Người giữ hồn ghe ngo Loan Mỹ

GD&TĐ - Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà đơn sơ ở ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), ông Nguyễn Văn Sáu (còn gọi là Sáu Phèn), 64 tuổi, hào hứng kể về những lần chỉ huy đội đua ghe nữ xã nhà đại diện cho tỉnh Vĩnh Long tham gia tranh tài truyền thống hàng năm tại khu vực ĐBSCL: “Vui và tự hào lắm, toàn đội tập luyện quyết liệt, vất vả, gian khổ nhưng quyết tâm rất cao, chị em luôn mong muốn đem về thành tích tốt nhất cho địa phương để không phụ lòng bà con chòm xóm…”.

Người giữ hồn ghe ngo Loan Mỹ

Những “vận động viên” miệt vườn

Phong trào đua ghe ngo của đồng bào Khơ Me ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) tồn tại đã khá lâu, trở thành một trong những hoạt động cộng đồng truyền thống đặc sắc của người dân nơi đây. “Vận động viên” chủ yếu là những người nông dân miệt vượt một nắng hai sương. Tay ngang và mang tính chất phong trào như vậy, nhưng sự nhiệt tình và quy củ của những con người này thì không thể kể xiết, nhất là với cánh… nữ - chủ lực của hầu hết các đội đua ghe ngo. Chỉ cần thông báo, hẹn ngày giờ là bà con thu xếp công việc để tham gia luyện tập và thi đấu, bất kể thời gian.

Mỗi lần thi đấu cấp khu vực, cả đội có trên 100 “vận động viên” cùng tham gia luyện tập trong thời gian xấp xỉ 30 ngày, nhưng khi thi đấu chính thức thì chỉ có 65 người được chọn, cùng với vài ba “huấn luyện viên” cũng chỉ là những lão nông ham thích đua ghe ngo như ông Nguyễn Văn Sáu. Địa bàn tập luyện vẫn là các sông rạch tại chỗ dưới sự hướng dẫn tận tình của HLV “không chuyên” Nguyễn Văn Sáu. Bản thân ông Sáu Phèn dù rất bộn bề với công việc ruộng, rẫy và suốt lúa mướn cho người dân quanh vùng, nhưng mỗi khi vào dịp thi đấu, ông lại thu xếp việc nhà để có mặt thường xuyên với đội ngũ “vận động viên” không chuyên của mình.

Chị Thạch Thi Khuôl, 30 tuổi ngụ ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ cho biết: “Chú Sáu rất nhiệt tình với phong trào, có nhiều kinh nghiệm và chiến thuật trong thi đấu, gia đình chú còn khó khăn nhưng chú luôn thu xếp việc nhà, có mặt để luôn động viên tốt tinh thần của toàn đội nên kết quả thường mang lại cao. Tuy chỉ là phong trào thôi, nhưng các cuộc đua cũng mang lại niềm vui cho bà con nông dân vùng sông nước chúng tôi, trong đó, người đóng vai trò tích cực nhất, cổ vũ anh chị em nhiều nhất, không ai khác ngoài chú Sáu”.

Liên tiếp trong hai năm 2013 và 2014, đội nữ đua ghe ngo của xã Loan Mỹ đã đại diện cho tỉnh Vĩnh Long tham gia thi đấu tại khu vực ĐBSCL (tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng) và đã mang về hai giải nhì tập thể, làm nức lòng người hâm mộ môn thể thao truyền thống của người dân tộc Khơ Me miền Tây Nam Bộ. Điều đặc biệt, cả hai đội đua đều do ông Sáu Phèn hướng dẫn trực tiếp.

Nhớ lại “chiến tích” này, ông Nguyễn Văn Sáu không khỏi tự hào: “Đó là công lao của bà con cả, từ người tham gia thi đến người cổ vũ. Dù điều kiện vật chất trang thiết bị còn hạn hẹp, thời gian tập luyện không nhiều do kinh phí đầu tư hạn chế, nhưng các cháu đã thi đấu xuất sắc nên mang về kết quả đáng tự hào cho quê hương mình. Giải miệt vườn thôi, nhưng vui và tự hào lắm chớ”. Rồi ông lại buồn ngay: Mùa giải năm 2015, đội mình vắng mặt vì lý do không đâu, anh em buồn lắm mà lực bất tòng tâm…

Một đời gắn bó với lễ hội truyền thống

Ông Sáu Phèn tâm sự, tình yêu với môn đua ghe ngo của ông xuất phát từ chính cha mẹ mình - cặp huấn luyện viên và tay đua ghe ngo nữ nức tiếng một thời ở Loan Mỹ. Từ kinh nghiệm của cha mẹ mình truyền lại, ngay từ thời trai trẻ, ông thường đến chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ) để hướng dẫn tay đua của các ấp lân cận phương pháp đua ghe ngo, cách thiết kế ghe sao cho cân bằng, lướt nhanh, sự kết hợp nhuần nhuyễn các tay chèo để tạo nên sức mạnh đồng nhất.

Cạnh đó, ông còn tham gia làm trọng tài cho nhiều cuộc thi đua ghe ngo loại nhỏ ở địa phương. Từ khi tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư cho 4 huyện có đông người dân tộc Khơ Me (mỗi huyện một chiếc ghe qui mô lớn, đủ chuẩn thi đấu cấp quốc gia) thì ông được phân công vừa làm huấn luyện viên có phụ cấp cho đội đua ghe ngo nữ của huyện Tam Bình (nòng cốt là các tay chèo nữ của xã Loan Mỹ).

Ông kể thêm một số kinh nghiệm quý báu mà thú vị của một niềm đam mê: Cách đây ít năm, ông cất công sang tận tỉnh Kiên Giang để mua cho bằng được 2 cây cột dài hàng chục mét, nặng hàng trăm ký, làm cần rằn giữa ghe, với công dụng làm ghe đua không rung lắc, ổn định trên mặt nước, giúp ghe lướt nhanh. Khi thi đấu phải phát huy tổng lực theo nhịp còi của người hướng dẫn, các tay chèo phải biết phân bố sức khỏe toàn đội phù hợp cho từng cự li 800 hay 1.200 mét… Hiện nay, mỗi ghe đua có chiều dài khoảng 60 đến 70 mét, ngang khoảng 1,4 mét, sự cân bằng không còn được như trước vì không kiếm đâu ra được thứ gỗ lớn mà chắc để làm rằn như trước đây.

Ngoài việc huấn luyện đội nữ đua ghe ngo huyện Tam Bình, ông Sáu Phèn còn duy trì các ghe ngo với qui mô nhỏ của các ấp trên địa bàn xã Loan Mỹ như: Sóc Rừng, Đại Thọ, Đại Nghĩa, Cần Súc (mỗi ghe ngo có từ 6 - 10 người) để phong trào đua ghe ngo không bị mai một với thời gian; đồng thời cũng để phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân mới có khả năng về bộ môn thể thao truyền thống này.

Đưa chúng tôi đến chùa Kỳ Son, nơi lưu giữ chiếc ghe ngo của huyện Tam Bình đang “xếp xó”, ông Sáu trăn trở: Chiếc ghe ngo đã từng gắn bó, thi đấu nhiều năm liền nay đã xuống cấp, hư hỏng không thể góp mặt thi đấu cấp khu vực mùa giải 2015 và nếu không được sửa chữa hay trang bị mới thì nguy cơ vắng mặt mùa giải 2016 (diễn ra vào nửa cuối năm) là điều tất yếu.

Trong đôi mắt già nua của ông, chúng tôi bắt gặp một niềm tin đang chờ đợi, có lẽ ông đang chờ cái ngày lại được cùng các bà con và các tay chèo reo hò trên mặt nước trong các cuộc tranh tài truyền thống, để được nghe những tiếng trống, tiếng chiêng cổ vũ rộn ràng trong mùa lễ hội của người dân tộc Khơ Me Nam Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ