Những bước đi đầu tiên
Thầy giáo trẻ Lý Hoàng Luân sinh năm 1994, dáng người mảnh mai và đạo mạo, gương mặt dạn dày so với tuổi đời.
Vừa tốt nghiệp Sư phạm Lịch sử Trường Đại học Cần Thơ, thầy về nhận nhiệm vụ tại Trường THPT Võ Văn Kiệt mới thành lập ở quê nhà.
Mặc dù làm việc trong vị trí giáo viên hợp đồng nhưng thầy xung phong đảm nhận rất nhiều trọng trách, cả chuyên môn sư phạm lẫn hoạt động phong trào. Khi được hỏi cơ duyên đến với nghề, thầy Luân nhắc mãi về những năm tháng tham gia công tác Đoàn tại Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Lúc đó, thầy tiếp xúc với rất nhiều thầy cô và các bạn học sinh, cảm hứng sư phạm bắt đầu nhen nhóm, lấn át dự định theo đuổi nghề luật sư lúc nào không hay.
Thi đầu vào Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, thầy Luân chọn học lớp chuyên Văn, song lại gắn bó với Đội tuyển học sinh giỏi môn Sử. Cô giáo Lê Thị Hằng (giáo viên dạy Sử) là người trực tiếp dạy dỗ và dìu dắt học trò.
Giống như bao thanh thiếu niên đang đến độ trưởng thành, thầy Luân lúc ấy cũng mãi chơi mà quên học. Nhiều lần cô Hằng biết và khóc trước mặt thầy. “Lúc đó, tôi cảm thấy xót xa. Nhiều lúc bị quay lưng bạc bẽo nhưng chẳng hiểu sao cô vẫn cứ bền bỉ, miệt mài” – thầy Luân xúc động nhớ lại.
Cảm phục trước tấm lòng hi sinh vô bờ bến của cô, cậu học trò yêu Sử mạnh dạn nộp hồ sơ thi vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Cần Thơ, tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê suốt bốn năm trên giảng đường.
Năm cuối đại học, giáo sinh Lý Hoàng Luân về Trường THPT Tân Qưới (Vĩnh Long) thực tập. Suốt thời gian này, thầy được trải nghiệm trọn vẹn môi trường sư phạm, được “cô Cẩm, cô An, cô Kiều quan tâm giúp đỡ, truyền đạt kiến thức và kỹ năng chuyên môn” – thầy nhắc lại.
Vững bước trên con đường không trải hoa hồng
Tốt nghiệp, thầy Luân về dạy ở Trường THPT Võ Văn Kiệt.
Thế nhưng, khi những say mê và hăm hở ban đầu còn chưa trọn vẹn thì cuộc sống đã chèn vào giấc mơ sư phạm của thầy bao nỗi nhọc nhằn. Cuối năm 2016, ba thầy Luân bị tai biến xuất huyết não, cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM).
Dạy hợp đồng chưa được hưởng lương ngay, thầy Luân xin nghỉ một tuần chạy chữa thuốc men cho ba. Sau giai đoạn nguy kịch, ba thầy nằm điều dưỡng tại nhà. Mỗi ngày, thầy vừa dạy vừa tranh thủ tiết trống chạy về phụ mẹ trông nom ba, lại phải dành dụm tiền bạc lo cho em đang học đại học.
Ngày 8/3/2017, phụ nữ khắp mọi nhà đều vui vẻ hân hoan, riêng mẹ thầy và gia đình lại hoang mang, sầu não. Người mẹ đã gần sáu mươi tuổi bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối; và hiện đang tiến hành xạ trị, sức khỏe suy giảm nhiều.
“Trước những biến cố đó, tôi gần như sụp đổ. Chuyện nghề, chuyện nhà, chuyện sức khỏe nhiều lúc làm tôi định bỏ nghề. Vậy nhưng, mẹ tôi khuyên tôi không được phụ công ơn thầy cô và lòng tin yêu của tụi nhỏ. Tôi càng thương mẹ, càng cố gắng vượt qua” – thầy Luân nói.
Cuộc sống gia đình chật vật, đôi khi thầy tự trách cuộc đời, nhưng nghĩ đến nhiều học sinh mình từng dạy có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, thầy lại cảm thấy trân quý công việc hiện tại. Mỗi lần ra đường gặp học trò cúi chào, gọi một tiếng thầy, tâm trạng thầy trở nên bình ổn hơn.
Ngoài ra, bên cạnh thầy còn có nhiều thầy cô giáo cũ, bạn bè đồng nghiệp, học trò quan tâm, động viên, giúp đỡ về tinh thần và vật chất, thầy cảm thấy ấm áp vô cùng.
Thầy Luân trong khuôn viên Trường Võ Văn Kiệt |
“Bài ca sư phạm”: thăng hoa và tỏa rạng
Thầy Luân hiện tại đang làm công tác chủ nhiệm và kiêm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn trường. Dù chỉ là giáo viên hợp đồng, thầy vẫn mong muốn cống hiến hết sức vì ngôi trường mới. Nhận lãnh quản lý các khối lớp, chăm lo phong trào nhưng thầy không bao giờ phó mặc chuyên môn.
Thầy quan niệm môn học nào cũng có giá trị tất yếu, môn Lịch sử ngoài chức năng truyền đạt tư tưởng, tinh thần trong quá khứ còn dạy học sinh hiểu biết đạo làm người.
Muốn học tốt môn học này phải tập trung vào kiến thức trọng tâm và đổi mới phương thức sư phạm. Thầy Luân luôn ý thức đem đến cho học sinh những giờ học thú vị và kết hợp công tác phong trào với chuyên môn.
Trong bài học về chiến thắng Bạch Đằng, thầy tổ chức lại bàn ghế lớp học, lấy không gian lớp học tái hiện trận địa. Nền gạch trở thành lòng sông Bạch Đằng. Học sinh đóng vai tướng lĩnh tham mưu, đề xuất ý tưởng cài cắm bãi cọc và bố trí chiến thuyền mai phục.
Những bài học như vậy thoát ly khuôn khổ giáo điều, để các em học sinh sống lại lịch sử, là người chủ động kiến tạo và tham gia bài giảng.
Tận dụng buổi sinh hoạt dưới cờ, thầy Luân “chiêu mộ” đội văn nghệ, tự cải biên vở cải lương Tiếng trống Mê Linh thành kịch nói. Các “diễn viên” nghiệp dư tái hiện rất tài tình tinh thần của thời đại Hai Bà Trưng uy phong lẫm liệt, góp phần làm lan tỏa lòng yêu nước đến toàn thể học sinh nhà trường.
Thầy Luân có tư duy lịch sử sắc bén và thực tế. Hằng năm, thầy cùng Đoàn trường tổ chức nhiều đợt tham quan các di tích và đình thờ danh nhân lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Thầy nhờ những bậc cao niên gìn giữ di tích kể lại truyền thống và tự biến mình thành một hướng dẫn viên. “Chúng tôi vừa mới thực hiện chuyến đi bộ tham quan đình thần Nguyễn Trung Trực trên địa bàn Thành phố Rạch Giá. Qua sự kiện này, tôi muốn nhắc nhở các em rằng, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở thế kỷ 19 không chỉ dừng lại ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ mà Nam Kỳ cũng không kém phần quyết liệt, ngay tại quê hương xứ sở cũng có những anh hùng yêu nước, kháng lệnh triều đình, dựng cờ khởi nghĩa” – thầy Luân tự hào kể lại.
(*) Tên một tác phẩm văn chương của tác giả Anton Makarenko (Nga)