Ký họa chiến trường: Những trang sử quý cho thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những bức ký họa được vẽ ngay tại chiến trường mà họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Hồng lưu giữ, được đưa ra triển lãm tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Ký họa Tổ chốt tại trung tâm Tiên Phước, được họa sĩ Phạm Hồng vẽ năm 1972.
Ký họa Tổ chốt tại trung tâm Tiên Phước, được họa sĩ Phạm Hồng vẽ năm 1972.

Đẫm mùi khói lửa chiến tranh

Một chiều tháng 5, tôi liên hệ và hẹn được lịch gặp họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng (tên đầy đủ là Phạm Quang Hồng, sinh năm 1942). Đến nơi, tôi khá bất ngờ khi ở tuổi 80 mà ông vẫn miệt mài ngồi điêu khắc bức tượng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bỏ dở công việc, ông bắt đầu câu chuyện kể về “cái nghiệp” hội họa, điêu khắc của mình. Được kết nạp Đảng từ khi còn ở chiến trường, đến nay tròn 50 năm tuổi Đảng với 80 tuổi đời, thế nhưng khí chất và tinh thần của người lính vẫn còn sôi sục trong con người họa sĩ Phạm Hồng mỗi khi nhắc về câu chuyện cũ.

Họa sĩ Hồng cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng quê Kim Giang, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc TP Hà Nội. Sớm có năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ, nên ông tự tin ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp loại Giỏi, được trường cử đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng ông xin vào miền Nam công tác.

Cuối năm 1967, ông tình nguyện đi thực tế chiến trường và vào công tác ở Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Hành trang trên vai chàng họa sĩ trẻ ngày ấy vào Nam chỉ có vài bộ áo quần và giấy, màu, cọ… cùng một tinh thần căm thù giặc.

“Làng quê tôi lúc đó yên bình và đẹp lắm. Nhưng thực dân Pháp đã phá hủy tan nát hết. Chính vì lòng căm thù giặc đốt phá quê hương nên khi được trường cử đi nước ngoài học, tôi đã không đi mà tình nguyện xin vào đi thực tế ở các tỉnh miền Nam”, họa sĩ Hồng nhớ lại.

Theo lời kể của họa sĩ Hồng, lúc bấy giờ, cả miền Nam đang hừng hực trong khí thế chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tinh thần quân và dân trong chiến dịch rất cao.

Gần 10 năm công tác tại chiến trường Khu V (1967 - 1976), họa sĩ Hồng đã xuống cơ sở cùng các đơn vị bộ đội. Tại đây, ông có nhiều trải nghiệm, gặp gỡ để từ đó ký họa lại hình ảnh những người dân sản xuất, các đơn vị bộ đội, những cuộc đấu tranh chính trị, chị em du kích, dân quân hành quân xuống vùng ven chiến đấu…

“Tôi vẽ khá nhiều, những bức nhân vật trong ký họa tôi vẽ ngày ấy là những người dân quả cảm, những ông bố, bà mẹ đã dũng cảm đào hầm, nuôi giấu cán bộ… để đất nước chúng ta giành được độc lập, hòa bình. Sau đó, những bức ký họa thường được trưng bày để người dân thưởng thức. Đó là cách chúng tôi động viên tinh thần quân và dân ta cũng như tuyên truyền tinh thần cách mạng đến với người dân”, ông Hồng kể.

Trong chuyến công tác năm 1972, trên đường trở về, ông bị trúng mìn, hàng chục mảnh găm vào tay, chân. Năm 1973, địch trút bom đạn xuống các vùng trung du tỉnh Quảng Nam như huyện Quế Sơn, vùng ven Chu Lai, quận lỵ Tam Kỳ, Hiệp Đức, ông cùng bà con du kích đánh địch, chống lấn chiếm, tải đạn, gùi gạo, lương thực phục vụ chiến dịch, làm nương, phát rẫy trồng sắn phục vụ sản xuất.

Trong quá trình đó, ông đã ký họa các tấm gương điển hình trong chiến đấu, sản xuất của quân dân vùng này. Những tác phẩm được ông sáng tác và triển lãm ngay dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù.

“Những bức ký họa nơi chiến trường được tôi vẽ khá nhanh, đến giờ tôi cũng không biết lúc đó sao tôi lại vẽ nhanh đến thế. Tôi chỉ muốn mình thực hiện một cách nhanh nhất có thể hành động anh dũng của quân và dân ta trước kẻ thù. Đây cũng là cách để tôi tri ân những người đã hy sinh vì đất nước.

Tôi muốn tri ân những bà mẹ, người cha, người ông, chị em du kích đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những nhân vật trong tác phẩm của tôi không còn mấy người sống sót bởi chiến tranh quá tàn khốc…”, họa sĩ Phạm Hồng tâm sự.

Họa sĩ Phạm Hồng.

Họa sĩ Phạm Hồng.

Những bài học quý

Triển lãm “Ký họa chiến trường Khu 5” là hoạt động rất bổ ích, tạo trực quan sinh động để các em học sinh theo dõi, tìm hiểu và trang bị thêm kiến thức. Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang sẽ chỉ đạo, phối hợp các đơn vị thực hiện thêm các hoạt động ngoại khóa về lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng để các em có nhiều cách học lịch sử hay và thú vị. Ông Phan Hữu Dũng (Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang)

Những ngày cuối năm học 2022, tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang), họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng bồi hồi, xúc động giới thiệu những bức ký họa từ chiến trường đến các em học sinh thông qua Triển lãm “Ký họa chiến trường Khu V” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức.

Hơn 40 bức ký họa là những tác phẩm và kỷ niệm của ông cùng những đồng nghiệp, đồng đội tại chiến trường khu V ngày ấy đã được trưng bày để các em học sinh và giáo viên toàn trường thấy được một thời chiến đấu anh dũng của ông cha ta.

Nói về buổi trưng bày triển lãm này, họa sĩ Phạm Hồng cho biết rằng, đây chỉ một phần nhỏ trong hàng nghìn bức ký họa được các họa sĩ, chiến sĩ để lại cho các địa phương, bảo tàng.

“Tôi hy vọng các tác phẩm của tôi và đồng nghiệp sẽ là cơ sở để tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho học sinh, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về sự anh dũng của người Việt Nam.

Thấy được những mất mát, đau thương mà những bà mẹ Việt Nam phải trải qua, những tội ác mà bọn xâm lược đã gây ra với nhân dân ta, các em sẽ hiểu sự hy sinh cao cả của ông cha ta, hiểu được giá trị của hòa bình, biết ơn những thế hệ đi trước. Từ đó, các em cố gắng học tập, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh”, họa sĩ Phạm Hồng nhắn nhủ.

Vừa ngắm những bức họa, Nguyễn Thị Tường Vy, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh cho biết, em rất tự hào về lòng yêu nước của dân tộc ta. Điều đó cũng giúp cho thế hệ trẻ ý thức hơn, phải nỗ lực học tập để phát triển đất nước, giữ gìn non sông, quý trọng công dựng nước và giữ nước của ông cha ta

Cô Trương Thị Thảo Nguyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Văn Linh chia sẻ, buổi triển lãm đã làm cho các em học sinh như được sống lại thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Được chứng kiến những hình ảnh từ chiến trường của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, các em thêm tự hào về truyền thống của dân tộc.

Cô Thảo Nguyên cho biết thêm, trong thời gian tới, giáo viên sẽ tham mưu nhà trường để có nhiều hình thức tuyên truyền cho học sinh về lịch sử nước nhà, giúp học sinh có thêm sự hứng thú và yêu thích môn Lịch sử hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.