Làng hoa Tết miền Tây hối hả vào vụ

GD&TĐ - Làng trồng hoa Tết miền Tây đang tất bật cung ứng hoa phục vụ nhu cầu trưng Tết của người dân.

Một góc hoa Tết ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).
Một góc hoa Tết ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).

Dù thời tiết bất lợi nhưng thị trường hoa kiểng năm nay khá sôi động.

Giữ giá để mọi nhà có hoa

Khi người dân làng hoa kiểng chuẩn bị vụ hoa Tết cũng là lúc thời tiết ở miền Tây diễn biến thất thường. Triều cường gây ngập lụt, mưa nhiều, trời lạnh… ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại hoa kiểng.

Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), người dân đang tất bật cung ứng hoa Tết cho thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM. Theo các nhà vườn, chi phí trồng hoa kiểng năm nay tăng 15 - 20% so với năm trước do vật tư, nhân công đều tăng. Khó khăn nhất là thời tiết thất thường, mưa trái mùa làm hoa kiểng dễ bị bệnh nên chi phí chăm sóc tăng cao.

Bà Lê Hạnh Nguyên có 1 ha trồng hoa cúc mâm xôi ở phường Tân Qui Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết: “Mấy ngày nay trời mưa to nên nhà vườn rất lo lắng, vì cúc mâm xôi khó trồng, hoa gặp nước mưa dễ hư hỏng. Sau mỗi trận mưa, người trồng phải dùng vòi xịt rửa lại và phun thuốc dưỡng, ngừa bệnh. Để có được chậu hoa đẹp, người trồng rất vất vả, tốn nhiều chi phí”.

Theo Phòng NN&PTNT TP Sa Đéc, người dân làng hoa Sa Đéc đã trồng khoảng 100 ha hoa, cây cảnh các loại, dự kiến cung ứng ra thị trường hơn 2 triệu giỏ hoa trong dịp Tết. Về chủng loại, làng hoa Sa Đéc trồng khoảng hơn 2.000 loài hoa kiểng, với hơn 2.300 hộ.

Đặc trưng như hoa cúc mâm xôi, violet, hồng ri, hoa hồng xanh, cúc tia, cúc đồng tiền, hoa giấy, dừa cạn, cát tường… Ngoài trồng các loại hoa truyền thống, nông dân còn trồng thêm các loại hoa có thể bán cho khách du lịch, đồng thời đa dạng chủng loại để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào hoa Tết.

Do chi phí, nhân công tăng nên giá hoa Tết năm nay cũng tăng hơn so với năm trước. Theo người trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, người dân khó khăn nên giá cả các loại hoa cũng tăng ở mức vừa phải để mọi người có thể mua hoa trưng Tết.

Giá chậu hoa cúc, hoa vạn thọ dao động từ 25.000 - 30.000 đồng. Các loại hoa khó trồng và khan hiếm thì có giá cao hơn nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.

“Sau 2 vụ hoa bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, người trồng hoa tăng sản lượng và đặt nhiều kỳ vọng vào vụ hoa Tết. Dù khó khăn nhưng nhà vườn cố gắng chăm sóc hoa để cung ứng kịp thời, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân. Về giá cả, nhà vườn cố gắng tăng ở mức hợp lý nhất để tất cả mọi người đều có hoa Tết”, bà Mai Mỹ Ngọc, chủ vườn trồng vạn thọ ở làng hoa Sa Đéc cho biết.

Hoa đi xa hơn nhờ mua bán online

Hoa Tết sẵn sàng phục vụ các chợ hoa Xuân.

Hoa Tết sẵn sàng phục vụ các chợ hoa Xuân.

Một trong những làng hoa lớn ở miền Tây là làng hoa Chợ Lách (Bến Tre). Làng hoa nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn… thuộc huyện Chợ Lách.

Làng hiện trồng khoảng 600 ha hoa, cây cảnh như hoa giấy, mai vàng, kiểng lá, hạnh, vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, cát tường, đồng tiền… Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, vụ hoa Tết năm nay có khoảng 15 triệu sản phẩm, tăng 2 triệu sản phẩm so với năm trước.

Người trồng hoa ở làng hoa Chợ Lách cũng gặp bất lợi về thời tiết, đặc biệt là mưa nhiều. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm trong ứng phó nên thiệt hại không đáng kể.

Để đáp ứng nhu cầu hoa kiểng Tết, người trồng hoa ở làng hoa Chợ Lách còn ứng dụng chào hàng, bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Sự năng động này giúp hoa kiểng không chỉ cung ứng thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra các địa phương lân cận và cả nước.

Các loại hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe, cúc Hà Lan, cát tường, đồng tiền… theo các chuyến xe cung ứng đến TPHCM, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. “Gia đình tôi chuyên sản xuất và cung ứng kiểng hình thú, hiện nay không chỉ có các đơn hàng đặt trực tiếp, mà còn nhiều đơn hàng đặt thông qua mạng xã hội. Nhờ đó mà việc mua bán thuận lợi hơn, hoa kiểng cũng bán được nhiều hơn”, nghệ nhân Năm Công, ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chia sẻ.

Do tình hình dịch bệnh kéo dài nên việc tăng giá được cân nhắc. Anh Lê Bảo Châu, chủ vườn trồng hoa cúc mâm xôi, cho biết: “Gia đình đang vào đợt cao điểm chăm sóc, xuất hàng hoa Tết phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Năm nay giá phân bón, vật tư, nhân công tăng cao nên giá hoa kiểng Tết có tăng. Tuy nhiên, trước tình hình người lao động bị giãn việc, mất việc, thu nhập hạn chế nên dự đoán sức mua cũng sẽ giảm. Do đó, giá cả phải vừa túi tiền để người bán được hàng, người mua không gặp khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.