Người hùng tê tê giành giải “Nobel xanh”

GD&TĐ - Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam vừa nhận giải thưởng môi trường lớn nhất thế giới Goldman Environmental Prize 2021 cho những nỗ lực cứu loài tê tê khỏi tuyệt chủng.

Anh Nguyễn Văn Thái bên cá thể tê tê.
Anh Nguyễn Văn Thái bên cá thể tê tê.

Dành cả cuộc đời bảo vệ tê tê

Từng tu nghiệp tại các đại học lớn ở Anh, Hoa Kỳ và Úc về bảo tồn thiên nhiên, hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam - Save Vietnam"s Wildlife (gọi tắt là SVW), Nguyễn Văn Thái đồng thời giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội chuyên gia Bảo tồn Tê tê Thế giới (IUCN).

Tê tê bị săn trộm và buôn bán nhiều hơn bất kỳ loài động vật có vú nào trên thế giới, ba trong số bốn loài tê tê châu Á đang ở mức cực kỳ nguy cấp. Ước tính có khoảng 1 triệu con tê tê đã bị săn trộm trong thập kỷ qua, chủ yếu là để cung cấp cho thị trường vảy tê tê được nhiều người mù quáng tin là có thể chữa bệnh.

Ở Việt Nam, nhiều cá thể tê tê bị săn trộm, đó là một phần lý do khiến anh thành lập Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) vào năm 2014 tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Anh Thái chính là người sáng lập và là Giám đốc điều hành của SVW, với nhiệm vụ ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi chức năng cho tê tê châu Á đầu tiên của Việt Nam. Nhờ đó, 80% số con tê tê bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.

Khi còn nhỏ, anh Thái đã chứng kiến cảnh hai mẹ con tê tê bị bắt và giết gần nhà. Sau đó, anh quyết tâm cống hiến cuộc đời mình cho việc bảo tồn tê tê. Anh đã thiết lập một chiến dịch giáo dục và tiếp cận công chúng, xuất bản các nghiên cứu, viết tài liệu về chăm sóc và cứu hộ tê tê, đồng thời phát triển quy trình giới thiệu và theo dõi tê tê đầu tiên của Việt Nam.

Anh mở Trung tâm Giáo dục Động vật ăn thịt và tê tê, nơi cung cấp các khóa học về bảo tồn động vật hoang dã và huấn luyện cho các cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng và kiểm lâm về các quy định bảo vệ động vật hoang dã và chăm sóc tê tê. Anh Thái còn mở Trung tâm Phục hồi tê tê châu Á, trang bị hai phòng khám thú y tiên tiến.

“Kể từ năm 2005 đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia nhiều các hoạt động nghiên cứu cả trong điều kiện nuôi nhốt, cũng như ngoài thực địa nhằm đưa ra các biện pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã. Đặc biệt, các nghiên cứu này đã góp phần vào việc xây dựng các kế hoạch hành động bảo tồn hoặc chiến lược bảo tồn loài ở Việt Nam”, anh Nguyễn Văn Thái chia sẻ.

Với cương vị là người sáng lập Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam hoạt động phi lợi nhuận, anh Nguyễn Văn Thái cùng cộng sự đã cứu hộ hơn 1.500 con tê tê, phối hợp với kiểm lâm tịch thu và gỡ bỏ hơn 9.700 bẫy thú, nhiều lán trại bất hợp pháp.

Ai cũng có thể làm người hùng

Để giải quyết vấn nạn săn trộm, anh Thái đã theo dõi những kẻ săn trộm trong rừng nhằm tìm hiểu thủ đoạn của chúng. Năm 2018, anh đã thành lập đơn vị chống săn trộm đầu tiên của Việt Nam. Nhờ thế, kiểm lâm viên đã học được các kỹ năng theo dõi động vật hoang dã, xác định hướng di chuyển của động vật hoang dã và kỹ năng sinh tồn trong các chuyến đi nhiều ngày qua rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia Pù Mát.

Anh vui mừng thông báo: “Tình hình tê tê ở Việt Nam ngày càng khả quan hơn. Chúng tôi đang theo dõi thêm hình ảnh về tê tê trong rừng từ bẫy ảnh. Trong bảy năm qua, chúng tôi đã ghi nhận được 1.600 con tê tê. Đây là một tín hiệu tích cực”.

“Năm 2005, tôi và các đồng nghiệp của mình đã khởi động Chương trình bảo tồn tê tê châu Á, là chương trình tập trung bảo tồn tê tê đầu tiên ở Việt Nam. 16 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực từ việc cứu hộ trực tiếp gần 1.600 cá thể tê tê Java, cũng như nỗ lực bảo vệ rừng, nghiên cứu về loài tê tê.

Điều đáng mừng ở ngoài tự nhiên là so với khoảng hơn chục năm trước, hiện nay - khi đặt bẫy ảnh ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trung Trường Sơn và nhiều khu bảo tồn đã tái thả tê tê - mật độ của tê tê Java “dính bẫy ảnh” (chụp được hình) đã tăng rất nhiều. Mặc dù vậy, chúng tôi không có được con số chính xác còn bao nhiêu con tê tê ngoài tự nhiên do chúng là loài hoạt động đêm và sống ấn náu trong các hang, hốc, thân cây rỗng.

Nhiều loài động vật hoang dã khác như tê giác một sừng, hổ Đông Dương, sao la, báo gấm… đã bị tuyệt chủng hoặc không còn ghi nhận được trong gần 20 năm nay ngoài rừng ở Việt Nam. Mặc dù loài tê tê Java đang phát triển tốt hơn, nhưng các thợ săn đừng vội vui mừng vì các khu vực đó đều được bảo vệ nghiêm ngặt và việc săn bắt tê tê sẽ bị phạt tù giam đến 15 năm”, anh Thái dí dỏm.

Với vinh dự nhận giải thưởng lần này, anh Thái cảm thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn trong điều tra, xử lý, cứu hộ, tái thả và kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ động vật hoang dã, để mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho thiên nhiên Việt Nam. “Tôi hy vọng giải thưởng này là động lực, truyền cảm hứng cho không chỉ riêng tôi mà còn cho nhiều người Việt Nam khác cùng có nhiều hành động hơn nữa.

Ai cũng có thể trở thành người hùng bảo vệ động vật hoang dã được, chỉ cần thật tâm và nỗ lực. Giải thưởng là sự khẳng định giá trị vai trò của các cá nhân và các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam; Mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân ở Việt Nam đóng góp quỹ để bảo vệ rừng và động vật hoang dã”.

Giải thưởng Goldman được ví như giải “Nobel xanh” trong lĩnh vực môi trường không chỉ vì sự cạnh tranh gắt gao mà còn là vì sự công nhận mang tầm quốc tế cho những thành tựu và cống hiến của các cá nhân là lãnh đạo môi trường nổi bật trên toàn thế giới.
Tính đến năm 2020, giải thưởng đã được trao cho hơn 200 cá nhân (trong số đó có 87 người là phụ nữ) đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. Anh Nguyễn Văn Thái là nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên và người Việt Nam thứ hai nhận giải trong lịch sử hơn 30 năm của Giải thưởng này. Người Việt Nam đầu tiên nhận giải là chị Ngụy Thị Khanh, Giám đốc của GreenID vào năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.