Người làm hia tuồng “độc nhất vô nhị” ở Bình Định

GD&TĐ - Nhắc đến NSND Minh Ngọc, người ta nhớ ngay đến một kép chính tài sắc của tuồng Bình Định, nhớ đến một nghệ sĩ nhiều lần vào vai Hoàng đế Quang Trung cả trong tuồng lẫn sân khấu lễ hội; nhớ đến một thợ làm hia tuồng “độc nhất vô nhị” ở xứ Nẫu.

NSND Minh Ngọc (phía sau) trong vai Nguyễn Huệ vở Đêm sáng phương Nam
NSND Minh Ngọc (phía sau) trong vai Nguyễn Huệ vở Đêm sáng phương Nam

“Chuyên trị” vai Quang Trung

NSND Minh Ngọc tên thật là Đặng Minh Ngọc, sinh năm 1963, trong gia đình có mẹ vốn là một đào hát không chuyên ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) nên đã sớm thể hiện tài năng và tình yêu tuồng. Sau này, anh xin gia nhập vào Đoàn tuồng Đồng Ấu xã Cát Trinh, đi phục vụ văn nghệ cho bà con.

Nhắc đến vai Hoàng đế Quang Trung, người mộ tuồng Bình Định sẽ nhớ ngay đến NSND Minh Ngọc. Ở Bình Định, sau cố NSND Võ Sĩ Thừa và NSND Đình Bôi, anh là “truyền nhân” của vai này trong các vở tuồng lẫn các dịp lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lần đầu thành công với vai Quang Trung tại Lễ hội 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004) là cơ sở để anh “chuyên trị” hình tượng nhân vật này từ đó đến nay.

Theo nhận xét của người trong nghề, NSND Minh Ngọc không chỉ có khuôn mặt cương nghị, thể hiện được thần thái uy dũng của người anh hùng áo vải Quang Trung, mà còn đưa hình tượng người anh hùng này đến với công chúng một cách thật gần gũi. Hơn nữa, anh đã có quá trình vào vai Quang Trung trên sân khấu tuồng. Quá trình ấy là chuỗi ngày khổ luyện của anh trong hai vở Trời Nam (Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999) và Mặt trời đêm thế kỷ.

Thể hiện vai Quang Trung ở sân khấu tuồng lẫn tái hiện ở lễ hội, với NSND Minh Ngọc đều là do sự nỗ lực nhập thân, sáng tạo không ngừng. Theo anh, vào vai Quang Trung ở ngoài đời khó và chịu áp lực hơn diễn trên sân khấu, bởi ở đó không phải chuyển tải ý đồ nghệ thuật của kịch bản, tác giả, mà tái hiện Quang Trung sao cho giống, vừa uy dũng vừa thân thuộc để bà con chấp nhận.

Người thợ làm hia “độc nhất vô nhị”

NSND Minh Ngọc đang tạo tác một đôi hia mới

Sau ánh đèn sân khấu, trở về cuộc sống đời thường, NSND Minh Ngọc lại cần mẫn với công việc “độc nhất vô nhị” ở Bình Định mà mình gắn bó đã gần 20 năm, đó là làm hia tuồng.

Ít người biết rằng, toàn bộ hia mà nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn và nhiều diễn viên tuồng không chuyên trong tỉnh mang biểu diễn đều được làm nên từ bàn tay khéo léo của anh. Thú vị hơn, ẩn sau những đôi hia tưởng chừng nhỏ nhặt là một thông điệp, lời giới thiệu về nét đặc sắc riêng của tuồng Bình Định.

Từ năm 2000 trở về trước, Nhà hát tuồng Đào Tấn đều mua hia ở Huế để sử dụng biểu diễn. Tuy nhiên, khi ông La Chấu - một nghệ nhân ở Huế chuyên cung cấp hia cho các nhà hát tuồng ở miền Trung qua đời thì nhiều đoàn tuồng không biết tìm đâu ra hia cho diễn viên. Sẵn có năng khiếu về nghề mộc, nghề may, cộng với ký ức đẹp về hình ảnh đôi hia từ những ngày mới chập chững vào nghề và nhu cầu thực tế của Nhà hát tuồng Đào Tấn, anh thử sức với công việc “bếp núc” trong nghề khá đặc biệt này.

“Trên cơ sở mẫu mã hia từ Huế đã quen sử dụng trước đó, tôi biến tấu một chút về thông số, kỹ thuật, kiểu dáng; tuy khó đi hơn nhưng đúng chất hia Bình Định. Đôi hia đầu tiên làm ra, tôi mang đến nhờ NSND Võ Sĩ Thừa duyệt. Ông cụ đi qua đi lại mấy vòng, vuốt râu, dậm chân xuống sàn, xoay, trụ một chân, sau đó gật đầu bảo: “Được, được. Đây đúng là hia phong cách Bình Định”, NSND Minh Ngọc nhớ lại.

Theo NSND Minh Ngọc, diễn viên tuồng Bình Định vốn được bạn trong nghề cả nước nể phục ở kỹ thuật đi hia và nghệ thuật biểu diễn hia đẹp. Hia tuồng sản xuất ở một số nơi, ngay cả ở Huế có đế bằng, độ cao chỉ khoảng 2 - 3 phân, mũi hia hơi hất lên chứ không cong vút. Hia Bình Định cao từ 5 phân, hia cho những diễn viên hạn chế về chiều cao còn cao hơn, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế chừng 2 phân, mũi hia cong vút như mũi thuyền.

“Hia Bình Định được đánh giá là đôi hia “lanh”. Đi hia luôn là thử thách ghê gớm đối với diễn viên tuồng mới vào nghề. Nhưng khi chinh phục được những đôi hia này rồi, nó lại giúp cho động tác biểu diễn linh hoạt, vũ đạo đẹp mắt hơn. Hia Bình Định phải luôn đứng, đi bằng gót. Chính vì mặt tiếp xúc nhỏ nên làm các động tác xoay, bê, xiến, lỉa rất nhanh, lướt và đẹp. Hia làm bằng củ tre ngà, khi dậm chân xuống sàn sân khấu gỗ tạo âm thanh ấm, vang”, NSND Minh Ngọc giải thích.

Bây giờ, hia tuồng do NSND Minh Ngọc làm không chỉ cung cấp cho nghệ sĩ tuồng trong tỉnh Bình Định mà các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa… cũng tìm tới đặt hàng. Ý nghĩa hơn cả là không chỉ bạn trong nghề biết đến hia “made in Binh Dinh”, mà qua đó đã phần nào khôi phục được kiểu dáng cũng như phong cách hia tuồng Bình Định bị gián đoạn trên sân khấu tuồng một thời gian khá dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cư dân Liberia nô nức theo chân ông già Bayka. Ảnh: Npr.org

Tưng bừng quỷ vũ với Giáng sinh Liberia

GD&TĐ - Cộng hòa Liberia được thành lập vào năm 1822, với mục đích làm nơi định cư cho các nô lệ người da đen mới được giải phóng ở Mỹ hồi hương châu lục.