Người lính 'hóa thạch' chiến trường qua ký họa

GD&TĐ - Hội họa Việt Nam đã tỏa sáng bởi những người lính - nghệ sĩ, thông qua những bức ký họa trên chiến trường.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân ký họa các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô - khoảng những năm 1949.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân ký họa các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô - khoảng những năm 1949.

Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc, hội họa Việt Nam đã tỏa sáng bởi những người lính - nghệ sĩ, thông qua những bức ký họa trên chiến trường.

Người khai mở ký họa chiến trường

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay, ký họa là loại hình tạo ra nền cốt đầu tiên cho những tác phẩm lớn của các họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam.

Thông thường, ký họa chỉ dừng lại ở dạng tư liệu để xây dựng tác phẩm. Tuy nhiên, ký họa kháng chiến do nhu cầu kịp thời động viên, phục vụ quân dân nên vẫn hoàn chỉnh như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

“Năm 1966, đợt tranh ký họa đầu tiên từ chiến trường miền Nam đã được gửi ra Bắc để trưng bày tại hội trường Hội Văn nghệ Việt Nam. Lúc đó, Bác Hồ là người đến xem ký họa đầu tiên, Bác đã rất xúc động, ngắm nhìn rất lâu từng bức ký họa mà Bác biết rằng, để có những khoảnh khắc vô giá về kháng chiến trong từng bức ký họa, người nghệ sĩ đã trở thành chiến sĩ. Nhiều họa sĩ đã ngã xuống khi trong ba lô của họ vẫn còn nguyên những bức tranh, những bức ký họa vội vàng…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người đầu tiên thực hiện ký họa kháng chiến là danh họa Tô Ngọc Vân, ông cũng được coi là liệt sĩ đầu tiên của giới mỹ thuật nước nhà.

Từng tham gia giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, rồi Trường Mỹ thuật Phnom Penh (Campuchia), sau này làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam, nhưng Tô Ngọc Vân luôn say mê sáng tạo. Ngay từ năm 1931, tác phẩm “Bức thư” đã được tặng bằng danh dự triển lãm hội họa Pháp và được tặng Huy chương Vàng tại triển lãm thuộc địa Paris.

Ngày 17/6/1954 trên đường đi sáng tác về không khí chiến thắng của quân dân ta sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Tô Ngọc Vân đã ngã xuống ở gần đèo Lũng Lô trong trận bom của đối phương. Lúc ấy, ông vừa hoàn thành bức ký họa cuối cùng có tên “Đèo Lũng Lô” mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mừng vui phấn khởi trở về sau ngày chiến thắng.

Tô Ngọc Vân ký họa đại hội nông dân xã Ninh Dân ngày 20/9/1953, chuẩn bị cho cải cách ruộng đất.

Tô Ngọc Vân ký họa đại hội nông dân xã Ninh Dân ngày 20/9/1953, chuẩn bị cho cải cách ruộng đất.

Vẽ vì đồng đội đã ngã xuống

Năm 2022, triển lãm “Khi người chiến sĩ là họa sĩ” đã trưng bày gần 100 bức ký họa chiến trường của họa sĩ - chiến sĩ Trang Phượng. Các ký họa tuy vội vàng, nhưng thể hiện được vẻ đẹp và cái nhìn tích cực khi tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ở tuổi 84, họa sĩ Trang Phượng vẫn luôn theo đuổi mảng đề tài cách mạng. Ông cho rằng mình đã may mắn còn sống sau cuộc chiến nên cần lao động thay cho những người đồng chí đã hi sinh. Ông nói rằng: “Tôi vẽ tranh không chỉ cho riêng mình, mà còn vẽ cho anh em, đồng đội của tôi đã ngã xuống”.

Không tổ chức nhiều triển lãm trong sự nghiệp hội họa, nhưng “Khi người chiến sĩ là họa sĩ” đã vượt qua khuôn khổ của một triển lãm thông thường, trở thành ngày hội tụ của những người lính đã cùng chiến đấu với họa sĩ Trang Phượng trong những năm kháng chiến.

Gần 100 bức ký họa được ví như một cuốn album miêu tả cảnh sinh hoạt của người lính, các trận đánh, khát vọng hòa bình. Mỗi tác phẩm đều gắn liền với một địa danh, một thời điểm lịch sử cụ thể.

Ký họa kháng chiến đã trở thành một đề tài sinh động nhất trong sự nghiệp hội họa của Trang Phượng. Ông nói rằng, nếu không trở thành người lính, không trực tiếp đi qua chiến trường thì khó có một họa sĩ Trang Phượng. Bởi vậy với ông, trở thành người lính vừa là sứ mệnh vừa là cơ duyên.

Họa sĩ Trang Phượng bắt đầu ký họa từ năm 1965, sau khi thành lập Phòng Hội họa Giải phóng. Lăn lộn trên chiến trường, với ông tập giấy vẽ và hộp màu chính là sinh mạng. Ông vẽ không chỉ đơn thuần là sáng tác, mà còn coi đó là nhiệm vụ “ghi chép” về hiện thực chiến đấu của quân và dân ta.

Ông ghi lại cảnh họp cán bộ trước ngày hành quân, đại hội quân nhân bàn kế hoạch đánh trận Đồng Xoài (1965), khoảnh khắc chiến sĩ bắn hạ máy bay F1 ở đồn điền Thuận Lợi. Bên cạnh đó còn có cảnh miêu tả xóm làng sau khi bị bom đạn đối phương đánh phá, cảnh rừng cao su hoang tàn vì chất độc hóa học...

Ký họa của Trang Phượng cũng có các chân dung chiến sĩ lập công, như dũng sĩ diệt Mỹ Lê Ngọc Dân (tiểu đoàn Phú Lợi), Huỳnh Văn Hải (Củ Chi), Mai Văn Thắng (trận Bình Giã), Minh Trang (Bến Tre)… Cảnh sinh hoạt dưới địa đạo Củ Chi, công nhân đồn điền cao su chuốt chông chống Mỹ...

Tác phẩm 'Điểm dừng quân' của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Tác phẩm 'Điểm dừng quân' của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Triển lãm ngay bên chiến hào

Song hành cùng triển lãm của họa sĩ Trang Phượng, triển lãm “Bên chiến hào” của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng được tổ chức, trưng bày 97 tác phẩm ký họa tiêu biểu chưa từng công bố vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963.

Trong 97 bức tranh, có 82 bức ký họa chân dung là những bà má Nam Bộ, cán bộ chiến sĩ, nữ biệt động, chị nuôi, xạ thủ. 15 bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa, cảnh sinh hoạt trong chiến khu.

Thời kỳ này, các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay bên chiến hào, những bức ký họa được treo trên dây dọc theo một đoạn đường hành quân, người đi đầu sẽ thực hiện nhiệm vụ treo tranh và người cuối cùng sẽ gom tranh đem về căn cứ. Đó cũng là lý do mà gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông chọn tên cho triển lãm là “Bên chiến hào”.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông vốn nổi tiếng với những bức ký họa thời chiến. Trải qua hai cuộc kháng chiến, số ký họa của ông lên đến 20.000 bức. Trong mọi cuộc hành quân, trên mọi chiến trường và trong mọi cuộc chiến, ông luôn mang theo thuốc nước, bút chì, giấy để sẵn sàng… vẽ.

'Củ Chi đất thép' - ký họa của họa sĩ Trang Phượng.

'Củ Chi đất thép' - ký họa của họa sĩ Trang Phượng.

Các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay bên chiến hào.

Các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay bên chiến hào.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, họa sĩ Huỳnh Phương Đông có cái mà người Pháp gọi là “coup de crayon” (nét phác để đời). Nét bút của ông có cái gì đó rất vững vàng, mạnh mẽ mà dâng đầy xúc cảm.

Trong hồi ký, cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông viết: “Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí. Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ”.

Có thể nói, những nét ký họa của những người lính – họa sĩ trong cuộc kháng chiến của dân tộc đã góp phần thúc đẩy tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta. Nếu như không có ký họa kháng chiến, hẳn thế hệ trẻ sẽ khuyết đi một hiểu biết rất sinh động trong quá khứ.

Điều may mắn khi có những chiến sĩ là những họa sĩ đã “hóa thạch” từng khoảnh khắc của cuộc chiến để ngày nay, chúng ta thấy được những góc nhìn thật đẹp, thật bình dị của thế hệ trước – những người đã tạo lập hòa bình cho ngày hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.