Người gác cổng cho sức khỏe học sinh

GD&TĐ - Bảo hiểm y tế ngoài chức năng là chiếc thẻ bảo vệ sức khỏe cho HSSV còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển hệ thống y tế học đường. 

Người gác cổng cho sức khỏe học sinh

Từ nguồn kinh phí trích lại, nhiều trường đã có phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu, có nhân viên y tế chuyên trách để xử lý sự cố liên quan đến tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu cho HS, SV cũng như sàng lọc, theo dõi bệnh học đường.

Bệnh học đường gia tăng

Chiếm xấp xỉ 1/5 dân số, HSSV từ trường mầm non đến CĐ, ĐH, trường nghề có những bệnh đặc trưng liên quan đến học đường. Trong số bệnh học đường thì tật khúc xạ có tỷ lệ trẻ mắc nhiều nhất.

Điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, trẻ ở thành thị mắc bệnh nhiều hơn nông thôn với tỷ lệ tương ứng là 30 - 35% và 15%. Tính riêng trẻ tiểu học và THCS, số mắc tật khúc xạ lên tới con số 3 triệu em. Có nhiều bệnh liên quan đến tật khúc xạ học đường trong đó phổ biến nhất là cận thị. Một số ít bị loạn thị hoặc cả hai.

Răng miệng là căn bệnh phổ biến thứ 2 ở trẻ em nước ta. Bệnh về răng thường gặp nhất là sâu răng. Có những trẻ mới 3 tuổi đã sâu 2 - 3 chiếc. Do không được khám răng định kỳ nên có trẻ phải chịu đựng cơn đau do viêm tủy răng, tạo ổ nhiễm trùng quanh chân răng.

Trẻ sâu răng càng nhiều chứng tỏ chế độ ăn nhiều tinh bột, đường và hành vi vệ sinh răng chưa đúng, chưa được quan tâm từ cha mẹ. Ngoài ra, trẻ ngày nay còn đối mặt với bệnh cong vẹo cột sống, béo phì, suy dinh dưỡng...

Thống kê của liên Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT những năm qua cho thấy, qua khám sức khỏe định kỳ, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị. Có khoảng 2,6 triệu trẻ mắc các bệnh răng miệng. Trên 40.000 HS bị cong vẹo cột sống, trên 100.000 em bị béo phì. Ở một số vùng, trẻ học đường còn nhiễm giun, sán với tỷ lệ tương đối cao.

Bệnh học đường ngày một gia tăng là sự thật được ghi nhận ở hầu hết các địa phương. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến áp lực học hành, ô nhiễm môi trường và sự phát triển của công nghệ thông tin, trò chơi giải trí khiến các em sử dụng mắt nhiều hơn, lười vận động hơn trước kia.

Y tế trường học phát triển nhờ bảo hiểm y tế

Nếu như bảo hiểm y tế như tấm thẻ thông hành có nhiệm vụ chi trả các khoản phí mà người bệnh bị ốm đau phải vào viện điều trị. Tùy vào loại bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau mà bảo hiểm thanh toán.

Còn với y tế học đường, nhiều người coi đây như người gác cổng, có trách nhiệm theo dõi, phát hiện những bất thường với sức khỏe của trẻ, qua đó hướng dẫn trẻ hướng đến hành vi đúng, thông báo tới gia đình để cùng phối hợp trong việc điều trị...

Nhận thấy tầm quan trọng của y tế học đường nên nhiều năm nay, bảo hiểm y tế đã trích lại một phần kinh phí để các trường xây dựng phòng y tế học đường, chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khoản kinh phí trích lại từ số thu bảo hiểm y tế HSSV là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn của hoạt động y tế trường học.

So với đối tượng khác, nhóm HSSV đang được hưởng lợi kép từ quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh việc được chi trả khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hàng ngày, các em vẫn được hưởng thụ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học.

Đó là hoạt động khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/năm. Các em được quản lý sức khỏe, sơ cấp cứu, xử trí các tai nạn, thương tích tại trường học. Cụ thể hơn, hàng ngày các em được học trong môi trường an toàn, nhà vệ sinh sạch sẽ, nước uống đầy đủ, môi trường thông thoáng... đều nhờ công của y tế trường học.

Nhân viên y tế trường học là những người luôn đứng đằng sau, hỗ trợ giáo viên trong việc đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe cho HS (tổ chức vệ sinh trường, lớp học, hướng dẫn giáo viên lau chùi đồ dùng dạy học, vệ sinh phòng dịch...).

Nhân viên y tế cùng giáo viên bán trú đảm bảo an toàn thực phẩm cho học trò thông qua việc kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến, bảo quản thực phẩm trước khi trẻ ăn. Nhìn bên ngoài thấy đơn giản nhưng theo chia sẻ của nhân viên y tế trường học và người đứng đầu các trường, đội ngũ này thường xuyên trong tình trạng làm không hết việc.

Năm học 2005 - 2006, kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học chỉ có 75 tỷ đồng, thì đến năm 2015 - 2016, con số này tăng hơn 500 tỷ đồng. Cũng trong năm học này, nhờ nguồn kinh phí trên mà tỷ lệ trường có phòng y tế đạt mức 49,3%. Số trường đào tạo có trạm y tế cũng tăng từ 55,9% lên 80%. Tại các phòng y tế trong trường học ở bậc phổ thông và mầm non, tỷ lệ cán bộ chuyên trách chiếm 44,6%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.