Người 'giữ hồn' cho nghề đúc đồng Ngũ Xã

GD&TĐ - Hơn 40 năm, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (sinh năm 1946) vẫn luôn miệt mài, tâm huyết để gìn giữ và phát triển truyền thống đúc đồng làng nghề Ngũ Xã.

Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng.
Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng.

Đau đáu với “nghề tổ”

Tương truyền, làng đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) được hình thành từ thế kỷ 17. Ở thời kỳ đỉnh cao, nơi đây là trường đúc lớn nhất kinh thành và lưu giữ tinh hoa của một trong bốn làng nghề truyền thống gồm: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã đóng góp được nhiều công trình, tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu như Pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã được Nhà nước công nhận là tác phẩm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Tượng Trấn Vũ được đặt tại đền Quán Thánh một trong Tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, còn rất nhiều pho tượng được đặt ở các địa danh quan trọng trải dài khắp đất nước, như quả chuông đồng 6 tấn tại Ngã 3 Đồng Lộc, pho tượng đồng đặt tại chùa Ngọa Vân Yên Tử linh thiêng…

Ngôi làng xưa nổi tiếng với nghề đúc tiền và những món đồ mang hơi thở tâm linh nằm ở ven hồ Trúc Bạch. Thế nhưng, thay thế cho những xưởng đúc đồng xưa giờ đây là nhà cửa san sát, hàng quán, cửa tiệm…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cái tên Ngũ Xã vẫn còn đó, các tác phẩm nghệ thuật của những người thợ đúc đồng vẫn đang được lưu giữ tại các đền, chùa nhưng sự phồn vinh của một làng nghề ngày nào chỉ còn vang vọng trong quá khứ và ký ức của lớp người ở tuổi xưa nay hiếm của làng.

Sót lại của cái thời vàng son ấy, nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã Nguyễn Văn Ứng vẫn cặm cụi, tâm huyết để gìn giữ “nghề tổ”.

Được sinh ra và lớn lên tại làng nghề Ngũ Xã, trong một gia đình có nghề truyền thống, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Ứng đã được cha ông bồi đắp niềm đam mê với nghề đúc đồng. Sau khi xuất ngũ, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng lại tham gia vào mặt trận sản xuất theo lời dạy của Bác Hồ, quay về nghề tổ với các cụ tính đến nay đã hơn 40 năm.

Những ngày mới trở về, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, người nghệ nhân phải “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm nghề nhôm (đúc đồ gia dụng), vừa học nghề đúc đồng của bố.

Chia sẻ về kỹ thuật đúc đồng, ông Nguyễn Văn Ứng cho hay, nghề có 5 kỹ thuật cơ bản gồm: Đắp mô hình chi tiết cần đúc, tiếp theo là tạo khuôn, sau đó là pha trộn nguyên liệu, nấu và đổ nguyên liệu vào khuôn, đúc xong thì đến công đoạn sửa nguội và cuối cùng là đánh bóng sản phẩm.

Với những chi tiết đúc lớn, có những công đoạn phải mất nhiều tháng mới hoàn thành. Người nghệ nhân muốn giỏi cả 5 kỹ thuật thì có khi phải mất cả đời rèn luyện.

Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

“Kỹ thuật đúc liền khối vô cùng khó và phức tạp, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ năng cao trong tất cả các công đoạn. Hiện, kỹ thuật này vẫn là bí quyết riêng của làng Ngũ Xã”, ông Nguyễn Văn Ứng nói.

Bên cạnh đó, kỹ thuật pha trộn nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng, mỗi loại sản phẩm thì cần dùng một loại nguyên liệu riêng. Để đúc chuông thì cần phải pha nguyên liệu sao cho màu chuông không cần sáng nhưng tiếng chuông lại phải trong và phải vang, nếu pha sai thì có thể sẽ đúc ra một chiếc chuông câm, đánh không thành tiếng. Để đúc tượng thì lại cần nguyên liệu có màu sắc tôn quý, nguyên liệu phải cứng, bền, trường tồn…

Thời kỳ bao cấp, khi đất nước bắt đầu hàn gắn vết thương chiến tranh và có những bước phát triển mới, người nghệ nhân luôn ấp ủ trong mình tâm niệm tôn tạo, hàn gắn lại những tượng đài đã bị phá hỏng.

Hiện tại, ở làng nghề Ngũ Xã chỉ còn vỏn vẹn hai gia đình gắn bó với nghề đúc đồng. Tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng không bao giờ nản lòng, bỏ cuộc. Ông tâm sự: “Lúc mới vào nghề lúc nào cũng gặp khó khăn nhưng cha ông ta đã dạy ‘vạn sự khởi đầu nan’, nên quyết tâm dù khó khăn vẫn say mê vẫn làm.

Tôi cũng thường căn dặn con cái khi đã quyết định nối nghiệp gia đình thì thực sự phải có lòng yêu nghề, tinh thần kiên trì, không dễ dàng khuất phục trước khó khăn. Bởi, nghề này nó rất vất vả, có những lúc làm mãi vẫn chẳng thấy tiền đâu…”.

nguoi giu hon cho nghe duc dong ngu xa (1).png
Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Ngũ Xã.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, có lúc tưởng rằng, nghề đúc đồng làng Ngũ Xã đã mai một, thế nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn miệt mài, một lòng tâm huyết với nghề truyền thống. Ông và các con, cháu đã cho ra đời những sản phẩm đúc đồng tài hoa, tinh xảo.

Theo ông Ứng, nghề đúc đồng để tồn tại và phát triển tới ngày hôm nay phải đòi hỏi sự sáng tạo, nghiên cứu, không thể rập khuôn mới có thể tạo ra được những bức tượng đồng có hồn.

“Nếu bức tượng không có hồn người ta gọi đấy là cục đồng, kể cả làm con vật thì cũng phải làm nó sống động”, ông Ứng nói.

Để nghề tổ của làng Ngũ Xã không bị mai một, ông Ứng đã dạy hai người con trai đúc đồng ngay từ khi còn đang đi học. Ở cái tuổi thất tuần nhưng ông vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của nghề đúc đồng.

“Làng Ngũ Xã đã làm nghề đúc đồng được mấy trăm năm rồi, đến đời tôi là đời thứ 16, tôi rất tự hào và vui mừng khi cả hai người con trai của tôi đều nối nghiệp mà cha ông để lại”, ông Ứng tự hào cho biết thêm.

nguoi giu hon cho nghe duc dong ngu xa (3).jpeg
Nghề đúc đồng cổ xưa được lan tỏa tới thế hệ trẻ.
nguoi giu hon cho nghe duc dong ngu xa (2).jpeg
Khách hàng đón nhận những sản phẩm đúc đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai ông Ứng) chia sẻ: “Từ khi còn bé, tôi đã được nghe tiếng gõ của nghề và đến một ngày nếu không còn được nghe tiếng đó nữa thì rất đáng buồn. Nghề đúc đồng mang lại rất nhiều giá trị về nghệ thuật, văn hóa, tâm linh hướng mọi người tới những giá trị tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, tôi quyết định cố gắng giữ gìn nghề truyền thống do tổ tiên truyền lại”.

Theo chân anh Tuấn đến xưởng của gia đình, nhìn những người thợ ngồi tỉ mỉ hàng giờ để hoàn thiện từng sản phẩm, phần nào hiểu được khó khăn vất vả của người thợ. “Nghề đúc đồng truyền thống phải làm thủ công hoàn toàn, người thợ phải cẩn thận tỉ mỉ từng chi tiết, công đoạn.

Vì vậy, rất nhiều người đến học và làm việc nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Chúng tôi tự hào là hậu duệ của làng nghề nhiều đời. Với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, chúng tôi có thể cố gắng giữ gìn và phát triển, tiếp nối, mang lại những giá trị văn hóa và đời sống tinh thần cho nhân dân”, anh Tuấn cho biết.

Chia sẻ nguyện vọng của gia đình, anh Tuấn cũng khẳng định, gia đình anh muốn động viên, khuyến khích những người trẻ yêu nghề đúc đồng có thể đến học hỏi. “Đồng lòng, quyết tâm biến gia đình thành một cơ sở đào tạo nghề đúc đồng cho người trẻ từ khắp các tỉnh, thành về học tập, trở thành những nghệ nhân tương lai.

Đối với Hà Nội, bên cạnh việc phát triển và hội nhập văn hóa vẫn còn phải giữ gìn bản sắc riêng, đặc biệt là những nghề tiêu biểu gắn liền với Thủ đô. Gia đình chúng tôi không còn đặt nặng vấn đề miếng cơm, manh áo lên hàng đầu, vì nếu như thế chúng tôi không còn nhiệt huyết giữ gìn đến tận ngày hôm nay.

Chúng tôi tự hào là những người con làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, cũng là một công dân của Thủ đô văn hóa. Chúng tôi quyết tâm biến nơi đây thành nơi bảo tồn nghề quý”, anh Tuấn nói.

Luật xưa quy định chỉ truyền lại những bí kíp về nghề đúc đồng cho con cháu trong làng. Nhưng ngày nay với xã hội phát triển đã không còn mấy người muốn gắn bó với nghề, để có thể tiếp thêm sức sống cũng như duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng sẵn sàng truyền dạy cho những người có nhu cầu theo học.

Tuy nhiên, không phải ai ông cũng nhận làm học trò, chỉ có những người thật sự yêu nghề, say mê với nghề thì ông mới đồng ý truyền nghề. Không chỉ vậy, khi những sinh viên nước ngoài tìm đến ông bái thầy, ông đã thẳng thắn từ chối vì chỉ muốn truyền nghề đúc đồng truyền thống cho người Việt vì đó là tài sản quý giá, là tinh hoa nghệ thuật mà ông cha đã để lại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn mong muốn, ấp ủ mở một trường đào tạo chuyên về đúc đồng.

Tôi vẫn luôn suy nghĩ tại sao cả làng, cả họ bao nhiêu người làm nghề đúc truyền thống nhưng không ai giữ lấy nghề. Mà không biết cơ duyên nào khiến tôi vẫn luôn say mê, tâm huyết với nghề đến tận bây giờ - Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm hiểu cv là gì Khám phá mbti là gì 50 Bộ Ngũ Sự Bằng Đồng cattut