Người gác cổng cuối cùng

GD&TĐ - Nhiều năm nay, kỳ thi cấp quốc gia dành học sinh sau khi kết thúc chương trình THPT luôn có sự tham gia tích cực của cơ sở giáo dục đại học. Những năm trước đây, các trường đại học tham gia sâu hơn vào quá trình tổ chức kỳ thi như được phân công nhiệm vụ coi thi, chấm thi, kiểm tra giám sát kỳ thi…

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từ năm 2020, Kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành thi tốt nghiệp THPT, giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương. Từ đây, dù không tham gia sâu nhưng các cơ sở giáo dục đại học vẫn phát huy vai trò quan trọng và có mặt trong các đoàn thanh tra ở tất cả khâu của kỳ thi, như chuẩn bị, in sao đề, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên đại học khi về địa phương vẫn như làm cho chính mình; bên cạnh trách nhiệm xã hội còn có lý do chất lượng kỳ thi liên quan trực tiếp tới đầu vào của chính các trường đại học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT quyết định điều động 123 cơ sở giáo dục đại học với dự kiến khoảng 7.000 cán bộ tham gia kiểm tra công tác coi thi, chấm thi. Ngoài ra, còn có 18 cơ sở giáo dục đại học với dự kiến 540 cán bộ, giảng viên dự phòng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia kiểm tra công tác coi thi. Đến thời điểm này, cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đã rà soát, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện, tiểu chuẩn theo quy định để gửi về Bộ GD&ĐT. Quy định cán bộ, viên chức dự kiến tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi không trùng với cán bộ, viên chức đã được cử tham gia đoàn kiểm tra coi thi được lưu ý, tuân thủ nghiêm túc.

Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Công tác thanh tra, kiểm tra được yêu cầu rõ là phải theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động này. Tổ chức thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Quán triệt mục đích phòng ngừa trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, không tạo kẽ hở, khoảng trống, không bị động. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và hạn chế tối đa bố trí nhân sự cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng đóng chân trên địa bàn làm việc trực tiếp tại địa phương…

Với quy định chặt chẽ, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT được tổ chức khá bài bản và đầy đủ. Cán bộ thanh tra được tập huấn chuyên môn, cung cấp đầy đủ tài liệu, biểu mẫu liên quan đến công tác thi và coi thi. Nhiều cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chia sẻ, công việc thanh tra thi khá “nhàn” bởi địa phương tổ chức thi nghiêm túc; giáo viên và cán bộ phục vụ kỳ thi cũng được tập huấn, quán triệt bài bản trước kỳ thi và ngay trong từng buổi thi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc được phép chủ quan, nới lỏng, làm tắt, làm không đúng với quy định.

Nhiệm vụ của thanh tra thi là giám sát các hoạt động của kỳ thi theo đúng Quy chế đề ra và cùng với điểm thi giải quyết các tình huống phát sinh một cách công bằng, nghiêm túc, phù hợp với quy chế. Để công tác thanh tra đạt hiệu quả, trước hết cần làm tốt công tác phân công thực hiện nhiệm vụ này trong các giai đoạn tổ chức của kỳ thi, từ khâu ra đề đến chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức thu bài và chấm thi… Từng khâu được làm bài bản, chặt chẽ thì các khâu sau càng nhẹ nhàng và bảo đảm chất lượng, tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi. Công tác tổ chức thi cần được quán triệt nghiêm túc từ trên xuống dưới điểm thi; từ đó, nhiệm vụ thanh tra chỉ còn là người gác cổng cuối cùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ