

Hay nhiều đứa trẻ mồ côi cha mẹ thì lại bị trêu mẹ đi lấy chồng, bố lấy vợ hai nhé. Điều đó làm khắc sâu thêm mối hận, mối sợ “dì ghẻ”, “bố dượng” trong cuộc sống vốn đã éo le của gia đình chúng, khiến chúng sợ hãi níu giữ bố/mẹ mình trong nghiệt ngã không tin vào hạnh phúc mà đáng ra họ sẽ có.

Còn có những đứa trẻ thì tìm mọi cách trốn chạy vì một bác, một cô nào đó chơi trò “sờ chim, xem còn không nào, hay cún ăn mất rồi”, “cho bác kiểm tra xem nào”, “cho bác thơm cái nào”…

Có những đứa trẻ khóc ré lên thì người lớn bảo “Gớm có bằng quả ớt mà cũng…” rồi ha hả cười trong sự sợ hãi, bức bí của bọn trẻ. Sự quá trớn lần này không chỉ là sự trêu chọc làm bọn trẻ ức chế vì không thích, mà còn là sự “phi giáo dục”, là “trò chơi độc hại” với trẻ.

Những lần trêu đùa kiểm tra vùng kín trẻ con khiến chúng trở thành những đối tượng dễ bị xâm hại hơn và sự trêu đùa ấy cũng chính là một sự xâm hại, dù người trêu đùa không ác ý.

Chúng ta có quá nhiều cách hữu ích để vui cùng bọn trẻ như cùng nhau hú hòa, làm vài động tác hề, khuyến khích bọn trẻ làm trò, sao cứ phải kích thích phản xạ tiêu cực của trẻ để được trận cười!?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ