Người Huế lại chong đèn chăm hoa Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những ngày Đông giá rét, người dân tại Huế lại tất bật với công việc chăm chút từng chậu hoa để đem ra thị trường phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Hàng trăm chậu hoa cúc được thắp sáng xuyên đêm cùng sự chăm sóc tỉ mỉ của người trồng.
Hàng trăm chậu hoa cúc được thắp sáng xuyên đêm cùng sự chăm sóc tỉ mỉ của người trồng.

Chong đèn xuyên đêm

Phường Thủy Vân, TP Huế là một trong những vựa hoa lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, tại đây bà con nông dân đang chăm chút cho từng chậu hoa để đảm bảo phục vụ cho thị trường hoa Tết.

Theo tìm hiểu, phường có khoảng 15ha để trồng hoa các loại và tập trung chính ở các làng Dạ Lê, Vân Dương, Công Lương... với nhiều loại hoa khác nhau như cúc, phong lan, vạn thọ...

Vào mỗi tối, người dân đều chong đèn để chăm sóc hoa làm sáng rực khắp các con đường. Ông Nguyễn Huy Hoàng (trú tại tổ 4 Vân Dương, phường Thủy Vân) cho biết, việc thắp đèn ban đêm giúp hoa có đủ ánh sáng để phát triển tốt hơn.

“Năm nay thời tiết thất thường, những người làm hoa ngày đêm chăm chút tỉ mỉ cho từng chậu hoa, mưa lạnh nên ánh sáng mặt trời cũng ít, chúng tôi phải thắp đèn cả đêm cho hoa vì ánh sáng rất quan trọng, giúp hoa nở đều và đẹp hơn, kịp thời vụ”, ông Hoàng chia sẻ.

Được biết, các giống hoa được người trồng lấy từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và khoảng tháng 6, tháng 7 Âm lịch hàng năm, người trồng hoa sẽ làm đất, trộn phân sau đó tiến hành việc gieo giống. Sau khi hoa phát triển mạnh khỏe mới đưa vào từng chậu để tiếp tục các công đoạn chăm sóc như tưới nước, phun thuốc sâu, bón phân, cắt tỉa cành... và thắp đèn ban đêm để hoa có đủ ánh sáng phát triển.

Theo quan sát, mỗi vườn hoa sẽ tùy vào diện tích lớn hay nhỏ để thắp các bóng đèn huỳnh quang màu vàng có công suất 15 - 20W, mỗi bóng có thể cách nhau từ 1,5 - 2m. Thông thường, việc thắp đèn xuyên đêm sẽ được bắt đầu từ lúc gieo giống cho đến lúc hoa được cứng cáp, khi hoa đã phát triển và chuẩn bị ra nụ thì dừng lại để hoa nở đúng tiến độ vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Hữu Trí (SN 1973, trú tại tổ dân phố Dạ Lê, xã Thủy Vân) là một người có kinh nghiệm 10 năm trồng hoa chia sẻ: “Một vụ hoa trồng khoảng 6 tháng, hầu hết nhà nào cũng có hệ thống đèn bật tự động, chúng tôi thường bật đèn từ 18h tối đến khoảng 3 - 4h sáng hôm sau thì đèn tự tắt. Giai đoạn gần Tết, thời điểm hoa cũng bắt đầu ra nụ và bung nở thì chỉ bật đèn khi cần chăm sóc”.

Ông Phú đang sơn màu cho chậu hoa được “bắt mắt".

Ông Phú đang sơn màu cho chậu hoa được “bắt mắt".

Kỳ vọng bội thu dịp Tết

Theo chia sẻ của những hộ dân, thời tiết ngày càng thất thường khiến việc chăm sóc hoa trở nên vất vả, khó khăn hơn. Đặc trưng của Huế là mưa nhiều, vì vậy bà con thường phải “đội mưa, đội rét” chăm hoa.

“Trời mưa to, nước mưa ngấm vào, cây sẽ bị úng, thối rữa và chết nhiều. Mưa nhỏ liên tục kéo dài cùng với lạnh rét thì cũng phải mặc áo mưa ngày đêm chăm sóc. Thời tiết như vậy nhưng bà con chúng tôi ai cũng cố gắng ra vườn hoa để chăm chút tỉ mỉ cho từng chậu, từng cành để hoa được phát triển mạnh khỏe nhất để kịp bán vào dịp Tết”, ông Nguyễn Huy Hoàng lạc quan nói.

Thời điểm tháng 10, tháng 11 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế xảy ra mưa lớn và ngập lụt, các hộ dân trồng hoa cũng bị ảnh hưởng, hàng loạt chậu hoa của nhiều hộ gia đình đã bị ngập úng và chết gây thiệt hại nặng nề. Theo kinh nghiệm, bà con sẽ tiến hành di chuyển các chậu hoa đi nơi khác cao hơn hoặc kê cao các chậu hoa tránh bị ngập nước.

“Năm nay, nhà tôi trồng khoảng 300 chậu, mong sao thời tiết từ giờ đến Tết thuận lợi để chúng tôi có thể chăm sóc tốt nhất cho hoa, đây là thời điểm quan trọng để hoa phát triển, qua tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) hoa bắt đầu có nụ và sẽ nở đúng thời vụ để cung ứng kịp thời cho thị trường hoa Tết”, ông Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

Cắt tỉa cho chậu hoa.

Cắt tỉa cho chậu hoa.

Bà con nông dân hi vọng năm nay thời tiết thuận lợi và kỳ vọng mùa hoa được bội thu.

Bà con nông dân hi vọng năm nay thời tiết thuận lợi và kỳ vọng mùa hoa được bội thu.

Tùy vào kích thước của mỗi chậu hoa sẽ có giá bán khác nhau. Đối với những chậu cây nhỏ và vừa, giá sẽ dao động từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng một cặp chậu. Đối với những chậu có kích thước lớn, giá sẽ từ 1 triệu đồng cho đến 4 triệu đồng một cặp chậu.

Ông Nguyễn Ngọc Phú (SN 1966, trú tại tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân) là người có hơn 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa cho biết, đến khoảng nửa tháng Chạp thì hoa sẽ được đưa đi thị trường tiêu thụ, tại các vườn hoa của hộ dân cũng đều có bán hoa sỉ và lẻ.

“Thời điểm này đã có nhiều người ở khắp nơi đến đây để đặt hoa, khoảng ngày 15, 16 tháng Chạp thì sẽ tới tận vườn để chở đi tiêu thụ. Đa số chúng tôi đều bán giá sỉ cho các thương buôn, sau đó họ sẽ đem đi bán ở thị trường trong tỉnh, ngoài ra nhiều thương buôn từ các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, thậm chí là Hà Tĩnh cũng vào tận đây để lấy hoa đem về bán. Hy vọng năm nay thị trường hoa sẽ khởi sắc giúp bà con chúng tôi thêm thu nhập để có cái Tết ấm no hơn”, ông Phú nói.

“Nghề trồng hoa tại địa phương đã có từ lâu. Hiện toàn phường có khoảng 70 hộ theo nghề, trung bình mỗi hộ trồng khoảng từ 400 đến 600 chậu hoa với các kích cỡ khác nhau, cùng nhiều loại hoa, nhưng chủ yếu là hoa cúc. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận thu được từ mỗi vụ khoảng từ 60 đến 100 triệu đồng. Việc trồng hoa chỉ tập trung 2 tháng cuối vụ, vì vậy đã giải quyết thêm được việc làm, giúp tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi luôn động viên, tạo vị trí các bãi tập kết, mặt bằng để bà con trồng hoa và không thu bất cứ khoản phí gì. Đồng thời cũng chỉ đạo Hội Nông dân, hợp tác xã hướng dẫn về mặt kỹ thuật trồng hoa và tạo điều kiện vay vốn cho bà con cũng như vấn đề khác khi có đề xuất”, Chủ tịch UBND phường Thủy Vân Nguyễn Thành Trung cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ